Tái xuất trong sáng tạo lần này, Triệu Long âm thầm ra mắt công chúng dự án triển lãm có tên “Mơ hoa” với tâm ý mang theo tấm lòng chân thật và sự toàn vẹn. Vẫn phong cách ấy, góc nhìn ấy và vẫn những hình bóng phụ nữ ấy - nhưng hình như đã khác bởi những hoài niệm và ám ảnh.
Hòa trộn Đông - Tây
Họa sĩ Triệu Long.
“Dù chưa đạt đến một sự hoàn mỹ về cái đẹp trong tranh, song ít nhiều tôi vẽ bằng tấm lòng thật, sự toàn vẹn về chiều sâu, ý tứ, kỹ thuật. Trong tranh còn vụng về nhưng tôi mơ ước một ngày nào đó sẽ hoàn thiện để có một cách giữ riêng về người phụ nữ một thuở” - Họa sĩ Triệu Long.
“Mơ hoa” - một triển lãm được giới mộ điệu nghệ thuật Hà Nội chú ý đang diễn ra tại Grand Vista Hanoi đến hết ngày 5/6, và được kết nối bởi Mai Gallery - giới thiệu 25 tác phẩm của họa sĩ Triệu Long họa bút trong vài năm trở lại đây.
Họa sĩ Triệu Long tên đầy đủ là Triệu Tuấn Long, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Kể từ khi bước chân vào con đường nghệ thuật cho đến nay, Triệu Long đã để lại dấu ấn sâu sắc trong cộng động hội họa với các triển lãm tiêu biểu, như: “Đại gia Việt Nam” tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật năm 2012, tham gia triển lãm Điêu khắc toàn quốc 10 năm tại Bảo tàng Hà Nội năm 2013, Triển lãm sắp đặt tại Viện Pháp năm 2014, “Hữu hạn và vô hạn” năm 2016.
Trong đó, triển lãm nhóm “Đại gia Việt Nam” đặc biệt gây chú ý khiến cả những người bình thường, không liên quan đến nghệ thuật cũng thấy thích thú và muốn xem 12 bức chân dung vẽ những nhân vật nổi tiếng trong xã hội đương thời được khắc họa ra sao? Trong triển lãm ấy, Triệu Long chọn vẽ Lý Nhã Kỳ ngồi xích đu, đội mũ vàng nhạt trong bộ váy trắng muốt và đặt cho bức họa một tên gọi ngắn gọn - “Gió”.
Trong triển lãm “Hữu hạn và vô hạn” khởi xướng bởi nghệ sĩ thị giác Trần Trọng Vũ thực hiện với mong muốn kiến tạo nền tảng để nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam gặp gỡ, trao đổi, thực hành để phát triển nghệ thuật đương đại bản địa.
Đồng thời gợi ý nghệ sĩ phát triển trí tưởng tượng và sức sáng tạo vô hạn, cũng như sử dụng nghệ thuật như một năng lực nhận thức sự vô cùng thế giới, vốn nằm ngoài giác quan và khả năng của con người.
Hơn 30 sáng tác ở nhiều thể loại như hội họa, điêu khắc, ảnh, video, đa phương tiện, sắp đặt, nghệ thuật địa hình… bày tỏ những mối quan tâm đa dạng, trực diện và gián tiếp với hiện tại và lịch sử, thói quen và ứng xử, đối thoại với con người và bối cảnh, định kiến và văn hóa, truyền thống và phi truyền thống.
Các tác phẩm của Triệu Long chủ yếu là chất liệu sơn dầu vẽ trên toan (Oil on canvas), với lối vẽ là sự hòa trộn Đông - Tây. Giới mộ điệu nhận xét rằng họ nhìn thấy sự ảnh hưởng của các họa sĩ Việt Nam thời kỳ Đông Đương trong tạo hình và kỹ thuật, tuy chất riêng đặc sắc lại nằm trong những câu chuyện gắn với những kỷ niệm của họa sĩ.
Khung trời riêng về phụ nữ
Tác phẩm 'Ngày không anh' - Sơn dầu:120 x 80 cm. |
Triển lãm nghệ thuật “Mơ hoa” lần này, Triệu Long bày 25 tác phẩm được sáng tác trong vài năm trở lại đây. Chủ đề các tác phẩm trong triển lãm này không xa lạ, vẫn xoay quanh hình ảnh người phụ nữ trong tà áo dài - nét văn hóa đặc trưng, vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa hài hòa vừa tinh tế. Không chỉ vậy, thông qua cây cọ, họa sĩ khắc họa thành công nét đẹp tự nhiên và chân thật của những phụ nữ từng đi qua cuộc đời anh.
Phụ nữ trong tà áo dài - ở Việt Nam đã trở thành cảm hứng sáng tạo cho nhiều thế hệ họa sĩ. Từ thời kỳ Đông Dương, hình ảnh ấy đã ăn sâu vào tranh của Lê Phổ, Mai Trung Thứ… và đã tạo ra những thành công cho nền mỹ thuật Việt Nam. Ngay như bức “Gia đình trong vườn” được Lê Phổ vẽ năm 1938 mới đây đã được đấu giá với mức gõ búa lên tới trên 55 tỉ đồng.
Ngay như họa sĩ Nguyễn Phan Chánh – được ví như một người thủ cựu nhất, dù không vẽ áo dài nhưng cũng khuyến khích hậu bối nên vẽ chiếc áo mới. Hầu hết cô gái trong tranh đều được khoác lên tà áo dài và tạo nên sự giao thoa đặc sắc. Ngay cả những nhân vật phụ nữ như Mẹ Maria, nàng Mona Lisa… cũng được “Việt hóa” trong tà áo dài truyền thống.
Triệu Long hiểu phụ nữ, hiểu áo dài và anh phải tìm cách tạo nét đặc trưng của riêng mình. Các tác phẩm của Triệu Long không hiện đại một cách bóng bẩy, không ồn ào một cách bộc phát, ở góc nhìn chuyên môn, sẽ thấy các tác phẩm của anh thừa hưởng từ những tạo hình cơ bản.
Về mặt kỹ thuật, Triệu Long gây ấn tượng bởi những bút pháp sâu sắc, ổn định, đậm chất riêng. Vì vậy mà các tác phẩm của anh không một màu nhàm chán, chúng khác biệt tùy vào những luồng cảm xúc tiếp cận khi họa sĩ cầm cọ.
Điều đặc biệt mỗi khi nhắc tới Triệu Long là anh luôn dành sự ưu ái cho hình ảnh người phụ nữ sau tuổi 35. Những ánh mắt, gương mặt, những đứa trẻ bên cạnh thể hiện rất đặc trưng hình ảnh người phụ nữ Á Đông - dịu dàng, sâu sắc, ý nhị, tần tảo, mặn mà.
Thế nhưng phải tận mắt nhìn ngắm các tác phẩm của Triệu Long mới thấu hiểu hết ý tứ của người họa sĩ, mới rõ vì sao trong hàng ngàn tác phẩm về người phụ nữ, tranh của anh vẫn luôn là một khung trời riêng đậm dấu ấn.
Hầu hết, các sáng tác của Triệu Long hòa trộn cả phương Đông lẫn phương Tây. Công chúng có thể nhận thấy sự ảnh hưởng của Marc Chagall và các họa sĩ Việt Nam thời kỳ Đông Đương.
Tuy nhiên, chất riêng lại nằm trong những câu chuyện và những kỷ niệm. Triệu Long vẽ những phụ nữ mà anh đã từng quen, anh phủ lên đó một màu hoài niệm - màu của dĩ vãng đã xa.