Dù có những băn khoăn, bỡ ngỡ nhưng nhà trường, giáo viên đã linh động xây dựng kế hoạch giảng dạy bám sát chương trình.
Chủ động vượt khó
Chương trình GDPT 2018 triển khai ở bậc THPT từ lớp 10, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp là 1 trong 8 bộ môn, hoạt động bắt buộc. Theo quy định, hoạt động này có tổng số 105 tiết, thực hiện cho 35 tuần thực học, trung bình học sinh học 3 tiết/tuần.
Năm đầu tiên triển khai Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp trong điều kiện không có giáo viên chuyên trách, không có tổ bộ môn nên mỗi trường linh động tổ chức lực lượng giảng dạy theo điều kiện thực tế. Tùy vào nhân sự hiện có, mỗi trường bố trí giáo viên giảng dạy. Việc sắp xếp đảm bảo hài hòa quyền lợi của người học, người dạy, đồng thời chú trọng công tác bồi dưỡng thường xuyên.
Tại tỉnh Vĩnh Long, các trường học căn cứ vào điều kiện thực tế chọn tối thiểu 2 trong 4 loại hình hoạt động (sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ) để thực hiện Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp. Sở GD&ĐT chỉ đạo nhà trường phân công giáo viên đảm nhận nội dung hoạt động này phải có năng lực chuyên môn phù hợp.
Theo ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, các trường phân công giáo viên phụ trách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp gồm Tổng phụ trách hoặc Bí thư, Phó Bí thư Đoàn trường cùng với thành viên ban giám hiệu hoặc giáo viên có kỹ năng, năng lực thực hiện các hoạt động… Nhà trường căn cứ vào số lượng và năng lực đội ngũ để phân công, đảm bảo yêu cầu về định mức biên chế được giao và hiệu quả trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục.
Để Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp được triển khai theo kế hoạch, các trường học ở tỉnh Bạc Liêu chủ động phân công giáo viên phụ trách. Trong đó có sự tham gia của ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, Bí thư, Phó Bí thư Đoàn trường cùng giáo viên có năng lực trong lĩnh vực hướng nghiệp, trải nghiệm.
Thông qua nội dung chương trình, giáo viên phụ trách chủ động xây dựng hoạt động, giảng dạy với sự tham gia của thành viên ban giám hiệu, trợ lý thanh niên, cán bộ Đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm… Sự phối hợp này giúp cho các trường ban đầu còn bỡ ngỡ, gặp khó vì không có giáo viên chuyên trách đã dần ổn định dạy học. Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp cũng được học sinh đón nhận, thích thú học tập.
Thầy Dư Quốc Kiệt, Hiệu trưởng Trường THPT Giá Rai (Bạc Liêu) cho biết: Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp đã tạo hiệu ứng tích cực trong thầy, trò. Nhà trường đang tập trung thiết kế các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thu hút và hiệu quả hơn, gắn với điều kiện thực tế tại địa phương. Qua đó giúp học sinh được tiếp xúc với thực tiễn, áp dụng những kiến thức, kỹ năng của các môn học vào cuộc sống…
Học sinh Trường THCS quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) trong giờ trải nghiệm hướng nghiệp. |
Tận dụng tính mở của chương trình
Theo đại diện Sở GD-KH&CN tỉnh Bạc Liêu, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được nhiều trường học linh động triển khai qua các hoạt động phong phú. Đơn cử như hoạt động trồng cây xanh, ứng dụng kiến thức Toán học vào cuộc sống, tổ chức lễ hội dân gian, sân khấu hóa... Nhiều trường cho học sinh trải nghiệm cơ hội nghề nghiệp tại các trường đại học, doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất… Nhờ đó, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thêm sinh động, hấp dẫn.
Năm đầu tiên dạy học Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, các trường học ở tỉnh Vĩnh Long triển khai khá hiệu quả. Hoạt động này được linh động tổ chức thông qua sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, trò chơi, sân khấu tương tác, tổ chức các hội thi, hoạt động nhân đạo, sinh hoạt tập thể, sân khấu hóa…
Chia sẻ về Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, cô Huỳnh Lê Thu Thủy, giáo viên Trường THPT Vĩnh Long cho biết: Trước hết, giáo viên phụ trách hoạt động phải chịu khó tìm tòi, không ngừng đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng hoạt động. Nhất là phương pháp để khơi mở cảm xúc, hứng thú, đam mê của học sinh.
Hoạt động trải nghiệm gắn liền với thực tiễn cuộc sống, mang tính mở. Tùy theo tình hình thực tế của nhà trường, địa phương để xây dựng kế hoạch cũng như phân phối chương trình phù hợp. Giáo viên, nhà trường cần lựa chọn nội dung, hình thức, không gian hoạt động sao cho phù hợp để đạt hiệu quả giáo dục.
Tham gia hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp giúp em Trần Thị Thanh Trúc, học sinh lớp 10, Trường THPT Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) định hướng rõ hơn về tương lai nghề nghiệp của bản thân.
“Điều em tâm đắc nhất trong chương trình là nội dung về phát hiện tiềm năng bản thân và phát triển sở trường, hiểu rõ hơn về yêu cầu nghề nghiệp mà mình lựa chọn. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp không chỉ có giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn mà còn có thầy cô trong ban giám hiệu, Tổ Tư vấn tâm lý học đường, Đoàn Thanh niên cùng tham gia... Đây là môn học mới, ban đầu nhiều bạn có chút lo lắng, nhưng sau khi học cảm thấy rất bổ ích”, Thanh Trúc bày tỏ.
Các trường học trên địa bàn Tiền Giang phân công giáo viên chủ nhiệm đảm nhiệm Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp. Trước khi triển khai, Sở GD&ĐT Tiền Giang chủ động tập huấn, bồi dưỡng cho tất cả giáo viên chủ nhiệm; Phối hợp với các nhà xuất bản hướng dẫn sử dụng tài liệu…
Theo ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, việc phân công giáo viên triển khai hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp đảm bảo năng lực, sở trường, gắn với khoa học các bộ môn giáo viên đang đảm nhận. Thông qua chủ điểm, nội dung của hoạt động, nhà trường cùng giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp để phát huy hiệu quả, thu hút học sinh...