Hỗ trợ thí sinh tránh bị 'trượt oan'

GD&TĐ - Từ ngày 3 - 6/7, vận hành Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT...

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại điểm thi THPT Trưng Vương (quận 1 – TPHCM). Ảnh: Mạnh Tùng
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại điểm thi THPT Trưng Vương (quận 1 – TPHCM). Ảnh: Mạnh Tùng

Từ ngày 3 - 6/7, thí sinh thực hành đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng, nộp lệ phí xét tuyển thử nghiệm trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống). Nhiều thí sinh nhận xét, Hệ thống thân thiện, dễ thực hiện nên việc đăng ký thử diễn ra thuận lợi.

Trải nghiệm quan trọng

Vừa thực hành xong việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng, nộp lệ phí xét tuyển thử nghiệm trên Hệ thống, thí sinh Trần Thị Minh Phương (Trường THPT Sóc Sơn - Hà Nội) chia sẻ, Hệ thống thân thiện nên dễ thực hiện. Suốt quá trình thực hành, em không gặp trở ngại gì. “Với em, đây là bước trải nghiệm quan trọng, làm thử nhưng như thật. Em tin đến ngày đăng ký chính thức trên Hệ thống, mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ như lần tập dượt này”, Minh Phương bày tỏ.

“Em thực hiện tuần tự các bước như hướng dẫn, đồng thời quay lại video quá trình thực hành để có cơ sở nhờ thầy, cô giáo hỗ trợ nếu gặp sự cố. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra thuận lợi. Em sẽ lưu lại video này để làm tài liệu tham khảo khi chính thức đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng và nộp lệ phí xét tuyển trên Hệ thống”, Mạnh Tuấn bật mí.

Thử nghiệm đăng ký xét tuyển 9 nguyện vọng và có thực hành điều chỉnh, sắp xếp thứ tự nguyện vọng, Nguyễn Mạnh Tuấn (TP Thái Bình) bày tỏ hài lòng về Hệ thống.

Tại Hải Dương, ông Phạm Hải Ninh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT cho biết, gần 22.000 thí sinh đã thử nghiệm trên Hệ thống. Đến thời điểm này, sở chưa nhận được ý kiến phản hồi nào của thí sinh về việc Hệ thống bị lỗi hoặc khó thực hiện. Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường THPT cử giáo viên hỗ trợ thí sinh trong những ngày thực hiện đăng ký chính thức trên Hệ thống.

Hơn 250 học sinh lớp 12 của Trường THPT Ngô Quyền (huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận) đã hoàn tất thực hành đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống. Thầy Phó Hiệu trưởng Lê Quang Trọng cho hay, theo phản ánh của học sinh, việc đăng ký thử trên Hệ thống diễn ra suôn sẻ. Học sinh không gặp khó khăn hay lỗi kỹ thuật khi các em tập dượt.

Thầy Trọng cho hay, từ ngày 10 đến 30/7, khi thí sinh chính thức đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển và nộp lệ phí tuyển sinh trên Hệ thống, nhà trường sẽ cử một cán bộ am hiểu về công nghệ thông tin để hỗ trợ khi cần. Ngoài ra, nhà trường sẽ mở cửa 2 phòng với 80 máy tính được kết nối Internet ổn định, sẵn sàng tiếp đón, hỗ trợ thí sinh đến đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển và nộp lệ phí tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến.

Cần thực hiện đúng, toàn bộ quy trình

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng và điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng đăng ký xét tuyển từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trao đổi, sau khi thí sinh cung cấp đầy đủ và đảm bảo tính chính xác các thông tin đăng ký xét tuyển, Hệ thống sẽ cập nhật và ghi nhận.

Thí sinh tỉnh Hải Dương tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Sở GD&ĐT

Thí sinh tỉnh Hải Dương tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Sở GD&ĐT

Trước đó, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, các em đã khai báo, chịu trách nhiệm về thông tin cá nhân, trong đó gồm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên. Những thông tin này của thí sinh sẽ được cơ quan chức năng kiểm tra để xác thực trên cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

Với thí sinh hoàn thành xét tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển sớm, nếu đủ điều kiện trúng tuyển vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống để được xét tuyển theo quy định. Do đó, các em cần tìm hiểu kỹ tài liệu hướng dẫn cũng như thực hiện đúng, đủ toàn bộ quy trình đăng ký xét tuyển. Nếu thí sinh chưa rõ có thể liên hệ với cán bộ tại điểm tiếp nhận hồ sơ, cơ sở đào tạo để được hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.

Để khắc phục một số tồn tại đã xảy ra trong năm 2022, năm nay Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo, trường THPT tăng cường truyền thông nhằm hạn chế những sai sót mà các em hay gặp phải. “Chúng tôi cũng cập nhật một số yếu tố kỹ thuật trên Hệ thống, nhằm hỗ trợ thí sinh trong việc đăng ký xét tuyển, tránh sai sót không đáng có”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay.

Năm nay, thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành/chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học. Các em không đăng ký phương thức xét tuyển, hay tổ hợp xét tuyển. Việc này sẽ hạn chế tối đa những lỗi mà thí sinh có thể mắc phải khi đăng ký trên hệ thống như nhầm phương thức xét tuyển.

Ngoài ra, nhằm hạn chế lỗi khi tham gia thanh toán trực tuyến, Bộ GD&ĐT chủ động phân luồng để không có hiện tượng nghẽn mạng. “Chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị liên quan, rà soát các kênh thanh toán, hạn chế những rủi ro trong quá trình thanh toán lệ phí xét tuyển trên cổng dịch vụ công quốc gia”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học học đồng thời lưu ý, với thí sinh tham gia xét tuyển sớm và đã trúng tuyển có điều kiện, các cơ sở đào tạo có trách nhiệm cập nhật kết quả lên Hệ thống để các em chủ động lựa chọn thứ tự nguyện vọng khi thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Về phía người học cần tìm hiểu kỹ thông tin trong đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo, cũng như quy chế tuyển sinh. Sau đó, các em thực hiện đăng ký xét tuyển theo quy định và phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về điều kiện hồ sơ, quy trình và thời gian dự tuyển. Đặc biệt, thí sinh cần nhập tất cả nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên Hệ thống. “Thí sinh không đăng ký nguyện vọng vào những nhóm ngành, ngành/chương trình đào tạo mà mình không đủ điều kiện xét tuyển”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khuyến cáo.

Thông tin từ Bộ GD&ĐT, hết thời gian thực hành đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng, nộp lệ phí xét tuyển trên Hệ thống, dữ liệu nguyện vọng đăng ký thử nghiệm sẽ bị xóa. Nguồn cung cấp dữ liệu xét tuyển được thiết lập lại mặc định để chuẩn bị cho thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng chính thức từ ngày 10 đến 30/7.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ