Một trong những chủ trương quan trọng của Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) là tăng cường giải pháp hỗ trợ người học trong lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm.
Hỗ trợ 9 ngành, nghề
Theo Đề án, có 9 nghề được thành phố Hải Phòng khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ chi phí học tập, ăn ở, đi lại cho người học gồm: Logistics, điện tử công nghiệp, điện công nghiệp, hàn, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm)...
Có thể nói, cùng với các chính sách nhân văn trong giáo dục như thu hút giáo viên trường chuyên, khen thưởng học sinh và giáo viên có thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế…, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp có hỗ trợ kinh phí cho người học là điểm nhấn đáng chú ý.
Điều này có thể làm thay đổi quyết định chọn nghề, trường của nhiều học sinh, chuyển hướng lựa chọn nghề nghiệp cho con của cha mẹ, đặc biệt với gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Vợ chồng chị Hoàng Thị Luyến (trú tại ngõ 143 Tôn Đức Thắng, phường An Dương, quận Lê Chân) làm kinh doanh nhỏ ở chợ, không có điều kiện cho con trai học đại học. Gia đình định hướng con học nghề để rút ngắn thời gian học, sớm đi làm để phụ giúp bố mẹ. Theo nguyện vọng, con chị muốn học ngành Logistics. Ngành này được thành phố hỗ trợ học phí nên gia đình ủng hộ mong muốn của con.
Theo Nghị quyết 03/2024 của HĐND thành phố Hải Phòng có 4 đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi về đào tạo nghề trọng điểm. Người đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã tốt nghiệp THCS và tương đương trở lên chưa có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp với vị trí việc làm theo yêu cầu của doanh nghiệp, được cử đi học các ngành trọng điểm tại các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn thành phố sẽ được hỗ trợ một nửa mức trần học phí trình độ trung cấp theo từng nhóm ngành, nghề đào tạo tương ứng của năm học.
Hỗ trợ 900 nghìn đồng/tháng với học sinh tốt nghiệp THCS và tương đương trở lên học trình độ trung cấp, người có bằng THPT học trung cấp, cao đẳng trên địa bàn thành phố.
Cùng đó, giáo viên đang giảng dạy tại các trường trung cấp, cao đẳng công lập tự chủ nhóm 3 trực thuộc thành phố, chưa đáp ứng tiêu chí chứng chỉ nghề theo quy định được hỗ trợ 10 triệu đồng/người/khóa. Với những lao động cấp cao của doanh nghiệp thỉnh giảng tại các trường nghề được hỗ trợ 3 triệu đồng/người/khóa để bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Song hành với các điều kiện ưu đãi, các đối tượng trên phải có cam kết hoàn thành khóa học, làm việc tại Hải Phòng tối thiểu 3 năm sau tốt nghiệp; có cam kết về giải quyết việc làm giữa trường trung cấp, cao đẳng trực tiếp tuyển sinh, đào tạo với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thông qua hợp đồng tiếp nhận sau đào tạo.
Dự kiến, tổng số người được hỗ trợ học nghề từ năm 2024 - 2030 là hơn 30.400, với tổng kinh phí trên 532 tỷ đồng. Chi phí học tập được chi trả trực tiếp cho người học sau mỗi học kỳ.

Nâng “chất” đào tạo
Đề án đưa ra nhận định, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có nhu cầu sử dụng gần 1,06 triệu lao động qua đào tạo, trong đó hơn 357 nghìn người trình độ trung cấp, khoảng 83 nghìn người trình độ cao đẳng. Nhưng thực tế, dù đã kích cầu bằng chính sách hỗ trợ học phí vẫn ít sinh viên mặn mà đăng ký theo Đề án hỗ trợ nghề của thành phố.
Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng có 2 nghề đào tạo thuộc danh mục nghề trọng điểm của thành phố là Logistics và Quản trị khách sạn. Tuy nhiên, ngành Logistics năm học tới nhà trường mới tuyển sinh. Ngành Quản trị khách sạn là thế mạnh của trường nhiều năm nay. Theo Hiệu trưởng Phạm Văn Long, chính sách hỗ trợ người học theo Nghị quyết 03/2024 của HĐND thành phố Hải Phòng có tính chiến lược và vượt bậc.
Ngay khi nắm được chủ trương của thành phố, nhà trường đã tuyên truyền rộng rãi tới cán bộ, giảng viên, sinh viên. Trong số hơn 200 sinh viên học ngành Quản trị khách sạn có 9 em đăng ký theo học ngành nghề của Đề án. Điều nhiều sinh viên không mặn mà là ràng buộc thời gian lao động đến 3 năm khiến các em có thể lỡ dở nếu có cơ hội việc làm tốt hơn.
Theo ông Đỗ Đức Lợi - Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên (Trường Cao đẳng Hàng hải 1), thế mạnh của trường là đào tạo nghề đi biển. Theo Đề án của thành phố, trường có 5 nghề trong danh mục nghề trọng điểm.
Dù nhà trường đã họp từng lớp để tuyên truyền và tư vấn đến từng phụ huynh nhưng đến nay chưa có sinh viên đăng ký. Có một số nguyên nhân như sinh viên không muốn ký hợp đồng ràng buộc về mặt thời gian làm việc tại doanh nghiệp. Hơn nữa, đặc thù nghề hàng hải, ngay khi thực tập, sinh viên đã tự tìm được việc làm với mức lương cao.
Ông Lợi cho rằng, với một số ngành học thiếu hụt đầu vào nhiều năm nay như: Hàn, sửa chữa máy… thì sự ra đời của Nghị quyết là tín hiệu khả quan, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tuyển sinh của nhà trường. Tuy nhiên, theo nhận định của các đơn vị đào tạo nghề, cùng với cơ chế, chính sách mở của thành phố, các trường cần tập trung nâng cao chất lượng, tạo vị thế vững chắc thu hút người học.

Theo ông Phạm Văn Long - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng, mục tiêu quan trọng, bao trùm trong chiến lược của nhà trường là phát triển thành trường đào tạo trọng điểm chất lượng cao cấp độ quốc tế.
Vì thế, nhiều năm qua, trường chú trọng nâng cao trình độ, chất lượng cán bộ, giảng viên; bổ sung cập nhật cơ sở vật chất hiện đại; đưa vào hoạt động trung tâm thực hành nghề khách sạn; tăng cường hợp tác quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số và mô hình đào tạo song hành nhà trường với doanh nghiệp. Vì vậy, số lượng sinh viên theo học tại trường đông, tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm cao.
Ông Đỗ Đức Lợi chia sẻ, với Trường Cao đẳng Hàng hải 1, nhà trường chú trọng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo sinh viên theo quy chuẩn quốc tế, tăng cường thực hành mô phỏng trên nền tảng công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được xây dựng với quan điểm đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là chủ trương, giải pháp quan trọng, lâu dài, tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có tay nghề cao, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.
Đây cũng là động lực góp phần thực hiện 3 trụ cột kinh tế chủ yếu của Hải Phòng gồm: Công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại; thực hiện thắng lợi Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.