Định hướng khởi nghiệp - khởi sự doanh nghiệp
Cuối năm 2024, hơn 400 học sinh, sinh viên của Trung tâm Đào tạo miền núi Quảng Nam (đóng tại huyện Nam Giang) trực thuộc Trường Cao đẳng Quảng Nam được tập huấn các kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp.
Học sinh, sinh viên được chia sẻ kiến thức chung về khởi nghiệp, cách thức xây dựng “ngân hàng ý tưởng khởi nghiệp”; giới thiệu mô hình tư duy - thiết kế trong khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, những yếu tố cần có đối với người khởi nghiệp; cơ hội và thách thức đối với học sinh, sinh viên khi khởi nghiệp… Các em cùng diễn giả thảo luận và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp; tiếp cận công cụ hỗ trợ tìm kiếm, khai thác ý tưởng để tạo ra những mô hình kinh doanh mới và sáng tạo.
Trung tâm Đào tạo miền núi Quảng Nam có hơn 400 học sinh, sinh viên theo học các ngành nghề đào tạo như may thời trang, điện dân dụng, hàn, xây dựng dân dụng và công nghiệp...
Để hỗ trợ sinh viên trong khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, Trường Cao đẳng Quảng Nam mời các chuyên gia, doanh nghiệp khởi nghiệp đã thành công chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm; trang bị kiến thức khởi nghiệp, xây dựng dự án, kỹ năng thuyết trình dự án, gọi vốn, xây dựng lộ trình phát triển dự án… Sinh viên được nhà trường kết nối để tham gia các hoạt động hỗ trợ do ban điều hành khởi nghiệp - sáng tạo tỉnh Quảng Nam tổ chức.
Bà Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam cho biết, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong công tác đào tạo nghề hiện nay. Nhà trường thường xuyên lồng ghép hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào các chương trình nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.
Với những đầu tư bài bản trong đào tạo khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, nhiều dự án của sinh viên nhà trường đã đạt giải cao ở cuộc thi khởi nghiệp các cấp, có khả năng trở thành một startup nếu được hỗ trợ về vốn.
Chẳng hạn như dự án Cung cấp dịch vụ đa tiện xử lý sự cố công trình dân dụng và công nghiệp của nhóm sinh viên Nguyễn Văn Quốc, Nguyễn Văn Hưng (Khoa Ô tô - cơ khí - xây dựng) cùng ông Lê Hữu Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo Nam Quảng Nam đoạt giải Ba tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp xứ Quảng năm 2024.
Dự án hướng đến các công trình sửa chữa điện - nước - xây dựng dân dụng như chống thấm, dột ở quy mô nhỏ, vốn không được thợ điện - nước ưu tiên. Dự án sử dụng nguồn nhân sự là sinh viên có tay nghề cao đang học tại trường.
Ông Lê Hữu Hùng cho biết, dự án sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo để tìm kiếm và kết nối khách hàng. Khách hàng có thể gọi đến đường dây nóng hoặc để lại thông tin qua hộp thư để bộ phận trực tiếp nhận, báo giá dịch vụ. Khi khách hàng đồng ý, dịch vụ sẽ gửi thông tin của một số sinh viên có chuyên ngành phù hợp, khả năng xử lý sự cố để khách hàng lựa chọn.
Mới đây nhất, dự án Sản xuất sản phẩm khử mùi trong chăn nuôi của Trường Cao đẳng Quảng Nam giành giải 3 khối học sinh - sinh viên giáo dục nghề nghiệp lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh - sinh viên lần thứ VII năm 2025.
Ông Võ Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại (Đà Nẵng) thông tin, môn học Khởi sự kinh doanh trở thành một lựa chọn cho sinh viên các khối lớp không thuộc ngành Quản trị kinh doanh.
Nhiệm vụ của nhà trường là thúc đẩy tinh thần nghề nghiệp, phát triển kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng giải quyết các vấn đề, xây dựng tư duy cho sinh viên. Qua đó, giúp sinh viên có nền tảng để nắm bắt cơ hội tốt hơn khi bắt đầu lập nghiệp. Và khi có cơ hội, họ sẽ khởi nghiệp. Lúc này, họ vừa tạo ra việc làm cho chính mình và người khác, tạo nên giá trị gia tăng cho xã hội.

Khởi nghiệp trên nền tảng sáng tạo
Dự án Giải pháp điểm danh, giám sát, quản lý đánh giá chất lượng lớp học thông qua nhận dạng khuôn mặt - CEPC AI của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung (Quảng Nam) gồm Bùi Như Quỳnh, Nguyễn Thanh Tuấn, Đặng Huy Hùng với sự hướng dẫn của thầy Hồ Văn Vinh đang được nhà trường và một số doanh nghiệp ứng dụng. Dự án đoạt giải Ba trong cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp xứ Quảng năm 2024.
Trong quá trình nghiên cứu các phần mềm đọc lệnh, quét hình ảnh cho kết quả từ chiếc camera giám sát thông thường, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm tích hợp thêm công nghệ nhận dạng khuôn mặt bằng phần mềm quản lý chấm công - CEPC AI; ứng dụng có thể thêm thành viên cần nhận dạng và điều khiển toàn bộ trên điện thoại thông minh.
So với các hình thức điểm danh bằng thẻ, vân tay, quét khuôn mặt…, CEPC AI còn ghi nhận thái độ, mức độ tập trung của nhân sự có mặt trong một không gian nhất định. Giải pháp vì vậy còn ứng dụng được trong quản lý, đánh giá chất lượng nhân sự, người lao động của các công ty, tập đoàn.
Năm 2024, thầy Trương Minh Phụng - giảng dạy tại Trường Cao đẳng nghề Việt Úc (Đà Nẵng) được trao giải thưởng nghệ nhân ẩm thực Bàn tay vàng. Bước chân vào thị trường lao động ngành du lịch với vị trí phục vụ bàn, nhờ tinh thần ham học hỏi, chịu khó quan sát các đầu bếp chuyên nghiệp tại nơi mình làm việc, tự mày mò tìm hiểu rồi thấy yêu thích, thầy Phụng quyết định theo học nghề đầu bếp.
Chọn thành phố Đà Nẵng để gắn bó, thầy được nhận làm bếp trưởng tại một nhà hàng có tiếng, rồi tiếp tục học để làm bếp trưởng nấu các món ăn Singapore một thời gian rồi chuyển hướng thành giảng viên ẩm thực.
Với giảng viên Trường Cao đẳng nghề Việt Úc, giải thưởng nghệ nhân ẩm thực Bàn tay vàng là sự ghi nhận cho những năm tháng miệt mài, không ngừng học hỏi và cải tiến. “Đối với tôi, mỗi món ăn không chỉ kết hợp các nguyên liệu, mà còn là câu chuyện, một phần tâm hồn tôi muốn gửi gắm đến thực khách”, thầy Phụng chia sẻ.
Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật chế biến tại Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, ông Bùi Văn Quang - Chủ tịch Hội Đầu bếp Thái Bình chia sẻ: “Tại trường, tôi được trang bị kiến thức chuyên môn vững vàng trong lĩnh vực chế biến món ăn, từ kỹ thuật nấu, cắt tỉa đến vệ sinh an toàn thực phẩm và quản lý bếp. Kỹ năng làm việc nhóm, sáng tạo món mới và xây dựng mô hình kinh doanh ẩm thực cũng được tôi rèn luyện qua các hoạt động ngoại khóa và cuộc thi tay nghề”.
Khi ra thực tế, ông Quang đã linh hoạt áp dụng kỹ năng đã học như chế biến món ăn đúng kỹ thuật, sáng tạo trong trình bày và cải tiến quy trình làm việc để nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời chủ động học hỏi và đặt mục tiêu mở quán ăn riêng.
Ngoài ra, với cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Hội Đầu bếp Việt Nam, ông Quang nhiều lần tổ chức các cuộc gặp gỡ, giao lưu, học hỏi với các hội đầu bếp khác trên khắp mọi miền Tổ quốc. Ngoài ra, ông còn tạo điều kiện để các bạn sinh viên đã và đang theo học tại các trường cao đẳng nghề tham gia học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp với các anh chị trong Hội Đầu bếp chuyên nghiệp.
Nói về tiềm năng khởi nghiệp, ông Nguyễn Văn Hạng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho rằng, quá trình học tập và thực hành giúp người học nhận diện những vấn đề thực tế trong sản xuất và đời sống, từ đó nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp mang tính ứng dụng cao. Ngày càng nhiều trường nghề nhận thức được tầm quan trọng của khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, chủ động xây dựng các chương trình hỗ trợ, lập các câu lạc bộ khởi nghiệp.

Gắn đào tạo với nhu cầu thị trường
Những năm qua, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (Từ Sơn, Bắc Ninh) chú trọng công tác đầu tư về đội ngũ giảng viên chất lượng cao; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phù hợp với các ngành nghề đào tạo. Mục tiêu nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng cần thiết và khuyến khích các em phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, nâng cao tay nghề trình độ cao để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Từ thực tế cơ sở, ông Vũ Hữu Ý - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hà Nam (Hà Nam) cho hay, tiềm năng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất lớn nếu được định hướng và đầu tư đúng hướng. Do đó, việc “ươm mầm” khởi nghiệp có thể gọi là chiến lược phát triển của mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo ông Ý, cần gắn công tác định hướng nghề nghiệp với khởi nghiệp từ sớm và xa, thường xuyên và phải đưa vào nội dung chính khóa ngay từ khi các em học cấp THCS. Đối với học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề (thường gọi là hệ 9+) tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nếu được định hướng khởi nghiệp cơ bản giúp các em có mục tiêu rõ ràng vì gắn với thực tiễn nghề nghiệp đang học.
“Đồng thời cần tiếp tục xây dựng và nâng tầm Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần gắn kết, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, ngân hàng để tạo ra các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Có thể nói đây là môi trường tốt để ươm mầm khởi nghiệp gồm: Nhà trường - Doanh nghiệp - Ngân hàng”, ông Vũ Hữu Ý nêu quan điểm.
Nhiều dự án khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo của sinh viên ít tính mới và sáng tạo về mặt công nghệ hoặc khai thác thị trường. Vậy nên, nhà trường đã gửi giáo viên tham gia các khóa đào tạo, tập huấn khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo để lồng ghép vào nội dung giảng dạy, vừa có sự hỗ trợ cho những sinh viên quan tâm và có đam mê với khởi nghiệp. - Ông Võ Hồng Sơn (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng)