Ngay sau khi đạt giải “Khát vọng Dế Mèn”, Hoàng Nhật Quang - học sinh lớp 5A1, Trường TH&THCS Lê Quý Đôn (Lạng Sơn) sẽ có triển lãm trưng bày những bức tranh đang gây sửng sốt giới mỹ thuật.
“Những linh hồn ẩn giấu” là tên triển lãm của họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang với những bức họa tuyệt đẹp sẽ được trưng bày tại không gian nghệ thuật Huyen Art House (8A Đặng Tất, Tân Định, Q.1, TPHCM) từ ngày 8/6 tới. Dự kiến, triển lãm sẽ kéo dài 10 ngày để công chúng yêu mến mỹ thuật được chiêm ngưỡng những nét vẽ kỳ lạ của một “thần đồng”.
Thích cái gì vẽ cái đó
Trước Hoàng Nhật Quang, giới hội họa nhí từng xuất hiện Xèo Chu (tên thật Phó Vạn An, sinh năm 2007, trong gia đình có bố mẹ là chủ 2 phòng tranh tại TPHCM).
Cuối năm 2019, triển lãm cá nhân đầu tiên của Xèo Chu diễn ra tại New York (Mỹ) và được truyền thông quốc tế ví như một Jackson Pollock thời hiện đại.
Năm 2021, Xèo Chu đã tạo ra NFT (non-fungible token) đầu tiên của mình với bức tranh “Hoa mai may mắn”. Bức họa được đưa ra với giá khởi điểm hơn 5.000 USD nhưng sau đó, bức tranh tuyệt đẹp được đấu lên gần 23.000 USD.
Hoàng Nhật Quang sinh năm 2012, người dân tộc Tày, đang học tiểu học tại Lạng Sơn, có sở thích hội họa từ năm 4 tuổi và những bức tranh acrylic khổ lớn hình thành từ năm 9 tuổi.
Nhà báo Văn Bảy - thành viên Ban sơ khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn - cho biết, bố của bé Hoàng Nhật Quang là họa sĩ Hoàng Văn Điểm. Khoảng 4 tuổi thì Quang đã hoàn thành những bức tranh đầu tiên trên giá vẽ. Gia đình cũng chỉ nghĩ Quang vẽ chơi cho vui theo kiểu tò mò của trẻ con nên chẳng để ý gì nhiều.
Sau đó, Quang vẽ nhiều tranh màu sáp trên giấy. Người bố thấy thế thì đặt ra yêu cầu cho con với những tranh khó, rồi ngày càng tăng độ khó về tranh khổ lớn. Thậm chí, có những bức tranh Nhật Quang phải đứng trên ghế hoặc bắc thang để vẽ, nhưng cậu bé vẽ rất nhẹ nhàng.
Nhật Quang không chuẩn bị ý tưởng hoặc phác thảo, không cần dùng bút chì, tẩy để phác hình. Tất cả các bức tranh của Quang được vẽ một cách tự do, bột phát ngay tại thời điểm vẽ và hầu như rất ít phải chỉnh sửa. Tranh của Quang cũng rất tự do, không có định hướng, thích cái gì vẽ cái đó. Thi thoảng thấy không ưng ý, cậu bé dùng màu xóa hết để vẽ ý tưởng khác.
Họa sĩ Hoàng Văn Điểm cũng là thầy dạy mỹ thuật, ông muốn đề cao sự tự do theo bản năng nên cũng không dạy con về hình họa, bố cục. Khi thấy bức nào Quang vẽ quá chật và rối thì mới góp ý với con nên xóa bớt. Cứ thế, Nhật Quang dần hoàn thiện về bố cục và màu sắc và những bức tranh hồn nhiên nhưng cũng tuyệt đẹp ra đời.
Vào cuối tháng 5/2023 tại Hà Nội, Hoàng Nhật Quang được trao giải Khát vọng Dế Mèn nằm trong Giải thưởng Dế Mèn lần thứ 4 do Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức. Đây là giải thưởng trao cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc của thiếu nhi và vì thiếu nhi.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đến dự lễ trao giải Dế Mèn đã rất sửng sốt khi đọc kỹ chú thích gắn dưới các bức tranh bày ở hội trường. Ông cho biết, bản thân giật mình khi biết tác giả của những bức họa ấy là Hoàng Nhật Quang mới 11 tuổi.
Người lớn cũng phải “choáng”
Hoàng Nhật Quang đang vẽ một bức tranh khổ lớn. |
Ngay sau khi đạt giải Khát vọng Dế Mèn, gia đình Hoàng Nhật Quang và giám tuyển nghệ thuật Lý Đợi cho biết, một triển lãm hội họa sắp được diễn ra nhằm trưng bày những tác phẩm của cậu bé 11 tuổi.
Giám tuyển Lý Đợi nói rằng, trong 2 năm qua Quang đã vẽ hơn 40 tranh khổ lớn. Triển lãm “Những linh hồn ẩn giấu” được ấp ủ cách đây chừng 1 năm, mà mục đích chủ yếu là chia sẻ góc nhìn của Quang với người xem ở TPHCM.
Quang nghĩ rằng mọi thứ đều có linh hồn, ngay cả trong một con vật, các bộ phận đều có linh hồn riêng, đôi khi lộ ra, đôi khi ẩn giấu nên Quang vẽ về điều đó.
Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình khi nhìn những bức tranh của Hoàng Nhật Quang đã phải thốt lên rằng: “Thật sự là tài năng! Bởi sau 50 năm làm nghề, tôi hiểu ở tuổi đó, vẽ được như vậy, chắc chắn là khả năng thiên phú. Ở tuổi đó, tư duy hình tượng được như vậy, là thiên phú!”.
Tác phẩm của Hoàng Nhật Quang. |
Họa sĩ Thành Chương cũng nhận định rằng, khi xem chùm tranh của Hoàng Nhật Quang ông thực sự choáng. Ông khẳng định mình không nói quá, bởi từng vẽ từ những ngày bé thơ, thậm chí bé hơn cháu Quang bây giờ.
“Để vẽ những bức tranh khổ lớn, Nhật Quang phải bắc ghế đứng lên vẽ. Tranh Quang với hình và màu, ký tự đã gây bất ngờ về trí tưởng tượng phong phú. Lối vẽ khiến nhiều người xem liên tưởng tới phong cách của một số tên tuổi nghệ sĩ lớn hiện nay. Tôi cũng từng chấm nhiều giải tranh thiếu nhi, tôi có thể khẳng định Hoàng Nhật Quang là một hiện tượng đặc biệt”, họa sĩ Thành Chương cho biết.
Là thành viên Hội đồng giám khảo, họa sĩ Thành Chương khẳng định, tranh của Nhật Quang có những nét hồn nhiên đúng chất trẻ thơ nhưng đồng thời cũng có những ý niệm, suy nghĩ rất già dặn, rất hoành tráng của một nghệ sĩ thực thụ chứ không phải chỉ là một đứa trẻ con. Đó là điều làm cho ông và nhiều người giật mình trước tác phẩm của cháu bé 11 tuổi.