90 năm phong trào Thơ mới (1932-2022): Đoàn Phú Tứ - 'Triết gia' làm thơ

GD&TĐ - Đoàn Phú Tứ vốn quê ở thôn Tử Nê (xã Minh Đạo, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) nhưng sinh tại Hà Nội và có bằng tú tài Tây.

Tranh vẽ chân dung thi sĩ Đoàn Phú Tứ.
Tranh vẽ chân dung thi sĩ Đoàn Phú Tứ.

Ông viết từ khúc đăng trên báo Đông Pháp từ năm 1925. Đương thời phong trào Thơ mới, ông có thơ in trên các báo Phong hóa, Ngày nay, Hà Nội báo, Thanh nghị, Tinh hoa và tham gia chỉ đạo nhóm Xuân thu nhã tập…

Bớt khuôn phép, thêm hàn lâm

Trong Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên Xb., Huế, 1942), Hoài Thanh - Hoài Chân chỉ tuyển duy nhất một bài Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ (in trên báo Ngày nay, số Tết 1940), đồng thời chính tác giả cũng đưa in lại trong Xuân thu nhã tập và được nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc (Xuân Thu thư lâu xuất bản, H., 1942)…

Nhìn rộng ra, ngoài Hoài Thanh - Hoài Chân, hiện tượng thơ Đoàn Phú Tứ còn được các nhà phê bình T.N., Lê Huy Vân, Diệu Anh, Vũ Bội Liêu, Trúc Hà, Kiều Thanh Quế… cùng quan tâm tìm hiểu, luận bình.

Trong lời giới thiệu Một thời đại trong thi ca mở đầu sách Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân nêu ý kiến khái quát: “Cái kín đáo của thơ Pháp gần đây tôi còn thấy ở Đoàn Phú Tứ (…).

Nói tóm lại, phong trào Thơ mới đã vứt đi nhiều khuôn phép xưa, song cũng nhiều khuôn phép nhân đó sẽ thêm bền vững. Hẳn tương lai còn dành nhiều vinh quang cho những khuôn phép này.

Nó đã qua được một cơn sóng gió dữ dội trong khi các khuôn phép mới xuất hiện đều bị tiêu trầm như thơ tự do, thơ mười chữ, thơ mười hai chữ, hay đương sắp sửa tiêu trầm như những cách gieo vần phỏng theo thơ Pháp”, từ đó chú thích và chứng dẫn trường hợp thơ Đoàn Phú Tứ đặt trong tương quan so sánh với thơ Xuân Diệu: “Tiếng ta có bằng trắc rõ ràng. Nhiều khi chỉ đổi thanh cũng đủ không cần vần. Đọc mấy câu này của Đoàn Phú Tứ: Duyên trăm năm đứt đoạn,/ Tình một thuở còn hương./ Hương thời gian thanh thanh, Màu thời gian tím ngát… có ai ngờ là những câu không vần.

Còn như trong mấy câu này của Xuân Diệu: Đây, đây thơ e ấp đã lâu rồi,/ Chìm trong cỏ một vườn hoa bỏ vắng;/ (Lòng tôi đó: một vườn hoa cháy nắng),/ Xin lòng người mở cửa ngó lòng tôi..., giá thay chữ “tôi” cuối câu thứ tư bằng một chữ gì khác không dấu đọc lên vẫn êm. Đại khái gieo vần phỏng theo thơ Pháp đều thừa như thế, mà lắm khi lại còn làm mất cả âm điệu bài thơ”…

Trong phần bình luận về “tác giả một bài” Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ (đồng hạng số bài với Thúc Tề, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương, Mộng Huyền), Hoài Thanh - Hoài Chân dẫn giải: “Hẳn có kẻ ngạc nhiên thấy Đoàn Phú Tứ trong quyển này.

Người ta vẫn nghĩ Đoàn Phú Tứ chỉ có tài viết kịch và diễn kịch. Nhưng thơ hay không cần nhiều. Đoàn Phú Tứ chỉ làm có dăm bảy bài mà hầu hết là những bài đặc sắc. Ấy là một lối thơ rất tinh tế và rất kín đáo.

Thi nhân ghi lại bằng những nét mong manh những cảm giác rất nhẹ nhàng. Người xem thơ cũng biết rằng đây là hình ảnh một đôi mẩu đời, nhưng hình ảnh mờ quá không thể đoán những mẩu đời kia ra thế nào. Có khi, cả ý nghĩa bài thơ cũng không hiểu rõ…

Nhiều người khi làm thơ chỉ biết có mình, không giấu giếm gì hết; thơ làm ra in lên báo lên sách thì được, nhưng không thể đưa đọc trước người khác vì quá sỗ sàng. Đoàn Phú Tứ không thế. Tôi tưởng Đoàn Phú Tứ có thể đọc thơ mình trước mọi người mà không sợ ngượng”…

Từ đây hai nhà phê bình dẫn lại nguyên văn bài thơ Màu thời gian, thực hiện 10 chú giải và cẩn thận viết thêm lời bình như một biệt lệ: “Nói về toàn thể nên chú ý đến điệu thơ.

Bài thơ bắt đầu bằng những câu dài ngắn không đều: Âm điệu hoàn toàn mới. Kế đến bốn câu ngũ ngôn cổ phong, một lối thơ cũ mà các thi nhân gần đây cũng thường dùng. Bỗng chuyển sang thất ngôn: Điệu thơ hoàn toàn xưa. Lời thơ cũng xưa với những chữ “phụng quân vương” và những chữ láy lại ở câu Kiều: “Tóc mây một món dao vàng chia hai”.

Nhưng với hai câu thất ngôn dưới thi nhân đã từ chuyện người xưa trở về chuyện mình. Những chữ “thiếp phụ chàng” đưa dần về hiện tại. Rồi điệu thơ lại trở lại ngũ ngôn với hương màu trên kia… Thành ra ý thơ, lời thơ, điệu thơ cùng với hồn thi nhân đi từ hiện tại về quá khứ, từ quá khứ gần đến quá khứ xa, rồi lại dần dần trở về hiện tại.

Hiện tại chỉ mờ mờ nhạt nhạt, nhưng càng đi xa về quá khứ, câu thơ càng thiết tha, càng rực rỡ. Nhất là chỗ từ ngũ ngôn chuyển sang thất ngôn câu thơ đẹp vô cùng. Tôi tưởng dầu không hiểu ý nghĩa bài thơ người ta cũng không thể không nhận thấy cái vẻ huy hoàng, trang trọng của câu thơ (Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát có đưa phổ bài thơ này vào đàn.

Đoạn đầu bài nhạc đi rất mau, rồi chậm dần. Đến đoạn thất ngôn nhạc lên giọng majestuoso. Cuối cùng còn thêm một đoạn láy lại âm điệu mấy câu đầu). Trong thơ ta có lẽ không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế” (Thi nhân Việt Nam, 1942)…

Cũng chính trong năm này, Đoàn Phú Tứ với vai trò “chủ biên” trong nhóm sáu nhà nghệ sĩ cùng tham gia viết Xuân Thu nhã tập (1942) với tôn chỉ: “Dưới bóng Xuân Thu sẽ thực hiện Trí thức, Sáng tạo, Đạo lý” đã viết mục bài Thanh khí với ý nguyện mong tìm sự đồng cảm, hòa hợp giữa những tấm lòng thi sĩ và đi đến đoạn kết nhấn mạnh vai trò chủ thể tác giả: “Ta không là gì riêng biệt. Ta là Tất cả. Tất cả đã rung động trong Ta. Ta đã là chiếc đàn văng vẳng Nhạc muôn đời. Ta cũng là cánh hoa ngoài đồng nội, nở theo nhịp sống tuyệt vời. Và ta đã tự nhiên có một thiên chức: Thiên Chức của cây đàn. Thiên chức của đóa hoa”...

Liền đó tạp chí Thanh nghị quảng cáo: “Sách mới Xuân Thu nhã tập. Đoàn Phú Tứ chủ biên. Nguyễn Lương Ngọc xuất bản. Giá 1p50” (9/1942).

Thế rồi Lê Huy Vân viết bài giới thiệu trên mục “Đọc sách mới” và nêu nhận xét chung: “Quyển Xuân Thu nhã tập đã và sẽ làm cho nhiều người bực tức vì chúng ta đã quen không dùng đến sự suy nghĩ của ta đã lâu rồi.

Nhưng nếu các độc giả còn biết ghét sự dễ dàng thì các ngài sẽ thấy rằng những ý kiến của nhóm Xuân Thu không có chi là quá đáng, rất rõ ràng, sáng sủa, hợp lý, đôi chỗ lại tân kỳ nữa.

Quyển Xuân Thu nhã tập quả là một bài đại luận - một bài luận có rất nhiều thí dụ - để chứng tỏ một lý tưởng riêng, một quan niệm thẩm mỹ có đôi chút khác thường” (Thanh nghị, 9/1942).

Rồi ngay đầu tháng sau, Diệu Anh (Đinh Gia Trinh) kịp thời có ngay bài điểm sách, trong đó nhấn mạnh ý kiến của Đoàn Phú Tứ ở quan niệm về đạo sống và thi ca: “Nhóm thanh niên cùng chung một lý tưởng ấy, kẻ văn sĩ, người nghệ sĩ, cùng nhau hợp tác tạo nên một quyển sách đặc biệt.

Các bạn thanh niên ấy say sưa trong một tin tưởng và con đường mới. Ta thấy tất cả cái vui sướng, hăng hái và nhiệt thành của những tâm hồn đã tìm thấy đạo sống. Họ muốn sống “trong trẻo, nhịp nhàng và sáng sủa, sống một đời sống thơ, đẹp, cũng là nhạc” (Đoàn Phú Tứ - Thanh khí: Xây đền thơ nhạc để điều hòa sự sống của tâm hồn).

Họ vứt những gai góc xưa nay đã trùm vây những cuộc đời yên lặng, những ràng buộc, để “nhìn cao bốn phương trời” (Nguyễn Lương Ngọc - Thanh khí). Đạo sống mới là gì? Là sáng tác trong mọi phạm vi nghệ thuật, là với tới những cái cao, trong, là đi hàng tiên phong để tìm cái Đẹp”...

Từ đây Diệu Anh Đinh Gia Trinh khơi gợi ý nghĩa bản nhạc Nguyễn Xuân Khoát phổ thơ bài Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ và nhấn mạnh vị thế của cả tập sách: “Ta đã nói về thơ trong Xuân thu nhã tập, tập Xuân thu còn có một bản nhạc của ông Nguyễn Xuân Khoát, một bức họa của ông Nguyễn Đỗ Cung.

Bản nhạc Màu thời gian, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã soạn dựa vào lời thơ của ông Đoàn Phú Tứ. Tôi đã được nghe dạo bản đó và nhận rằng nó là một công trình biên soạn có giá trị. Ở những nhịp đầu, đàn êm, mát, nhẹ nhàng, vương vấn.

Tới nhịp 37, đàn mạnh tiếng lên majestuoso, tiếng nóng “ấm, diệu huy hoàng”. Rồi đến nhịp 50, đàn đổi độ chuyển vận, tiếng đàn nhỏ dần dần, làm truyền lan cái “ngát” của thời gian, cái mông lung bát ngát của thi sĩ cảm. Điệu đàn có tính cách Á Đông” (Thanh nghị, 10/1942)...

Rồi trong bài Mỹ từ pháp trong văn chương Pháp và Việt Nam cũng in trên tạp chí Thanh nghị (11/1942), nhà ngữ học Vũ Bội Liêu triển khai và minh chứng rõ thêm lời bàn của Đoàn Phú Tứ về vấn đề “Nhạc điệu trong thơ”: “Ông Đoàn Phú Tứ trong bài Âm thanh (Thanh nghị ler Juin 1942) bày tỏ rằng trong tiếng nói Việt Nam, một số gần nửa đã được kết tạo theo định luật rất rõ rệt này: “Âm thanh vốn có năng lực diễn tả tình ý”. A. de Piris (1785) bên Pháp trong quyển Harmonie imitative de la langue francaise cũng biện chứng rằng tiếng Pháp có năng lực tượng thanh và tượng hình rất lạ lùng.

Theo tác giả, không có tiếng gì mà không miêu tả được bằng âm thanh (…). La Fontaine và cụ Nguyễn Du đã dùng cùng một lối để tả cái xe ngựa khó nhọc, nặng nề tiến trên con đường gồ ghề, khúc khuỷu: Le coche arrive au haut,/ Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”…

Khái quát cái cũ bằng sự mới mẻ

Bút tích “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ.

Bút tích “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ.

Từ phương Nam, nhà phê bình Trúc Hà cũng mau chóng cập nhật đời sống văn chương với bài Giới thiệu sách Xuân thu nhã tập trên Nam Kỳ tuần báo (11/1942) và xác định những đóng góp của Đoàn Phú Tứ trong dàn đồng ca nghệ sĩ: “Nhóm người ấy là những tay thợ rất tỉ mỉ, rất tinh tế, rất công phu. Họ gọt đẽo từ chữ, trau chuốt từ câu, săn sóc từ ý. Vẻ điêu luyện trùm mất nét tự nhiên.

Có vẻ vì thế mà lắm khi độc giả phải đụng đầu với những câu gò gẫm, khó hiểu. Tuy nhiên, ta không thể không chú ý đến những mẩu tư tưởng tân kỳ, sâu sắc, hoặc những chỗ phân biệt tế nhị, tinh vi. Ở bài Thiên chức, ông Đoàn Phú Tứ phân tách cái “TÔI” với cái “TA” một cách thâm trầm, thấu đáo”, rồi xác định: “Ta thường nói một bản nhạc có thi vị. Ấy là trong Nhạc có Thơ.

Và cũng thường bảo rằng một bài thơ có âm hưởng rất tốt. Ấy là trong Thơ có Nhạc. Tuy vậy, Nhạc là Nhạc mà Thơ là Thơ, hai cái ấy có tính cách riêng của nó, không thể hỗn hợp làm một được. Nhạc gợi cảm, không cần hiểu. Thơ có hiểu rồi mới cảm. Trong Thanh nghị số 22, ông Diệu Anh có viết một bài phê bình rất xác đáng về cái quan niệm lầm lẫn ấy”...

Qua năm sau, Đoàn Phú Tứ viết bài Ý nghĩa Xuân Thu nhã tập in trên tạp chí Thanh nghị (số 35, ra ngày 16/4/1943) nhằm trao đổi, giải thích, bàn rộng, bàn sâu thêm về quan niệm nghệ thuật thi ca của mình và của cả nhóm: “Ta hãy coi Xuân Thu nhã tập là một quyển sách đại toàn, nêu lên những đầu mối của Tư tưởng Xuân Thu mà mỗi người đồng thanh khí (còn những ai nữa đây?) sẽ tìm phương tiện riêng mà giải thích cho đầy đủ trọn vẹn, ngõ hầu xây đắp được một chút gì trong cái nền tảng cần phải có cho cả một cuộc Văn Minh mai hậu. (Xuân Thu nhã tập há có phải làmột lý thuyết về một lối văn thơ của một vài thi gia nào đâu).

Riêng kẻ viết mấy dòng trên này sẽ có dịp gửi báo Thanh nghị những ý mọn về mọi vấn đề phụ thuộc Tư tưởng Xuân Thu (Thơ, Trí thức…)”...

Cuối cùng, nhà phê bình Kiều Thanh Quế trong bài viết thực sự công phu Nhân đọc Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân trên tạp chí Tri tân (số 134, tháng 3/1944) đã nhấn mạnh ý nghĩa khơi dòng hiện đại hóa và khả năng tổng hợp của mối quan hệ Thơ - Nhạc - Họa mà họ Đoàn có tham dự: “Trong phái Lập thể, thi sĩ nào có phương pháp thì dùng phép phân tích chia một phong cảnh ra làm nhiều thành phần (éléments composants) rồi gộp những thành phần ấy lại theo những quy tắc riêng của lối vẽ viễn thị (perspective) lạ lùng.

Còn thi sĩ nào không theo phép phân tích thì do theo nguồn cảm hứng mà sắp các giác cảm của mình ngay hàng thẳng lối tuần tự trước sau. Do những định nghĩa, những điều dẫn giải trên, thử hỏi ta nên đặt thơ Xuân thu (thơ của nhóm Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, Xuân Sanh) vào loại nào: Vào thơ Đa - đa hay thơ Lập thể? Thơ nhóm Xuân thu, phải bảo là lối thơ có chịu ảnh hưởng nhiều của thơ lập thể ở Pháp mới đúng”...

Vào giai đoạn đương thời Thơ mới, Đoàn Phú Tứ hiện lên khá khiêm nhường trong tư thế tác giả một bài, nhà thơ một bài, nhưng đó lại là thi phẩm độc đáo, đặc sắc, có tầm ảnh hưởng sâu rộng.

Bài thơ không chỉ được chọn tuyển vào Thi nhân Việt Nam, mà còn được in trong Xuân thu nhã tập và được phổ nhạc, trở thành hiện tượng của một dòng thơ, một lối thơ, một trào lưu, một trường phái thi ca.

Trên mọi phương diện, từ tứ thơ “có tính cách triết học” đến “một câu chuyện tâm tình”, từ nội dung đến hình thức nghệ thuật, từ mối quan hệ giữa vần thơ với điệu thơ, từ biểu trưng truyền thống thi ca phương Đông - Trung Hoa đến âm hưởng tư duy trường phái Lập thể Pháp hiện đại… đều đã được giới phê bình xem xét, luận giải, so sánh kỹ lưỡng.

Điều này cho thấy, mối quan hệ cơ hữu, dân chủ và bình đẳng trong mọi mặt hoạt động sáng tác và phê bình thi ca giai đoạn đương thời Thơ mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.