“Đệ nhất” khoa bảng: Đất thiêng Mộ Trạch

GD&TĐ - Trong các làng khoa bảng Việt Nam, Mộ Trạch xứng đáng ngôi vị đầu ở cả số lượng đỗ đại khoa lẫn danh tiếng chữ nghĩa.

Văn miếu Mao Điền còn ghi đủ tên của 36 vị tiến sĩ Nho học làng Mộ Trạch.
Văn miếu Mao Điền còn ghi đủ tên của 36 vị tiến sĩ Nho học làng Mộ Trạch.

Với 36 người đỗ tiến sĩ Nho học – một con số cách xa với bất kỳ làng khoa bảng nào của Việt Nam. Mộ Trạch được mệnh danh là “đệ nhất” danh khoa. Đáng chú ý, chuyện đỗ đạt của làng lại gắn liền với truyền thuyết ông tổ họ Vũ và dòng nước chảy mãi từ giếng làng Mộ Trạch.

Đất thiêng Mộ Trạch

Làng khoa bảng Mộ Trạch thuộc xã Tân Hồng (Bình Giang - Hải Dương). Làng có tên nôm là làng Chằm, nên xứ Đông xưa vẫn có câu: “Tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm”.

Theo truyền thuyết, cụ Vũ Hồn lập làng với tên gọi ban đầu là Khả Mộ trang (nghĩa là ấp đáng mến) thuộc huyện Đường An. Vào khoảng thế kỷ thứ 9, cả khu vực quanh thôn đều gọi là làng Chằm - nghĩa là một vùng đất trũng. Làng này vốn có tên là làng Chằm Thượng, hai làng bên là Chằm Hạ và Chằm.

Truyền thuyết kể rằng, khi cụ Vũ Hồn đến đất này thì thấy phong thủy tích tụ: “Sơn thuỷ hữu tình, long trầu hổ ấp, nội sào ngoại sào, tả phù hữu bật, năm con ngựa chầu đằng trước, bảy ngôi sao chiếu đằng sau, thần đồng đứng hai bên, bảng bút bày sẵn...”.

Cụ tổ họ Vũ đã giữ nơi này làm nguyên quán để đời đời tiến phát đường khoa bảng. Dưới mắt phong thủy, cụ Vũ Hồn cho rằng cả vùng Hải Dương là một đại cuộc, huyện Đường An là huyệt trường và làng Chằm Thượng là huyệt kết.

Vì vậy đã quyết định cắm đất lập trại và đặt tên làng là Khả Mộ, dù khi đó còn cằn cỗi nghèo nàn, nhưng có thể sau này sẽ trở nên trù phú hơn và sẽ được mến mộ. Mãi đến sau này, vào khoảng triều nhà Trần (1226 - 1400) mới đổi tên là Mộ Trạch, nghĩa là vùng đất được mến mộ.

Là ngôi làng nổi tiếng, nhưng Mộ Trạch cũng bình dị như bao làng Việt khác. Người dân lấy nghề nông làm trọng, lấy sự hiếu học cần mẫn làm chủ yếu như mạch nguồn chảy mãi của giếng làng: Mạch từ lòng đất chảy ra/ Như nguồn sữa mẹ nuôi ta tháng ngày/ Truyền rằng ở mạch giếng này/ Là nguồn khoa bảng, chỉ đầy không vơi.

Đó là niềm tin về mạch nguồn của sự hiếu học mà bao đời nay, người dân làng Mộ Trạch giữ gìn. Đằng sau vẻ cổ kính, trầm mặc của cụm di tích lịch sử văn hóa đình - miếu làng Mộ Trạch, là câu chuyện về giếng làng thiêng liêng, huyền bí, không bao giờ cạn.

Cũng là sự trùng hợp khi thành giếng được xây dựng từ thời Hậu Lê với đường kính 36m lại đúng bằng con số 36 tiến sĩ của làng được ghi danh sử sách. Tuy mực nước giếng chỉ sâu 1 mét, nhưng cứ múc đến đâu là nước đầy đến đó, không bao giờ cạn.

Khi giếng nước được tu sửa lại, người dân thấy nước chảy ra trong hơn, dùng thử thì thấy rất ngọt. Trước đây những năm đại hạn, trong khi giếng làng khác đã cạn, thì giếng làng Mộ Trạch vẫn nguyên vẹn mực nước. Dân làng Mộ Trạch tin rằng con em mình thông minh, học giỏi là nhờ uống nước giếng từ long mạch, hội tụ khí thiêng, tinh hoa đất trời.

Mộ Trạch đứng đầu trong hơn 20 làng khoa bảng Việt Nam.

Mộ Trạch đứng đầu trong hơn 20 làng khoa bảng Việt Nam.

Bảng vàng rực rỡ 36 tiến sĩ

Trong 82 văn bia còn lại tại Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, có đến 18 bia khắc tên 25 tiến sĩ làng Mộ Trạch. Tại Văn miếu Mao Ðiền (Cẩm Giàng - Hải Dương) có đủ tên của 36 tiến sĩ Mộ Trạch.
Hàng năm từ ngày mùng 7 - 9 tháng Giêng là lễ hội truyền thống, khách thập phương lại đến Mộ Trạch nghe chuyện, tưởng nhớ các tiến sĩ Nho học đã làm nên một làng khoa bảng có một không hai.

Tương truyền sau khi lập làng, cụ Vũ Hồn mở lớp dạy học, gây dựng đức tính hiếu học cho các thế hệ con cháu, từ đó mở ra truyền thống hiếu học cho làng. Truyền thống khoa bảng của làng Mộ Trạch được cho là khởi đầu bởi 2 anh em Vũ Nghiêu Tá và Vũ Hán Bi (còn được chép là Nông hoặc Minh Nông).

Cả hai đều là con của Vũ Nạp, theo cổ phả “Mộ Trạch Vũ tộc Thế hệ sự tích” do các Nho gia Vũ Phương Lan, Vũ Tông Hải và Vũ Thế Nho viết năm 1677 - 1679, thì: “Ông (Nạp) từ lúc nhỏ theo học nhà Nho, hiểu biết rộng cả các kinh điển đạo Thiền. Ông (Nạp) lấy đạo đức dạy con theo đường nghĩa lý. Hai con ông nối tiếp nhau thi đậu”.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Nghiêu Tá (người Hồng Châu) với em là Nông đỗ cùng một khoa hồi Thượng hoàng còn ở ngôi vua (chỉ Trần Anh Tông)”. Theo sách “Vũ tộc khoa hoạn phả ký” do Vũ Bật Hài viết thì Vũ Nghiêu Tá là anh của Vũ Minh Nông. Ông là tổ khai khoa của họ Vũ làng Mộ Trạch.

Bia văn chỉ “Lịch đại tiên hiền bi” dựng năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) của xã Hoạch Trạch, huyện Đường An thì cả Vũ Nghiêu Tá và Vũ Hán Bi đều là “người làng Mộ Trạch. Đỗ Thái học sĩ khoa Giáp Thìn”. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thì chưa thể xác định chính xác Vũ Nghiêu Tá và Vũ Hán Bi đỗ khoa thi nào.

Một trường hợp khác là Lê Cảnh Tuân cũng đỗ Thái học sinh. Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép Lê Cảnh Tuân “người huyện Đường An... Lúc trẻ có chí khí, đỗ Thái học sinh triều Trần”. GS Nguyễn Huệ Chi cũng khẳng định, Lê Cảnh Tuân đỗ Thái học sinh năm 1381. Tuy nhiên, có tài liệu cho rằng ông thi đỗ Thái học sinh vào đời nhà Hồ.

Truyền thống khoa bảng của làng tiếp tục với Vũ Đức Lâm, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (1448). Từ đó, Mộ Trạch bước vào thời kỳ phát tích khoa bảng rực rỡ chưa từng có trong lịch sử khoa cử của làng cũng như trong cả nước.

Trong khoảng thời gian từ 1428 - 1789, làng Mộ Trạch đã có đến 36 vị đỗ tiến sĩ, hàng trăm người đỗ hương cống, sinh đồ, tú tài. Nhiều người trong số các đại khoa giữ các chức vụ trọng yếu trong triều đình phong kiến các thời đại. Mộ Trạch cũng là nơi xuất thân của 5 trạng gồm: Trạng chữ Lê Nại, Trạng toán Vũ Hữu, Trạng cờ Vũ Huyến, Trạng vật Vũ Phong và Trạng chạy Vũ Cương Trực.

Theo tìm hiểu của các nhà nghiên cứu, trong số 36 tiến sĩ của làng Mộ Trạch thì có 29 người họ Vũ, 5 người họ Lê, 1 người họ Nhữ, 1 người Nguyễn. Khoa thi năm 1656 đời vua Lê Thần Tông, số thí sinh tham dự lên đến 3.000 người, nhưng chỉ 6 người đỗ tiến sĩ, trong đó riêng làng Mộ Trạch đã có 3 người và cả 3 người này đều là họ Vũ.

“Đăng khoa lục sưu giảng” mô tả: “Họ Vũ làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Khoa giáp rất thịnh, thường mỗi khoa hai ba người đỗ cùng khóa, anh em chú cháu làm quan đầy triều.

Thời bấy giờ các quan triều nói đùa rằng: Các ông họ Vũ bàn việc họ, việc làng tại triều đình à?”. Cũng do Mộ Trạch có nhiều người làm quan lớn trong Triều nên thời xưa có câu: “Mộ Trạch họp làng tại kinh đô”.

Hội làng Mộ Trạch diễn ra ngày 7 - 9 tháng Giêng.

Hội làng Mộ Trạch diễn ra ngày 7 - 9 tháng Giêng.

Tài năng bằng nửa thiên hạ

Theo sử liệu, khi thấy làng Mộ Trạch có nhiều người đỗ đạt, triều đình có sự ngờ vực nên bí mật rà xét lại việc thi cử. Khoa thi Kỷ Hợi năm Vĩnh Thọ (1659) triều vua Lê Thần Tông, triều đình chọn một vị quan giám khảo ra đề rất khó.

Các thí sinh mỗi người phải ngồi trong một hố sâu làm bài thi, trên mỗi hố lại úp một lồng để ngăn cách, quan giám khảo ngồi trên lều cao kiểm soát rất chặt chẽ.

Khi công bố kết quả, làng Mộ Trạch có tới 4 người đỗ tiến sĩ được xướng tên bảng vàng là: Vũ Cầu Hối, Vũ Bật Hài, Vũ Công Đạo, Lê Công Triều; khiến vua hết sức kinh ngạc, khâm phục và tin dùng. Xét lại chuyện cũ, vua Tự Đức đã phải thốt lên và ban tặng lời vàng: “Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ” (Mộ Trạch tài năng bằng nửa thiên hạ).

Làng Mộ Trạch cũng là quê hương của Trạng cờ Vũ Huyên - người chỉ với 10 nước cờ giúp vua thắng sứ thần phương Bắc bằng mẹo đánh cờ giữa trưa nắng để chỉ nước đi cho vua qua kẽ tia nắng của chiếc lọng.

Trạng toán Vũ Hữu - người tính toán xây dựng cổng thành Thăng Long không thừa không thiếu một viên gạch và cũng là tác giả cuốn sách “Lập thành toán pháp. Trạng vật Vũ Phong, Trạng chạy Vũ Cương Trực và Trạng chữ Lê Nai.

Theo các cao niên Mộ Trạch, thời xưa thí sinh của làng muốn lên Kinh thành dự thi đều phải đăng ký vào sổ thi của làng, và dứt khoát phải vượt qua kỳ thi thử tại Quán Kỳ Anh do làng lập ra.

Tại kỳ thi thử, những người từng đỗ đạt cao của làng sẽ làm nhiệm vụ khảo xét, đánh giá và bồi dưỡng lớp con em để họ có đủ năng lực và phẩm chất trước khi thi tài với thiên hạ.

Là làng khoa bảng nổi tiếng, Mộ Trạch cũng có những địa điểm là nơi tụ hội của các kẻ sĩ, tao nhân mặc khách bình luận thơ văn, các sĩ tử khảo hạch trước kỳ thi. Một trong số đó là “Quán Tứ Đạt” nằm ở bên trái làng tức “tả thanh long”.

“Quán Đồng Quan” ở phía trước làng, nơi các kẻ sĩ thường tụ họp bình luận kinh sách, thưởng nguyệt, làm thơ. “Gò Chi Long” bên phải làng tức “hữu bạch hổ” có 3 cái đống - là nơi dân làng tụ họp đón các sĩ tử vinh quy bái tổ.

“Quán Kỳ Anh” nằm phía Nam của làng, là nơi các quan lớn triều đình sau khi nghỉ hưu về làng tụ họp cùng đám thanh niên vui đùa, dạy bảo chia sẻ kinh nghiệm cho lớp con cháu. “Quán Hoàng Oanh” rộng rãi, non nước bao quanh, là nơi làng sát hạch các sĩ tử trước kỳ thi hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.