Tránh trượt oan từ phương thức xét tuyển kết hợp

GD&TĐ - Tuyển sinh năm nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp. Các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh cần lưu ý khi tham gia phương thức xét tuyển này để tránh bị trượt oan.

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: TG
Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: TG

Mở rộng phương thức xét tuyển

Năm nay, Trường Đại học Hà Nội dự kiến xét tuyển ở 25 ngành đào tạo, trong đó có 13 ngành ngôn ngữ và 12 ngành đào tạo bằng ngoại ngữ, với tổng số gần 2.900 chỉ tiêu, tăng 205 chỉ tiêu so với năm 2021. Bên cạnh đó, nhà trường dành 240 chỉ tiêu cho các chương trình liên kết quốc tế.

TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội - thông tin: Điểm mới trong công tác tuyển sinh năm nay là mở rộng đối tượng tham gia phương thức xét tuyển kết hợp theo quy định của trường. Theo đó, các thí sinh có kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng thuộc diện được xét tuyển theo phương thức kết hợp.

Bên cạnh đó, thí sinh thuộc đối tượng xét tuyển kết hợp là học sinh các lớp chuyên, song ngữ THPT chuyên, THPT trọng điểm; học sinh THPT có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (theo quy định của nhà trường); thí sinh có điểm SAT, ACT hoặc A-Level; thí sinh là thành viên đội tuyển học sinh giỏi cấp quốc gia; thí sinh đoạt giải Nhất – Nhì - Ba cấp tỉnh/thành phố; thí sinh được chọn tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức; thí sinh tham dự vòng thi tháng Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của Đài Truyền hình Việt Nam.

Theo thông báo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia sẽ được xét tuyển vào trường. Tuy nhiên, để được nhận hồ sơ, thí sinh phải thỏa mãn cùng lúc 2 điều kiện: Có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2022 đạt 1ELTS 5.5 hoặc TOEFL 1TP 500; TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S160 & W 150) trở lên. Điểm thi đánh giá năng lực năm 2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt từ 85 điểm trở lên hoặc của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đạt từ 700 điểm trở lên.

Ngoài ra, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT. Điều kiện nhận hồ sơ là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thỏa mãn điều kiện nêu trên và phải có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tổ hợp bất kỳ trong các tổ hợp xét tuyển của trường đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (dự kiến từ 20 điểm trở lên).

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. 

Cẩn trọng khi đăng ký xét tuyển

Theo các chuyên gia, năm nay nhiều cơ sở giáo dục đại học áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý khi tham gia phương thức xét tuyển này để tránh bị trượt oan. TS Lê Xuân Thành - Trưởng phòng Công tác Chính trị - Sinh viên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất (Hà Nội) - lưu ý: Thí sinh cần nghiên cứu kỹ thông báo của nhà trường (nơi mình dự định đăng ký xét tuyển), trong đó đặc biệt lưu ý đến bảng quy đổi điểm các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Vì rất có thể, nhiều thí sinh nhầm lẫn việc quy đổi điểm từ chứng chỉ này với quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của Bộ GD&ĐT có nội dung quy định các trường hợp thí sinh được miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Theo đó, thí sinh được miễn thi khi thuộc một trong những đối tượng sau: Thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Thí sinh có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ (giống hoặc khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông) hợp lệ, có giá trị sử dụng ít nhất đến ngày 6/7/2022 và đạt mức điểm tối thiểu theo quy định. Trong đó, môn Tiếng Anh là IELTS đạt 4.0 điểm, TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 54 điểm.

TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) - tư vấn: Thí sinh cần đặc biệt lưu ý, một số trường đại học công nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và có bảng hướng dẫn quy ra điểm tương ứng để tính tổng điểm cùng các môn tổ hợp mà thí sinh chọn để xét tuyển. Vì thế, các em cần xem kỹ thông tin và hỏi nhà trường về việc điểm mình được quy đổi như thế nào trước khi nộp hồ sơ xét tuyển.

Còn theo TS Nguyễn Tiến Dũng, dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2022 của Bộ GD&ĐT ghi rõ, sau khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường và đủ điều kiện trúng tuyển, các em vẫn phải đăng ký lại các nguyện vọng này trên hệ thống xét tuyển của Bộ cùng với đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT.

“Giả sử thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển kết hợp, các em vẫn phải đăng ký lại trên hệ thống của Bộ và để ở nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Trường hợp thí sinh muốn có thêm cơ hội sử dụng điểm tốt nghiệp THPT có thể thay đổi thứ tự nguyện vọng. Lúc này, nguyện vọng 1, 2, 3 có thể là nguyện vọng mới, được xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Nguyện vọng đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển kết hợp có thể đẩy thấp xuống” - TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, đồng thời khuyến nghị: Nếu thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển kết hợp hoặc phương thức khác nên bảo lưu lựa chọn của mình (đặt ở nguyện vọng ưu tiên cao nhất) khi đăng ký trên hệ thống của Bộ GD&ĐT.

Theo TS Võ Thanh Hải, dù thí sinh muốn xét tuyển bằng phương thức nào, kể cả phương thức kết hợp cần bám sát quy tắc: Ưu tiên nguyện vọng yêu thích lên vị trí đầu tiên. Chẳng hạn, thí sinh muốn xét tuyển bằng phương thức kết hợp giữa chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì điều kiện tiên quyết là phải tham gia kỳ thi. Sau đó, đặt nguyện vọng cao nhất là phương thức xét tuyển này. Các phương thức xét tuyển khác sẽ ở nguyện vọng tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ