Từ xa xưa, ngôi làng Hoàng Trạch nhỏ bé đã được coi là đất thiêng, không chỉ phát khoa bảng, mà còn xuất hiện nhiều anh hùng.
Về số lượng người đỗ đại khoa, có lẽ Hoạch Trạch chỉ đứng hàng thứ 4 trong huyện sau làng Mộ Trạch với 36 Tiến sĩ, làng Ngọc Cục với 8 Tiến sĩ, làng Lương Đương với 8 Tiến sĩ, nhưng Hoạch Trạch theo lưu truyền vẫn được trong huyện ngoài phủ đánh giá là có vị thế cao chỉ đứng sau Mộ Trạch.
Cũng bởi do nhiều người không chỉ đỗ đại khoa, mà còn tài giỏi, lập nhiều công trạng xứng với câu ca “Hoạch Trạch khí tàng, anh hùng xuất thế”.
Trả vàng được đất phát
Theo văn chỉ huyện Đường An xưa, người khai khoa của làng Hoạch Trạch là ông Vũ Tụ, sinh năm 1466, đỗ Hoàng giáp khoa Quý Sửu đời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493), làm quan đến chức Tả thị lang bộ Hình. Theo “Lịch triều hiến chương loại chí”, vua từng cho người biếu lụa thử các quan, các quan đều nhận cả, chỉ riêng ông không chịu nhận và đuổi về.
Khi biết ông không chịu nhận lụa thử, vua khen ông có tiết tháo và ban hai chữ “liêm tiết”, cho dán vào cổ áo mỗi khi vào chầu. Phan Huy Chú nhận xét ông “tính liêm thẳng, làm quan trong sạch, cần kiệm, chưa từng lấy bậy của người”. Sinh thời, Vũ Tụ cũng để lại câu nói nổi tiếng: “Người đời đục cả, chỉ mình ta trong. Ta há lại nghe lời nói ngọt của mày mà đổi tiết tháo đi ru”.
Khoa thi năm Giáp Thìn niên hiệu Hoằng Định (1604) có ông Trần Vĩ, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, ông thi đỗ năm 41 tuổi, làm quan tới chức Tả thị lang bộ Lại, kiêm Đông các đại học sĩ, tước Hương quận công. Ông từng đi sứ sang nhà Minh và khi mất được tặng chức Thượng thư, hàm Thiếu bảo.
Đặc biệt ở Hoạch Trạch có họ Nhữ với 5 người đỗ đại khoa. Để giải thích về sự thành đạt của dòng họ Nhữ, cuốn “Hoạch Trạch Nhữ tộc phả” ghi lại sự tích hai cụ thân sinh của Hoàng giáp Nhữ Văn Lan đã lượm được một nồi chân vàng dưới gốc cây dừa đổ của người Tầu giấu lại đã nhiều năm. Khi người Tầu qua tìm vàng, hai cụ đã trả lại toàn bộ và kiên quyết không lấy một phân nào khi họ muốn biếu lại một phần tài sản mà hai cụ lượm được.
Văn chỉ huyện Đường An - nơi ghi danh các tiên hiền quê hương. |
Cảm hóa tấm lòng nhân đức, thật thà của hai cụ, những người phương Bắc đã để lại cho một “kiểu đất âm phần” để đền ơn và dặn rằng: “Kiểu đất này là kiểu ‘bần cục’ nhưng đời nối đời làm công khanh đấy, vả lại phía trước ngôi mộ có chữ Vương có thể phát phúc giới đó”.
Theo gia phả, người đầu tiên về Bình Giang khai nghiệp là cụ Nhữ Huyền Minh - con trai thứ hai của Hoàng giáp Nhữ Văn Lan. Đến đời 3 có cụ Nhữ Văn Xuyên, khi còn trẻ theo thầy học ở phường Đồng Xuân - Tràng An. Cụ từng nhặt được một túi vàng khi nghỉ ở điếm “phù lưu”.
Túi vàng có cả giấy tờ, biết đó là vàng của kẻ nha môn chuyên giữ đồ vật, vâng lĩnh vàng để gia công đồ cống nạp, cụ liền quay lại chỗ nhặt được vàng, ngồi đợi nửa ngày để trả lại cho người bỏ quên.
Người quan nha giữ đồ vật trên làm tờ khải trình bày lên bề trên, cụ được xưng thưởng đặc ân, gia ban chức “giám thủ kho vàng” nhưng lại hết sức từ chối.
Cụ Nhữ Văn Xuyên sau làm quan tới chức Tri phủ Trường An và Tri phủ Bắc Hà.
Họ Nhữ phát khoa
Từ khi về Bình Giang, họ Nhữ có Nhữ Tiến Dụng - khai nghiệp dòng họ Nhữ tại đất Hoạch Trạch. Ông đỗ Hương cống năm 19 tuổi, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm 42 tuổi. Văn bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tên của ông được xác nhận tại bài ký đề tên khoa Giáp Thìn (1664) đời vua Lê Huyền Tông (bia số 43).
Ông làm quan đến Lễ khoa đô cấp sự trung, phong tặng Hoằng Tín đại phu Thái thường Tự khanh, gia tặng Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Đô ngự sử, Công bộ Thượng thư, tước Liên Khê hầu.
Người thứ hai của họ Nhữ làng Hoạch Trạch là Tiến sĩ Nhữ Đình Hiền - cũng được coi là ông tổ nghề lược tre Việt Nam, ông là con trai thứ ba của Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng. Năm 17 tuổi Nhữ Đình Hiền tham gia kỳ thi Hương, đến năm Vĩnh Trị thứ 5 (1680) ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân lúc 21 tuổi.
Năm 26 tuổi, giữ chức Hình khoa đô cấp sự trung. Khi 34 tuổi ông làm Đốc đồng xứ Kinh Bắc, rồi Tham chính Sơn Nam. Đến năm 39 tuổi đi sứ Trung Quốc, được phong Hữu thị lang. Sau đó làm đến chức Hình bộ Thượng thư.
Nhữ Đình Hiền nổi tiếng là người thượng tôn pháp luật, xử án công bằng, đúng người đúng tội, việc chính sự đều rất tận tụy nên đương thời nhân dân ai cũng khen ngợi. Bởi vậy mà người đương thời có câu: Văn chương Lê Anh Tuấn/ Chính sự Nhữ Đình Hiền.
Tương truyền trong thời gian đi sứ, Nhữ Đình Hiền đã học được nghề làm lược bằng tre (lược bí). Bấy giờ, người dân nước ta thường dùng lược gỗ hoặc sừng, răng thưa.
Từ quan sát trên đường đi sứ, Nhữ Đình Hiền nghĩ ở nước Nam có cây tre, rất thuận lợi về nguyên liệu. Ngoài nhiệm vụ Phó sứ, ông cặm cụi học nghề, âm thầm dạy lại cho vợ là bà Lý Thị Hiệu. Về nước, hai vợ chồng Nhữ Đình Hiền truyền nghề làm lược tre cho dân làng, hướng dẫn và giúp đỡ tập hợp thợ thành phường nghề, gọi là Diên Lộc.
Người thứ ba là Nhữ Trọng Thai gọi Nhữ Đình Hiền là chú ruột, đỗ Bảng nhãn khoa thi năm Quý Sửu (1733) đời vua Lê Thuần Tông, làm quan đến chức Hiến sát sứ.
Nhà thờ họ Nhữ tại xã Thái Học (Bình Giang, Hải Dương). |
Con thứ của Nhữ Đình Hiền là Nhữ Đình Toản (sau đổi là Nhữ Công Toản) đỗ Hội nguyên Tiến sĩ khoa thi năm Bính Thìn (1736) đời vua Lê Ý Tông, làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh kiêm Tham tụng, tước Bá Trạch hầu. Về sau đổi sang võ ban, làm Hiệu điểm rồi lên tới chức Tả đô đốc, tước Trung Phái hầu.
Nhữ Công Chân (Chấn) là con trai của Nhữ Đình Toản, gọi Nhữ Tiến Dụng là cụ nội, Nhữ Đình Hiền là ông nội. Ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi năm Nhâm Thìn (1772) đời vua Lê Hiển Tông, sau làm quan đến chức Hàn lâm thị chế, Hữu thị lang bộ Lễ, sau có ra làm quan triều Tây Sơn.
Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú trong phần “Nhân vật chí” viết: “Con trai thứ tư của Nhữ Đình Toản là Nhữ Công Chấn, năm 22 tuổi đỗ Hoàng giáp năm Nhâm Thìn (1772) thi Hội, thi Đình đều đỗ thứ hai (dưới Hồ Sĩ Đống - quê Quỳnh Lưu) là người ít tuổi nhất, giỏi nhất khoa thi ấy”.
Năm Nhâm Dần (1782) ông cùng nhóm đại thần như Hoàng Đình Bảo, Trịnh Kiều… phò giúp Trịnh Cán lên ngôi chúa theo cố mệnh của chúa Trịnh Sâm trước khi chết. Nhữ Công Điền (Chân) được giao viết chế sách về Tuyên phi Đặng Thị.
Trịnh Cán nối ngôi chúa, triều chính càng chia rẽ bè phái nặng nề. Tháng 12, kiêu binh tam phủ nổi dậy, Trịnh Cán bị phế truất, lập Trịnh Khải làm chúa. Lại phiên Nhữ Công Chân và các quan phò giúp Trịnh Cán bị bãi hết chức về làm dân thường.
Năm 1786, Nhữ Công Chân cùng với một số quan đại thần cũ được Nguyễn Hữu Chỉnh tâu với vua Lê Chiêu Thống cho mời ra làm quan nhưng ông đã giả điên từ chối. Khi Tây Sơn đại thắng 29 vạn quân Thanh, Nhữ Cống Chân và một loạt các nhà nho như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích… đã ra làm quan giúp triều Tây Sơn.
Phụ nữ anh hùng
Hoạch Trạch không chỉ có phát quan, phát khoa bảng, mà còn có cả những phụ nữ phi thường. Thời nhà Trần có Nguyễn Thị Điểm Bích nổi tiếng đức hạnh và nhan sắc hơn người, từ khi 9 tuổi được tuyển vào cung trong khi theo thông lệ, con gái có tài và sắc phải 14 tuổi mới được tuyển làm cung nữ.
Vua chọn Điểm Bích làm người kiểm nghiệm sự chân tu của Huyền Quang và dặn: “Phải lấy được vàng của Huyền Quang, nếu lão tăng còn tình dục”. Chuyện sau đó thế nào, sự thật khó mà kiểm chứng.
Sau này, Huyền Quang được giải oan nhưng sự việc trở thành giai thoại ly kỳ, được các học giả thời sau viết lại thành truyện ký, không chỉ trên sách vở, mà còn được khắc trên bia đá.
Người phụ nữ thứ hai là Nhữ Thị Nhuận - con gái thứ hai của Thiềm sự Nhữ Tiến Duyệt, cháu nội Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng. Bà lấy chồng là Cử nhân Vũ Phương Đẩu người làng Mộ Trạch.
Mộ Quận Quế phu nhân Nhữ Thị Nhuận. |
Bà nổi tiếng về kinh doanh, từng được giao một khoản tiền lớn vào Thanh Hóa mua quế cho triều đình. Đến nơi bà thấy dân đói khổ vì mất mùa, liền mang tiền giúp dân qua hoạn nạn. Hết tiền, việc được vua giao chưa làm, bà quay về quê nhà bán hết đồ đạc, tư trang để lấy tiền tiếp tục cuộc hành trình.
Xứ Thanh Hoa vào cuối thế kỷ 18 gặp hạn hán mất mùa, dân trong vùng làm loạn, triều đình đã hai lần cử quan quân vào trấn dẹp vẫn không yên. Bà Nhuận đã khẩn khoản nhờ người anh họ là Tiến sĩ Nhữ Đình Toản đang là quan Tham tụng, khải với chúa cho bà vào dẹp.
Khi bà vào đến nơi, dân chúng nhìn thấy cờ trướng mang tên hiệu Nhữ Thị Nhuận đã hô lớn: “Mẹ ta đã vào!”. Rồi bà đem gạo, vải phát cho người nghèo, kẻ du thủ du thực được bà khuyên điều hơn lẽ thiệt, cấp vốn và đưa về quê làm ăn, ai đã trót phạm lỗi lầm đều được tha bổng. Kết quả sau chuyến đi này, dân xứ ấy đã yên tâm bảo nhau làm ăn, trộm cướp không còn nữa.
Với công tìm thuốc chữa bệnh cho triều đình, công cứu giúp người nghèo được các quan lại vùng Thanh Hoa trình tấu và công thân chinh đi dẹp loạn, bà Nhữ Thị Nhuận được phong “Quế hộ Thượng Quận phu nhân” sánh ngang với các hoàng thân quốc thích. Cũng vào thời điểm đó, mẹ vua nhà Thanh mắc chứng nan y, và quế của nước Đại Việt cũng được cống sang Bắc quốc đã là vị thuốc chính đẩy lui bệnh trong người bà Hoàng Thái hậu. Nhớ công, vua Càn Long ban thưởng rất hậu, lại phong là “Lưỡng quốc Quế hộ Thượng Quận phu nhân”.