Người Trung Quốc cổ kéo dài hộp sọ để thể hiện quyền lực?

Hộp sọ của trẻ sơ sinh định hình bằng cách dùng hai tay hoặc kẹp hai tấm nẹp, cố định bằng vải quấn quanh trong thời gian dài.

Hộp sọ kéo dài được khai quật ở Houtaomuga, Trung Quốc. Ảnh: Zhang và nhóm nghiên cứu.
Hộp sọ kéo dài được khai quật ở Houtaomuga, Trung Quốc. Ảnh: Zhang và nhóm nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu sinh học quốc tế của Đại học Cát Lâm, Trung Quốc vừa công bố trên tạp chí Physical Anthropology (Mỹ) về việc phát hiện 11 bộ xương người với hình dạng hộp sọ khác lạ khai quật ở khu khảo cổ Houtaomuga, Trung Quốc.

Nghiên cứu phát hiện có 5 hộp sọ của người trưởng thành và 6 hộp sọ ở giai đoạn trẻ nhỏ với độ tuổi từ 3 - 40 tuổi, hộp sọ có niên đại từ 5.000 - 12.000 năm.

Để kéo dài hộp sọ, người Trung Quốc cổ có thể đã dùng hai tay để ép hộp sọ của trẻ sơ sinh lại hoặc dùng hai tấm nẹp cố định hộp sọ bằng vải quấn xung quanh. Điều đáng ngạc nhiên là cách làm này không tác động tiêu cực đến khả năng nhận thức của đối tượng, tác giả Bruce Bower giải thích trên Science News. 

Ở vùng Houtaomuga Trung Quốc, hộp sọ người dân được chôn cùng với những của cải quý giá cho thấy địa vị cao trong xã hội. Tuy nhiên, tập tục này có thể chỉ diễn ra ở một số gia đình quý tộc nhất định.

Ông Xijun Ni, nhà khảo cổ sinh vật học tại viện Khoa học Trung Quốc đã nêu bằng chứng, trong nhóm hộp sọ được tìm thấy, một hộp sọ niên đại lâu đời nhất khoảng 12.000 năm tuổi là của một người đàn ông trưởng thành không bị can thiệp để kéo dài.

Hộp sọ sửa đổi (nhìn bên trái trong mỗi hộp) so với hộp sọ không thay đổi (Zhang và cộng sự)

Hộp sọ sửa đổi (nhìn bên trái trong mỗi hộp) so với hộp sọ không thay đổi. Ảnh: Zhang và cộng sự.

Theo tác giả Michelle Starr của Science Alert, tập tục kéo dài hộp sọ được thực hiện trên nhiều nền văn hóa ở khắp thế giới hàng nghìn năm qua vì những lý do khác nhau. Một số nền văn hóa duy trì tập tục này để thể hiện địa vị, sự giàu có và quyền lực trong xã hội, trong khi số khác kéo dài hộp sọ trẻ em với mục đích để bảo vệ quá trình phát triển trí não.

Tập tục này được diễn ra trong khoảng thời gian dài và không được thay đổi kể cả khi đang chôn cất.

Trước đó, việc tìm thấy hộp sọ kéo dài của người Neanderthal, với niên đại 45.000 năm tuổi ở Iraq được cho là lâu đời nhất. Tuy nhiên phát hiện này đã không được các nhà khoa học công nhận. Cho đến nay, hộp sọ 13.000 năm tuổi của người Australia mới là minh chứng cho tập tục kéo dài hộp sọ lâu đời nhất. 

Các nhà nghiên cứu cho rằng, còn quá sớm để có thể kết luận tập tục kéo dài hộp sọ của người Trung Quốc cổ là tập tục xuất hiện sớm nhất ở Đông Á và nguyên nhân của tập tục kéo dài hộp sọ cũng cần được tìm hiểu thêm.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ