9 nhà đại khoa ở đất thiêng Cổ Định

GD&TĐ - Làng Cổ Định, thị trấn Nưa (Triệu Sơn - Thanh Hóa) xứng là một làng cổ văn hiến. Nơi đây sản sinh cho đất nước 9 vị đại khoa lẫy lừng danh tiếng.

Nơi thờ tự Bảng nhãn Lê Thân - vị khai khoa ở Cổ Định.
Nơi thờ tự Bảng nhãn Lê Thân - vị khai khoa ở Cổ Định.

Cổ Định vốn là vùng đất tên là Kẻ Nưa, có từ thời Hùng Vương. Vùng đất ấy gắn liền với truyền thuyết ông Nưa mà hiện thân là ngọn núi Nưa – tượng trưng cho sức khỏe vô địch và ý chí phi thường.

Mỗi địa danh, danh tích của Cổ Định đều thấm đẫm những giai thoại để giải thích cho vùng đất thiêng đã sinh ra những nhân tài cho đất nước.

Người khai khoa ở Cổ Định

Thật khó để kiểm chứng những giai thoại lẫn những huyền tích lạ ở vùng đất cổ. Trải qua nghìn năm phong ba, những con người đã sống trên mảnh đất ấy cũng chỉ có thể đúc rút bằng những câu ca và thêm yêu mảnh đất quê mình. Ở mỗi thời kỳ, mỗi thế hệ người Cổ Định đều có những anh kiệt cống hiến sức mình cho đất nước.

Theo các nguồn sử đăng khoa, Cổ Định có đến 9 người đỗ đại khoa, tạo nên một vùng đất của truyền thống hiếu học. Từ những con người khoa danh ấy, những định chế, luật tục tốt đẹp cũng dần hình thành cho làng cho xã. Để rồi từ đó, Cổ Định trở thành vùng đất văn hiến.

Người đầu tiên của vùng đất này đỗ đạt là Lê Thân. Ông sinh năm 1253 trong gia đình nhà Nho.

Tương truyền khi mới lên 10 tuổi, Lê Thân đã thuộc làu kinh sử. Năm 18 tuổi, ông đỗ đầu kỳ thi Hương. Năm Ất Hợi (1275) thời vua Trần Thánh Tông, triều đình mở khoa thi Hội, lúc này Lê Thân 22 tuổi tham gia ứng thí đỗ Bảng nhãn.

Lê Thân được coi là người đầu tiên của huyện Nông Cống xưa được xếp vào bậc Tam khôi nên được suy tôn là người “khai khoa” huyện Nông Cống.

Lúc đầu, Lê Thân được bổ dụng Hàn lâm học sĩ, sau thăng Ngự sử trung thừa; Biên tu Quốc sử quán, Đô ngự sử, thăng Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Lại; thăng Nhập nội hành khiển, Khu mật viện đô trị sử, Thái phó Luật quốc công. Như vậy, ông đã đạt đỉnh cao của học vị, phẩm hàm và quan tước.

Lê Thân nổi tiếng là vị quan hài hòa giữa đức trị và pháp trị; chăm lo bồi dưỡng sức dân. Đặc biệt, ông được triều đình giao trọng trách cùng với một số đại thần biên soạn “Hoàng triều đạo điển” và “Hình luật quốc gia”.

Nguồn sử đương thời đánh giá: “Lê Thân là nhà làm luật vào bậc kỳ tài. Lê Thân vừa thấu hiểu lòng dân, vừa nắm chắc đòi hỏi của việc trị nước khi biên soạn luật”.

Ông cũng được biết đến là một người quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục, luôn khuyên răn con cháu, nhắc nhở mọi người muốn trở thành người chân chính thì phải lấy chính tâm, tu thân là gốc, tu dưỡng về đạo đức, bồi dưỡng về trí tuệ, rèn luyện về thể chất là ba phép màu tạo nên sức mạnh của con người trên bước đường thành đạt.

Nhân nghĩa, đạo đức là nền tảng cho tài năng phát triển, tài năng một phần rất nhỏ do thiên tư, chủ yếu là do học tập, rèn luyện. Từ quan điểm đó, ông và hậu thế đã xây dựng họ Lê Đình thành dòng họ khoa bảng với 3 đời nối tiếp đỗ đại khoa.

Cổ Định có đến 9 vị đại khoa, đời nào cũng có người đỗ đạt. Ảnh minh họa: INT.

Cổ Định có đến 9 vị đại khoa, đời nào cũng có người đỗ đạt. Ảnh minh họa: INT.

Họ Doãn khoa bảng nối đời

Ở Cổ Định, dòng họ Doãn cũng được xem là dòng họ có truyền thống khoa bảng nổi danh. Đầu tiên là Doãn Bang Hiến (1272 - 1322), thi Hương đỗ tứ trường. Năm Giáp Thìn (1304) đời vua Trần Anh Tông, ông thi Hội đỗ Tiến sĩ, được bổ nhiệm Hàn lâm hiệu lý.

Đến năm 1312, ông được thăng Tả thị lang bộ Hình. Hai năm sau, vua Trần Minh Tông thăng ông làm Thượng thư bộ Hình, được đặc phong Thiếu bảo. Năm 1322, Doãn Bang Hiến được triều đình chọn làm Chánh sứ sang nhà Nguyên tranh biện việc biên giới.

Sự kiện này được sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi: “Mùa hạ, sai Doãn Bang Hiến sang bên Nguyên biện luận về việc cương giới. Bấy giờ, người nhà Nguyên tranh lấn bờ cõi nơi biên giới, nên nhà vua sai Hình bộ Thượng thư là Doãn Bang Hiến sang nhà Nguyên để cùng nhau biện luận về biên giới. Bang Hiến sau đó qua đời ở dọc đường, nhà vua rất lấy làm thương tiếc”.

Tuy nhiên theo gia phả dòng họ, Doãn Bang Hiến không chết trên đường đi sứ, mà sau khi trở về còn được vua Trần Minh Tông sắc phong Thiếu phó Hương đình hầu, ban cho 100 mẫu ruộng ở huyện Đông Ngàn.

Núi Nưa - một địa danh nổi tiếng của Cổ Định xưa.

Núi Nưa - một địa danh nổi tiếng của Cổ Định xưa.

Doãn Bang Hiến cho con thứ là Doãn Hoàng ra quản nhận, lập thành trang ấp của họ Doãn, lấy tên là Doãn Xá, sau thành thôn Doãn Xá, huyện Đông Sơn (nay là làng Doãn Thái, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Ông qua đời năm 1332.

Con trai của Doãn Bang Hiến là Doãn Định làm quan tới chức Giám sát ngự sử, sau bị bãi chức do ngăn Thượng hoàng Minh Tông đến ngự sử đài. Chắt nội của Doãn Bang Hiến là Doãn Nỗ - khai quốc công thần thời nhà Lê sơ, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi.

Dòng họ Doãn ở Cổ Định còn có Doãn Hoàng Tuấn đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1478) làm Thượng thư bộ Lễ; Doãn Mậu Khôi đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502), làm Thượng thư kiêm Chưởng Hàn lâm viện; Doãn Văn Hiệu đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1541); Doãn Đình Đống đỗ Tiến sĩ khoa Tân Mùi (1571); Doãn Mậu Đàm đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1586); Doãn Tuấn đỗ Tiến sĩ khoa Bính Dần (1626)...

Hoàng giáp mồ côi, tạo phúc cho làng

Văn bia khoa thi năm Mậu Tuất (1598) ghi danh Lê Bật Tứ đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân.

Văn bia khoa thi năm Mậu Tuất (1598) ghi danh Lê Bật Tứ đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân.

Vào thời nhà Lê, ở Cổ Định nổi lên nhà khoa bảng Lê Bật Tứ. Năm lên 8 tuổi ông đã rơi vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đến tuổi trưởng thành ông tham gia cả hai lần thi Hương năm 1584 ở Sơn Tây và 1592 ở Lỗ Hiền (Thanh Hóa) đều đỗ nhất nhì cả hai kỳ thi này. Đến năm Mậu Tuất (1598), vua Lê Thế Tông mở khoa thi Hội ở Cẩm Vân Đình (Nam Định). Lê Bật Tứ tham gia ứng thí và đỗ thứ 2 trong số 5 Tiến sĩ vào thi Đình.

Theo văn bia đề danh Tiến sĩ, khoa thi này Lê Bật Tứ đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp). Năm 1600, ông được thăng Hộ khoa cấp sự trung. Năm 1603 được cử đi làm giám khảo trường thi Thiên Trường, sau đó lại đi Cao Bằng dẹp loạn. Năm 1604 ông được phong Đô ngự sử. Hai năm sau lại làm Chánh sứ sang nhà Minh.

Sau 2 năm đi sứ, do hoàn thành trọng trách nên Lê Bật Tứ được phong Tả thị lang bộ Hộ, tước Cấm Phong Tử. Năm 1610 do tình hình đất nước, ông dâng khải điều trần lên chúa Trịnh đề nghị hai việc: Xin định ngôi thế tử và giao cho giữ binh quyền để cố kết lòng dân, xin xử trí các cường phiên - các tù trưởng vùng xa được hưởng thế tập cha truyền con nối - chuyên quyền một trấn để thống nhất chế độ.

Trịnh Tùng tuy khen đề nghị của ông nhưng không làm theo. Năm 1618, ông lại dâng khải điều trần 6 việc: Xin sửa đức chính để cầu mệnh trời giúp, xin đè nén kẻ quyền hào địa phương để nuôi sức dân, xin cấm phú dịch phiền hà để đời sống của dân được đầy đủ, xin bớt xa xỉ để của cải trong dân được thừa thãi, xin dẹp trộm cướp để dân được yên, xin sửa sang quân chính để bảo vệ dân. Trịnh Tùng khen ngợi ông và làm theo.

Hằng năm, các dòng họ ở Cổ Định đều tổ chức tế lễ các vị tiên hiền khoa bảng.

Hằng năm, các dòng họ ở Cổ Định đều tổ chức tế lễ các vị tiên hiền khoa bảng.

Từ năm 1620, Hoàng giáp Lê Bật Tứ được mời vào phủ chúa làm Tham tụng giúp Triết vương Trịnh Tùng điều hành đất nước, sau lại giúp Trịnh Tráng củng cố xây dựng vương triều. Năm 1623 ông được phong Thiếu bảo.

Năm 1627 sau khi tuần thú ở phía Nam về, khi qua quê hương tạm đóng quân lại nghỉ ngơi. Nhân đó để giúp làng tránh lũ lụt hàng năm, do nước ứ đọng ở sông Lãng chảy không kịp, ông đã triển khai cho đào sông nhân tạo nối sông Lãng chảy sang sông Hón gọi là mau Đan lồ, chảy xuôi theo sông Nổ Hẻn rồi chảy vào sông Hoàng Giang ra biển…

Lê Bật Tứ cũng xây cho làng một khu ở Cồn Chợ, có lớp học để con em học hành, kết thúc hàng nghìn năm không có trường sở ở làng xã, trẻ lớn lên học tại quê mà không phải đi học tại nơi khác. Năm 1627, ông đột ngột qua đời khi đang tại nhiệm.

Triều đình thương tiếc, nghỉ triều phục 3 ngày, cử triều thần nhạc quan thay mặt vua đến đọc điếu văn, ra chỉ dụ xây đền thờ và dựng bia đá ghi công, tặng phong Thái bảo Diễn quận công, ban tên Thụy là Hòa Nghĩa. Hiện nay, tại làng Cổ Định, vẫn còn đền thờ, văn bia ghi chép về hành trạng, sự nghiệp của ông.

Sau Lê Bật Tứ, Cổ Định còn có Lê Nhân Kiệt đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu (1651). Ông làm quan đến chức Hình khoa đô cấp sự trung.

Căn cứ vào văn bia Phụ minh tịnh ký tại đền thờ Hoàng giáp Lê Bật Tứ, ngoài Lê Bật Tứ, dòng họ còn có 5 người đỗ Tiến sĩ gồm: Lê Duy Thúc, Lê Duy Xứ, Lê Thân, Hanh Phủ.

Trong các nhân vật khoa bảng trên, Lê Thân, Lê Duy, Lê Bật Tứ được chính sử và các sách khoa bảng ghi chép, còn những người khác chỉ được ghi chép trong văn bia và gia phả.

Theo thống kê từ “Địa chí huyện Triệu Sơn”, thời kỳ phong kiến địa phương này có 64 người Hương cống (triều Lê trung hưng) và Cử nhân (triều Nguyễn) thì riêng làng Cổ Định đã có 5 người: Lê Đình Nghị đỗ Hương cống khoa Ất Dậu (1706) đời vua Lê Dụ Tông; Lê Tung đỗ khoa Kỷ Dậu (1729) đời vua Lê Duy Phường; Nguyễn Thân đỗ Hương cống khoa Kỷ Dậu (1729); Lê Ngọc Toản đỗ Hương cống khoa Mậu Thìn (1868); Lê Trọng Nhị đỗ khoa Quý Mão (1903).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.