Tư duy lạ của 'họa sĩ quái'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Triển lãm 'Mớ' quy tụ những bức họa cực lạ của một họa sĩ rất 'quái' trong giới hội họa - Phạm Trần Việt Nam.

Nghệ sĩ Phạm Trần Việt Nam và tác phẩm 'Vọng chúng sinh #9' (2022, sơn dầu trên toan, 89,5cm x 164cm).
Nghệ sĩ Phạm Trần Việt Nam và tác phẩm 'Vọng chúng sinh #9' (2022, sơn dầu trên toan, 89,5cm x 164cm).

Triển lãm “Mớ” đã diễn ra từ giữa tháng 4/2023 tại Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật APD (Hà Nội) và kéo dài tới tận trung tuần tháng 8/2023. Triển lãm kéo dài tới 4 tháng nhưng vẫn khó để công chúng khám phá sự lạ lùng, độc đáo trong các nét vẽ, ý niệm lẫn sự đục khoét các lỗ thủng trong những bức tranh khổ lớn.

Những bản dạng hồi sinh

Chi tiết mặt sau tác phẩm 'Vọng chúng sinh #11' (2022 - 2023, sơn dầu trên toan, 666cm x 160cm).

Chi tiết mặt sau tác phẩm 'Vọng chúng sinh #11' (2022 - 2023, sơn dầu trên toan, 666cm x 160cm).

“Khi trưng bày triển lãm này, tôi cũng tự quan sát, cảm nhận, suy nghĩ về tương lai, mình sẽ làm việc và thực hành như thế nào.

Tôi vẫn cảm giác tràn trề năng lượng và sẵn sàng thử nghiệm. Tôi biết mình còn quá trẻ so với chặng đường thực hành nên cách duy nhất là phải thử nghiệm rất nhiều.

Ở series này cũng như series trước, tôi vẫn giữ một lối tư duy là luôn thử nghiệm và tìm cách làm mới trong việc tiếp cận tạo hình, từ hình hài đến màu sắc, rồi cách trưng bày một tác phẩm về mặt thị giác”, họa sĩ Phạm Trần Việt Nam cho biết.

Theo Giám tuyển nghệ thuật Trần Lương, triển lãm “Mớ” quy tụ 20 tác phẩm mang phong cách thực hành hội họa độc đáo của Phạm Trần Việt Nam được sáng tác từ năm 2012 đến năm 2023.

Trong đó có một vài bức khổ lớn, bức lớn nhất bề ngang 3,2m, dài 20m. Một số tác phẩm được thực hiện trong hơn 10 năm - là kết quả của một quá trình liên tục tái sáng tạo, tái cấu trúc để tạo nên những bản dạng hồi sinh mới.

Phạm Trần Việt Nam nằm trong số ít các nghệ sĩ ở Việt Nam dấn thân và tiếp cận hội họa bằng tinh thần bột phát nguyên thủy. Thực hành của anh thách thức cách hiểu thông thường cũng như phương pháp thực hành và tư duy truyền thống về nghệ thuật hội họa.

Bằng những thử nghiệm phá cách về quy mô, chất liệu và thủ pháp sáng tác, buông bỏ các tiêu chuẩn hàn lâm và giới hạn sinh học, anh mượn nghệ thuật thị giác làm phương tiện trung gian để tìm kiếm những mảng tối của nội tâm và những thể vô hình của ngoại giới.

Hành vi hội họa của nghệ sĩ này còn như một phương pháp trị liệu, một ngôn ngữ thay thế để diễn dịch thay cho sự hữu hạn của các ngôn ngữ khác. Ở Phạm Trần Việt Nam, vai trò của hình thức trở thành thứ yếu, không có phương pháp hay định hướng hình thức nào trong quá trình sáng tạo. Hình thức cứ “tuột” ra từ “vô thức”, trực tiếp từ năng lượng cảm xúc.

“Cách vẽ bắt đầu từ một góc của tấm toan và chi tiết cứ tràn ra như rêu mọc, nét này/vệt này dẫn đường cho nét khác/vệt khác tạo ra những bức tranh phi bố cục. Vì nhu cầu bôi quệt của nghệ sĩ quá bức thiết nên đã bỏ qua những cân nhắc và tính toán, để lại phía sau sự hữu hạn của thực tế.

Hình và nét cứ chen lấn, chèn ép nhau, và luôn đùn đẩy làm các khối lòi ra khỏi khuôn khổ của tấm canvas, và những đường biên của vật liệu nền chỉ là sự chia cắt tạm thời của tầm nhìn. Việc cắt thủng lỗ chỗ tấm nền ngoài ý nghĩa là một cách ‘vẽ’, cũng là hành vi phá đi khuôn khổ của tấm toan”, Giám tuyển Trần Lương cho biết.

Triển lãm lần này là một chuyển biến mới trong tư duy và phương pháp thực hành của Phạm Trần Việt Nam, bảng màu đa sắc hơn, kích thước thỏa hiệp với nơi chốn hơn, thần sắc của thế giới u minh đã gần với đời hơn. Công chúng yêu hội họa để lại những dòng cảm nhận như này: “Xem tranh mình liên tưởng đến 18 tầng địa ngục, có nỗi sợ hãi, hoài nghi, đau khổ, xước xát...”.

Họa sĩ Phạm Trần Việt Nam nói rằng: “Giai đoạn đầu năng lượng bột phát mạnh mẽ nên tôi dùng tay rất nhiều, vẽ tầm 8 tiếng trở lên với cường độ cao nên ngón rất đau, đến mức vân tay, móng tay mòn đi, phải cuốn giẻ. Giai đoạn sau, tôi còn kết hợp thêm dùng miếng quẹt sơn nước, để giảm tải cho ngón tay”.

Hành trình thử nghiệm cái mới

Tác phẩm 'Văn tế thập loại chúng sinh #1' (2016 - 2017, sơn dầu, vải màn tuyn, keo trên toan, 2.000cm x 316cm).

Tác phẩm 'Văn tế thập loại chúng sinh #1' (2016 - 2017, sơn dầu, vải màn tuyn, keo trên toan, 2.000cm x 316cm).

Phạm Trần Việt Nam sinh tại Đà Nẵng và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM năm 2010. Tuy được đào tạo về điêu khắc, nhưng anh chủ yếu thực hành hội họa, chất liệu sơn dầu trên vải.

Chịu ảnh hưởng từ nhạc rock và trường phái biểu hiện, tạo hình của anh thời kỳ đầu thường gào thét hoặc quằn quại như trong hỏa ngục, chú tâm bóc tách từng góc tối tăm, phẫn nộ và thô bạo của con người.

Từ năm 2014, sau khi vượt qua giai đoạn trầm cảm khó khăn, anh bắt đầu thực hành phá bỏ tất cả những gì đã tôn thờ, thể nghiệm việc cắt nát và tái cấu trúc toàn bộ tranh vẽ cũ. Những sáng tác của anh trao gửi thông điệp nhân văn từ lòng trắc ẩn và rung cảm trước bối cảnh xã hội, những điều trần ai trước mắt.

Thực hành nghệ thuật đối với anh không chỉ là một công việc, mà đó còn là “hành vi không thể cưỡng lại của trầm cảm”, có lúc dữ dội nhưng cũng có lúc kiên trì và nhẫn nại như thiền định.

Lần này việc đục thủng vải vẽ càng nhiều hơn và đã trở thành một phần không thể thiếu trong thực hành vẽ của anh. Thậm chí xa hơn, đục lỗ trước vẽ sau. Điều này khẳng định việc đục lỗ đã là một phần chủ đạo trong công việc tạo hình, chứ không chỉ là đục bỏ những lỗ thủng không gian của hình vẽ. Đục xong mới vẽ, rồi vẽ xong có thể đục bổ sung.

“Việc tôi cắt các mép xung quanh tranh xuất phát từ quá trình quan sát đời sống. Đôi khi tôi thấy những sự mất mát của cá nhân hoặc của xã hội, lịch sử và đưa vào trong tranh bằng cách cắt các mép. Một bức tranh vuông vức là đẹp thì mình làm cho nó mất đi, cái mất mát đó cũng là nét hay nét đẹp. Tôi thấy có khi việc bỏ ngỏ như thế cũng là một cách sáng tạo, làm mới. Đó cũng là một lối tư duy để tôi phát triển hình thức bên ngoài của tranh”, họa sĩ Phạm Trần Việt Nam chia sẻ.

Triển lãm “Mớ” với những bức tranh có tư duy “quái, lạ” đã khiến sự mơ màng càng trở nên thần bí. Không giống ai, không giống bất cứ triển lãm nào, có lẽ là một lối đi mới của Phạm Trần Việt Nam. Và suy cho cùng, đích đến nghệ thuật luôn là sự tìm tòi, khám phá sự mới lạ - còn giá trị, thì có lẽ một sớm một chiều khó để xác định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ