Không phải tất cả các hoá thạch đều là của những loài khủng long to lớn đã tuyệt chủng, một trong số đó là của những vật thể bé nhỏ vô cùng như vi khuẩn.
Theo Live Science, các nhà khoa học gần đây đã phát hiện ra hoá thạch 2,5 tỷ năm tuổi của vi khuẩn nguyên thuỷ. Những vi khuẩn cổ này có khả năng là vi khuẩn lam nhưng chúng lớn bất thường và có hình dạng khá đặc biệt.
Loài vi khuẩn này được dự đoán là vi khuẩn lam. |
Thông tin trên đến từ kết quả nghiên cứu của Phó giáo sư Andrew Czaja của Đại học Cincinnati.
Nếu những hoá thạch này thực sự của vi khuẩn lam, chúng có thể là một sinh vật nguyên thuỷ hoặc tổ tiên của chúng, những sinh vật đã giúp biến đổi bầu khí quyển bằng cách tạo ra oxy.
Hoá thạch mới được phát hiện này được cho là nằm trong khoảng 100-200 triệu năm trước sự kiện Oxy hoá vĩ đại, tạo ra những phần tử khí Oxy đầu tiên của Trái Đất, có vai trò to lớn trong lịch sử hình thành sự sống của hành tinh xanh.
Không có nhiều hoá thạch trong giai đoạn này được phát hiện, chỉ có 4 trường hợp trước đó được ghi lại có tuổi thọ tương đương với phát hiện lần này.
Phát hiện này được tìm thấy ở Nam Phi rất tình cờ khi các nhà khoa học phát hiện một phiến đá kì lạ, chúng chứa đầy những cấu trúc vi sợi.
Đến giờ vẫn chưa thể biết chính xác loại vi khuẩn này là gì nhưng chúng lớn hơn bất cứ loài vi khuẩn lam đã được tìm thấy trước đây. Chúng được dự đoán sinh sản vô tính để tạo thành sinh vật mới bằng cách đâm chồi.
Phát hiện này hiện đang gây nhiều tranh luận trong giới khoa học.