Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng sâu rộng cùng những biến động không ngừng của thị trường lao động, giáo dục nghề nghiệp không thể tiếp tục giữ vai trò như một hệ thống chỉ truyền đạt kỹ năng kỹ thuật thuần túy.
Trường nghề không chỉ… dạy nghề
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi, trong bối cảnh hiện tại, giáo dục nghề nghiệp càng cần khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng. Chuyển đổi số đã làm thay đổi tư duy, phương thức, công cụ và mối quan hệ phát triển giáo dục nghề nghiệp. “Giáo dục nghề nghiệp phải thay đổi, vượt qua giới hạn của chính mình, kế thừa kinh nghiệm trong khi tiếp cận những xu hướng hiện đại của giáo dục nghề nghiệp quốc tế, nhằm đóng góp hiệu quả cho xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi khẳng định.
Tại Hội thảo “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên kinh tế số”, trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII (tháng 4/2025), các chuyên gia nhấn mạnh: Giáo dục nghề nghiệp cần trở thành mảnh đất màu mỡ để ươm mầm khát vọng khởi nghiệp, đồng thời là nơi thúc đẩy tinh thần làm chủ, hình thành năng lực hội nhập toàn cầu cho thế hệ trẻ.
ThS Hồ Thu Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang nêu hiện trạng, phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang dần khởi sắc.
Nhiều dự án khởi nghiệp bước đầu được hiện thực hóa, mang lại giá trị thực tiễn. Tuy nhiên, hành trình từ ý tưởng đến sản phẩm và thương mại hóa còn nhiều rào cản. Trong đó, hạn chế về kiến thức nền tảng, kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh, phân tích thị trường, kỹ năng quản lý rủi ro và nguồn vốn là những vấn đề nổi bật.
Theo ThS Hằng, nguyên nhân của thực trạng trên một phần xuất phát từ chương trình đào tạo tại nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn nặng tính lý thuyết, chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thị trường và công nghệ. Tư duy đổi mới, kỹ năng sáng tạo chưa được lồng ghép hiệu quả vào các môn học. Ngoài ra, môi trường học tập thiếu mô phỏng thực tế, thiết bị công nghệ lạc hậu và tài nguyên học liệu không được cập nhật thường xuyên khiến sinh viên ít có cơ hội va chạm và trải nghiệm thực tế.
Bà Lê Thị Hằng - Phó Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho rằng, chúng ta đang sống trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, nơi công nghệ và tự động hóa làm thay đổi sâu sắc cách con người học tập, làm việc và tương tác.
Trong bối cảnh đó, giáo dục nghề nghiệp không chỉ dừng lại ở việc trang bị kỹ năng nghề cho người học, mà còn phải trở thành cái nôi nuôi dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo và tư duy khởi nghiệp. Mục tiêu là giúp người học linh hoạt thích ứng với sự thay đổi, chủ động tạo ra việc làm cho chính mình và đóng góp cho xã hội.
Tuy nhiên, theo bà Hằng, cần thẳng thắn nhìn nhận các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn và thách thức. Năng lực đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính cũng như khả năng kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp bên ngoài còn hạn chế, khiến kết quả đạt được chưa như kỳ vọng.
Những thách thức nêu trên mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đối mặt không đơn thuần là bất cập trong việc khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, mà phản ánh yêu cầu cấp thiết phải có sự thay đổi mang tính hệ thống từ chương trình học, phương pháp giảng dạy để hỗ trợ người học phát triển toàn diện.

Tìm lối đi giữa nền kinh tế số
Từ góc độ quản lý vĩ mô đến thực tiễn triển khai, nhiều đơn vị giáo dục nghề nghiệp đã và đang nỗ lực tìm kiếm mô hình thích ứng hiệu quả với thời đại công nghệ số. Theo Phó Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên Lê Thị Hằng, khởi nghiệp sáng tạo không chỉ là con đường để người trẻ khẳng định bản thân, mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội, nền tảng để Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.
Do đó, việc xây dựng và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và toàn xã hội. “Chuyển đổi số và khởi nghiệp sáng tạo không còn là xu hướng của tương lai, mà là việc phải hành động ngay từ hôm nay”, bà Hằng nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, nhận định, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ số không chỉ đóng vai trò công cụ hỗ trợ, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia.
Những công nghệ tiên tiến này đang tạo ra biến đổi sâu sắc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt giáo dục, nơi mà các mô hình đào tạo truyền thống dần được thay thế bằng những hệ sinh thái khởi nghiệp học đường hiện đại, năng động và sáng tạo.
Bà Phượng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh mới, việc chuyển đổi từ mô hình truyền thụ kiến thức sang nuôi dưỡng năng lực sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp là yêu cầu cấp bách. Để làm được điều đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp học đường bài bản, trong đó phải tích hợp đầy đủ 4 yếu tố thiết yếu: Tri thức, chuyên gia, thị trường và tài chính.
Tri thức ở đây không chỉ là kiến thức chuyên môn, mà còn phải cập nhật liên tục những xu thế mới của thời đại. Đội ngũ chuyên gia, bao gồm các giảng viên, nhà khoa học và cố vấn, cần có trình độ chuyên môn vững vàng, đồng thời giàu kinh nghiệm thực tiễn để đồng hành cùng sinh viên trong hành trình khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, việc kết nối với thị trường đóng vai trò quan trọng nhằm giúp người học nhận diện các cơ hội đổi mới sáng tạo, định hướng phát triển dựa trên nhu cầu thực tế. Cuối cùng, yếu tố tài chính, thông qua các nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp và các quỹ đầu tư, trở thành bệ đỡ vững chắc để các ý tưởng khởi nghiệp có thể được triển khai và phát triển bền vững.
Theo các chuyên gia về giáo dục nghề nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục hiện đại và hiệu quả chỉ có thể thành công khi các yếu tố công nghệ, con người và thị trường được kết nối chặt chẽ thông qua chuyển đổi số. Bởi lẽ, chính sự thay đổi về tư duy, mô hình và công nghệ sẽ tạo nên nền tảng bền vững để giáo dục nghề nghiệp thích nghi và phát triển trong nền kinh tế số.

Chuyển đổi số trong chương trình học
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cùng quan điểm trên khi cho rằng, chuyển đổi số toàn diện kết hợp với phương pháp học tập trải nghiệm chính là chìa khóa để tái định hình giáo dục nghề nghiệp trong tương lai. Quá trình này đòi hỏi sự hoàn thiện đồng bộ ở nhiều phương diện: Từ mô hình tổ chức số, quản trị số, hoạt động số đến chuẩn hóa dữ liệu số.
Theo đó, yếu tố then chốt để tạo dựng một môi trường đào tạo hiện đại, hiệu quả chính là đầu tư vào hạ tầng công nghệ, trang thiết bị học tập và thực hành tiên tiến. “Việc xác định hạ tầng số cho thị trường lao động rất quan trọng. Chúng ta cần xây dựng một hệ thống dự báo thông tin thị trường lao động hiệu quả, đồng thời đào tạo kỹ năng khai thác dữ liệu, phân tích xu hướng việc làm và kết nối cung - cầu một cách thực chất”, ông nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cũng đặc biệt lưu ý đến việc thiết kế công cụ đào tạo nhân sự công nghệ số toàn diện. Theo đó, chương trình học cần được cập nhật liên tục, tích hợp các nền tảng trực tuyến tương tác và chương trình chứng chỉ có tính ứng dụng cao.
Sự phát triển của hệ thống mô phỏng với tích hợp công nghệ, môi trường số, Internet vạn vật (IoT) và không gian mạng sẽ trở thành nền tảng sản xuất chủ yếu, mở đường cho phương thức sản xuất thông minh. Người lao động, đặc biệt lao động trí tuệ và lao động kỹ năng, buộc phải liên tục nâng cao trình độ để không bị tụt lại phía sau. Bởi những công việc mang tính lặp đi lặp lại dần dần sẽ được thay thế bởi AI và robot.
Để thích ứng với làn sóng công nghệ mới, ông Tuấn cho rằng hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần đặc biệt chú trọng tới việc tổ chức hiệu quả các hình thức “học cùng trải nghiệm”. “Phương pháp học trải nghiệm không chỉ giúp truyền đạt kiến thức dễ nhớ và dễ áp dụng, mà còn đặt người học vào trung tâm của quá trình đào tạo, thúc đẩy tư duy chủ động và sáng tạo”, ông Tuấn chia sẻ.
Chú trọng và đổi mới thực hành
Bên cạnh yêu cầu đổi mới tư duy và hạ tầng công nghệ, một yếu tố then chốt khác chính là chất lượng thực hành và sự gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động. Theo nhiều chuyên gia, đây chính là ưu điểm nổi bật của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong thời gian gần đây.
TS Nguyễn Quang Tiệp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế khẳng định, trong những năm gần đây, chất lượng đào tạo nghề của hệ thống giáo dục nghề nghiệp được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Sinh viên, học sinh tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng thể hiện năng lực làm việc tốt và nhanh chóng thích nghi khi gia nhập thị trường lao động.
Theo TS Tiệp, yếu tố then chốt góp phần tạo nên chất lượng này là việc các chương trình đào tạo nghề hiện nay chú trọng mạnh mẽ vào thực hành, với thời lượng chiếm hơn 70% tổng chương trình, trong khi lý thuyết chỉ chiếm khoảng 30%.
Nhờ tỷ lệ này, sau 2 - 3 năm học nghề, người học có thể đạt được tay nghề vững vàng, đáp ứng hiệu quả yêu cầu công việc thực tiễn. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu, TS Tiệp cho rằng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần chuyển mình mạnh mẽ hơn để đáp ứng kịp thời những đòi hỏi mới của thị trường lao động và kỳ vọng của người học.
“Chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và quản lý, mà còn phải bao gồm cả việc cập nhật chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp sư phạm và tăng cường liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo nội dung đào tạo sát với thực tiễn sản xuất - kinh doanh”, ông nhấn mạnh.
Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tạo điều kiện để người học phát triển toàn diện từ tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề đến kỹ năng làm việc nhóm và các kỹ năng mềm khác. Đây là những yếu tố giúp người học không chỉ có tay nghề chuyên môn, mà còn đủ năng lực thích ứng và phát triển trong môi trường làm việc cạnh tranh và biến động.
Ông Tiệp đề cao vai trò của học tập trải nghiệm và môi trường đào tạo khơi dậy sáng tạo, giúp người học rèn luyện tư duy làm chủ. Trong bối cảnh mới, chứng chỉ nghề không chỉ là minh chứng cho tay nghề, mà còn trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy người lao động học tập suốt đời và không ngừng nâng cao trình độ.
ThS Hồ Thu Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang, nhận định, hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho sinh viên giáo dục nghề nghiệp còn manh mún, thiếu liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - tổ chức tài chính. Việc tiếp cận các nguồn quỹ khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính hay cố vấn khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Nhiều bạn trẻ khi triển khai dự án vấp phải những trở ngại không nhỏ, từ thiếu vốn, thị trường đầu ra đến sự kiên trì, tâm lý e ngại thất bại. Trong một môi trường khởi nghiệp nhiều biến động, điều này khiến không ít ý tưởng sáng tạo bị bỏ dở giữa chừng.