Người Việt mua vé xem tranh danh họa nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền mua vé xem tranh của họa sĩ nước ngoài, nhưng lại ít 'mở lòng' với họa sĩ trong nước.

Rất nhiều khán giả mua vé xem triển lãm tranh của các danh họa Hà Lan.
Rất nhiều khán giả mua vé xem triển lãm tranh của các danh họa Hà Lan.

Bỏ tiền mua vé xem triển lãm tranh cũng giống như bỏ tiền mua vé xem phim, xem bóng đá hay bất kỳ hoạt động nghệ thuật giải trí nào. Tuy nhiên, mua vé xem tranh ở Việt Nam vẫn còn là một chuyện lạ, rất khó hiểu và khó để bàn luận.

Mua vé xem tranh danh họa

Không giống như bảo tàng bán vé tham quan hiện vật, triển lãm tranh khó thu hút người xem vì hiếm họa sĩ xứng tầm.

Không giống như bảo tàng bán vé tham quan hiện vật, triển lãm tranh khó thu hút người xem vì hiếm họa sĩ xứng tầm.

Giới nghiên cứu mỹ thuật cho rằng, ở Việt Nam việc bán vé xem triển lãm tranh nên tùy thuộc vào tầm mức của nghệ sĩ và nhu cầu tiếp cận công chúng. Với những họa sĩ tầm cao, cần sàng lọc khán giả có thể thực hiện mô hình này.

Nếu nhu cầu tiếp cận khán giả rộng thì không thể bán vé. Bán vé có mặt lợi và hại, lợi là có thể nâng tầm giá trị, hại là khiến công chúng nghĩ họa sĩ “chảnh”, sẽ không đến xem dù họ có khả năng chi trả.

Mới đây, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra một triển lãm về hội họa Hà Lan (thế kỷ 15 - 19) trưng bày 69 kiệt tác nghệ thuật của 66 họa sĩ bậc thầy, lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng quốc gia Hà Lan - Rijksmuseum.

Triển lãm có tên “Ánh sáng rực rỡ: Những kiệt tác hội họa đến từ Hà Lan” được giới thiệu dưới dạng trình chiếu điện tử và bản in. Triển lãm do Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Rijks Hà Lan thực hiện, trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan.

Với 5 chủ đề chính: Phong cảnh, Tĩnh vật, Chân dung, Đời thường và Thế giới tâm linh, “Ánh sáng rực rỡ: Những kiệt tác hội họa đến từ Hà Lan” tái hiện và diễn giải lại các yếu tố về ánh sáng trong lịch sử hội họa Hà Lan, phản ánh những thay đổi trong nhận thức của con người.

Triển lãm được khai mạc vào chiều ngày 26/5 và diễn ra đến 11/6. Ban tổ chức cho biết thông qua triển lãm, công chúng Việt Nam sẽ được đến gần hơn với những kiệt tác nghệ thuật kinh điển của nghệ thuật Hà Lan, hiểu biết thêm về con người, cảnh sắc và văn hóa của Vương quốc của hoa Tulip.

Các tác phẩm dù chỉ được giới thiệu dưới dạng trình chiếu điện tử và bản in, công chúng khám phá yếu tố “ánh sáng” dưới góc độ tượng trưng và ẩn dụ, cũng như ở góc độ kỹ thuật, nhưng theo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - giá vé tham quan của người lớn là 40.000 đồng, sinh viên - học sinh từ 16 tuổi là 20.000 đồng, trẻ em và học sinh từ 6 đến dưới 16 tuổi là 10.000 đồng.

Là một triển lãm mỹ thuật, có giá vé vào cửa nhưng lượng công chúng đến mua vé tham quan vẫn rất đông. Tất nhiên, với giá vé này cũng là vé để tham quan toàn bộ bảo tàng trong cả ngày, chứ không phải chỉ xem riêng triển lãm. Dù phải mất tiền vào cửa, nhưng khá nhiều người, đặc biệt người trẻ sẵn lòng mua vé để được ngắm các bức tranh của họa sĩ Hà Lan.

Bỏ tiền mua vé xem tranh, ở nước ngoài là một việc bình thường, nhưng ở Việt Nam có vẻ lạ lẫm. Vì từ trước tới nay, số lượng triển lãm mỹ thuật mở cửa bán vé có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay và thường trong số đó là không thành công.

Họa sĩ muốn bán tranh hay bán vé?

Mua vé xem tranh vẫn là câu chuyện khó nói ở Việt Nam.

Mua vé xem tranh vẫn là câu chuyện khó nói ở Việt Nam.

Có một thực tế ở nước ta từ trước tới nay, hầu hết các triển lãm mỹ thuật đều không bán vé hoặc không thể bán vé. Khách đến triển lãm thường là rất đông trong ngày khai mạc, bởi đó là bạn bè đồng nghiệp, người thân của họa sĩ đến tặng hoa chúc mừng. Những ngày về sau, thường rất vắng vẻ. Cá biệt, một số triển lãm trong suốt thời gian mở cửa không một “ma nào đến xem”.

Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, bán vé vào cửa với giá khá cao nhưng vẫn thu hút được công chúng. Đó là triển lãm “Filter - Nghệ thuật đương đại Việt Nam” diễn ra vào năm 2015 với giá vào cửa lên tới 250.000 đồng.

Nhà tổ chức UrbanArt gửi thông điệp rằng, thưởng thức mỹ thuật không nên là sự miễn phí. Việc đến phòng xem triển lãm tranh phải được coi là một nhu cầu giải trí như đến rạp xem phim, đến nhà hát nghe nhạc.

Trong năm 2022, có ít nhất có 2 triển lãm mỹ thuật thực hiện việc bán vé. Tuy nhiên kết quả ra sao thì lại là ẩn số và giới chuyên môn dễ dàng khẳng định đó là một thất bại vì “không ma nào đến mua vé”.

Cũng ở Việt Nam, vì biết rõ rất hiếm người bỏ tiền mua vé xem tranh nên một số họa sĩ thay vì để vào cửa tự do lại cố tình bán vé để tự “thăng hạng” bản thân và tự nâng giá trị tác phẩm của mình.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi từng khẳng định rằng, bản thân ông rất ủng hộ việc bán vé cho các triển lãm, nhưng thực tế thì còn nhiều éo le. Không phải triển lãm nào cũng bán vé được, vài triển lãm còn trông mong nhiều người đến xem cho vui.

Dù đồng ý với quan điểm xem tranh phải được coi là một nhu cầu giải trí như đến rạp xem phim hay đến nhà hát nghe nhạc, nhưng ông Lý Đợi kể rằng - người bạn của ông đến triển lãm với mục đích mua tranh.

Vừa đến cửa, có người “hiện ra” đòi bán vé 100.000 đồng, nên người bạn ra về và nhắn tin như sau: “Tớ vào cửa hàng xe hơi mua xe mấy tỉ, qua cửa hàng điện máy mua cái tivi vài trăm triệu, mà họ có bán vé đâu? Sao đi mua bức tranh thì bị đòi mua vé? Vậy họ muốn bán tranh hay bán vé?”.

“Câu hỏi của người mua tranh không phải là vô lý. Tại TPHCM cũng có vài không gian bán vé xem triển lãm, ý tưởng này nghe rất lành mạnh, văn minh. Tuy nhiên, do nhiều triển lãm và sự kiện chưa xứng tầm để bán vé nên kết quả phải đóng cửa”, ông Lý Đợi chia sẻ.

Quay trở lại với câu chuyện của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bán vé xem triển lãm của các danh họa Hà Lan, giới nghiên cứu cho rằng – công chúng Việt sẵn sàng bỏ tiền mua vé chưa hẳn với mục đích chính là xem tranh mà xem tổng thể các trưng bày và sự kiện ở bảo tàng.

Không phải công chúng Việt sính ngoại, bỏ tiền mua vé xem tranh họa sĩ nước ngoài mà chê họa sĩ nội địa. Đơn cử, như tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, công chúng vẫn bỏ tiền mua vé xem các bức tranh của họa sĩ Việt.

Đơn cử như tác phẩm “Vườn xuân Bắc Trung Nam” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, hay tác phẩm của các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương, ký họa kháng chiến…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ