Họa sĩ Lê Như Nguyện và triển lãm mang tên mình

GD&TĐ - Triển lãm “Nguyện” của hoạ sĩ Lê Như Nguyện trưng bày 25 tranh sơn dầu, 25 tranh acrylic, 8 tượng gốm và 10 phác thảo nhỏ.

Họa sĩ Lê Như Nguyện và triển lãm mang tên mình

Sau khi tốt nghiệp trung cấp hội họa tại Trường Trung cấp VHNT Trà Vinh năm 2010, Lê Như Nguyện thi vào khoa hội họa của ĐH Mỹ thuật TPHCM, tốt nghiệp năm 2015 và tham gia nhiều triển lãm nhóm, triển lãm báo cáo trại sáng tác, triển lãm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…

Họa sĩ Lê Như Nguyện.

Họa sĩ Lê Như Nguyện.

Ngoài sơn dầu và acrylic, Lê Như Nguyện còn vẽ sơn mài, làm gốm và dạy mỹ thuật.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng viết: “Họa sĩ - đó là kẻ sáng tạo nên mình. Và sự sáng tạo này, cần hiểu, trước hết là phát hiện thân phận họa sĩ trong mình. Mỗi họa sĩ thực sự đều là một sự nhóm họp - nhóm họp tiềm thức cộng thông liên lũy của nền văn hóa mẹ - với ý thức đồng đại.

Trong ý nghĩa đó, sự hồn nhiên sáng tạo của người họa sĩ biến mỗi tác phẩm của họ tự nhiên có được giá trị sống còn với ý nghĩa nhân loại tính cụ thể hóa...”.

Vết xước.

Vết xước.

Hoàn toàn có thể nói Lê Như Nguyện đang đi tìm chính mình và đang sáng tạo nên mình. Bản thân Lê Như Nguyện rất thích danh họa Gustav Klimt, nhưng có vẻ tranh của Nguyện ít có ảnh hưởng từ danh họa này.

Tranh của Nguyện có chút xíu hương xa từ các danh họa Marc Chagall, David Driskell, Allan Paul… có chút không khí từ tranh vẽ khi nằm trên giường bệnh của danh họa Frida Kahlo. Nhưng Lê Như Nguyện không ảnh hưởng trực tiếp từ họ, mà chỉ lấy cảm hứng để tìm về với chính mình.

Thu mình.

Thu mình.

“Ai cũng phải lo cơm áo gạo tiền, không ít những người học mỹ thuật xong thì bị chính nỗi lo ấy cuốn họ đi luôn. Tôi cũng vậy, khi tốt nghiệp ra trường, tôi lao vào kiếm tiền lo cuộc sống, dần dần quên đi lý tưởng bán đầu của bản thân, quên đi ước mơ trở thành họa sĩ của mình trước đây” - Lê Như Nguyện chia sẻ.

Ngày hạnh phúc.

Ngày hạnh phúc.

Và Như Nguyện nói thêm: “Nhưng tôi cũng có chút may mắn, khi bên cạnh luôn có những người bạn, những anh chị em đồng nghiệp luôn động viên, truyền lửa, thậm chí thúc giục, “chửi”, rằng phải vẽ.

Đặc biệt là anh trai của tôi, tuy không làm trong lĩnh vực nghệ thuật, nhưng anh hiểu rõ giá trị của nghệ thuật. Anh ấy thường nhắc lại ý này: Ai cũng có thể kiếm tiền bằng cách này hoặc cách khác, nhưng không phải ai cũng có thể trở thành họa sĩ chân chính và để lại giá trị cho đời. Em được học hội họa bài bản, được sống trong môi trường nghệ thuật và hơn thế nữa, còn có một trái tim đầy yêu thương, vậy tại sao em không theo đuổi đam mê? Hãy sống với đam mê và để lại giá trị cho đời.

Tôi không nghĩ mình vẽ là để lại giá trị gì cho đời, mà vẽ là để thỏa đam mê, vẽ để là chính mình”.

Giấc mơ kỳ lạ 3.

Giấc mơ kỳ lạ 3.

Lê Như Nguyện chia sẻ: “Là phụ nữ, nên tôi thấu hiểu và đồng cảm với áp lực của các chị em trong cuộc sống hiện đại, không phải ai cũng may mắn được làm công việc mình yêu thích, làm với đam mê của bản thân. Nhưng dù guồng quay cuộc sống có nhanh thế nào, có khắc nghiệt ra sao, thì hãy luôn giữ ước mơ và đam mê của mình, sẽ có lúc tìm thấy bình yên và hạnh phúc ở đó”.

Giác mơ kỳ lạ 2.

Giác mơ kỳ lạ 2.

Cha của Lê Như Nguyện là nhà thơ Phạm Tường Bá, sống rất tình cảm, lạc quan và khá lặng lẽ tại Trà Vinh, chung nhóm với nhạc sĩ Nguyễn Tri, với nhà thơ Phan Tấn Thi. Dù sống lặng lẽ, nhưng niềm tin với thơ và sự sáng tạo không ngưng nghỉ.

Địa vị.

Địa vị.

Ông viết chậm rãi, nhưng liên tục cho đến những ngày tháng cuối đời. Lê Như Nguyện nói rằng bản thân ảnh hưởng cha ở sự tình cảm, sự yêu thương và cả chất thơ, sự tích cực. Nên các bức tranh, dù vẽ đề tài gì, cũng bàng bạc chất thơ, cái nhìn tình cảm và sự lạc quan, không rung động thì không vẽ.

Lê Như Nguyện chia sẻ: “Tôi còn tìm được “an” lúc vẽ. Vì lúc ấy chỉ tập trung vào tác phẩm, tập trung vào từng nét cọ, tâm trí không còn chạy lung trung hoặc hướng ra bên ngoài nữa. Khi lòng an, thì mình dễ dàng cảm nhận niềm vui và hạnh phúc.

Ai cũng có nhu cầu được yêu thương, bản thân tôi cũng vậy, muốn được yêu thương, được nâng niu, đôi khi chỉ cần một cái ôm là đủ vượt qua tất cả. Và tôi gửi tất cả mong muốn yêu thương đó vào các tác phẩm. Ví dụ như bức Những giấc mơ kỳ lạ”.

Cô gái trong giấc mơ kỳ lạ.

Cô gái trong giấc mơ kỳ lạ.

Bình về tác phẩm “Những giấc mơ kỳ lạ”, họa sĩ Vũ Trung Tần viết: “Xuyên suốt chuỗi tác phẩm là hình ảnh con mắt to tròn, rộng mở của người thiếu nữ, những khuôn mặt, con người đan xen, hòa quyện vào nhau theo nhiều góc nhìn tràn đầy năng lượng sống tích cực, những mong ước thầm kín”.

Còn về cả triển lãm “Nguyện”, họa sĩ Vũ Trung Tần viết: “Những gam màu lạnh điểm nóng hoặc những tương phản được tác giả gia giảm một cách khéo léo, tạo cảm giác ngọt ngào, ngon mắt. Tất cả đang “đồng diễn”, sức mạnh âm ỉ, sự dịu dàng, niềm đam mê, khát khao giao cảm với cuộc sống rất đời thường”.

Bình yên.

Bình yên.

Lê Như Nguyện tâm sự: “Nhìn lại bản thân ở hiện tại, tôi thấy mình quá may mắn khi quyết định bắt đầu sự nghiệp lúc chưa quá muộn. Tôi đã đọc được câu “giới hạn thời gian của mỗi người là ngày sinh ra đời và ngày mất đi”. Vậy khoản giữa thời gian ấy mình sẽ sống như thế nào, sẽ làm những gì cho chính mình”.

Cô gái tóc hồng.

Cô gái tóc hồng.

Chính vì vậy, triển lãm “Nguyện” là cột mốc quan trọng, đánh dấu con đường lập nghiệp và phát triển triển bản thân trong nghệ thuật của Lê Như Nguyện.

Triển lãm “Nguyện” sẽ khai mạc lúc 18h ngày 11/6 tại Hội Mỹ thuật TPHCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ