Thách thức với hoạt động trải nghiệm tại trường vùng khó

GD&TĐ - Hoạt động trải nghiệm giúp học sinh biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn, từ đó hình thành năng lực, phát huy tiềm năng sáng tạo bản thân.

Học sinh Trường Mầm non Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) trải nghiệm tại vườn rau Đồn Biên phòng Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai).
Học sinh Trường Mầm non Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) trải nghiệm tại vườn rau Đồn Biên phòng Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai).

Song để triển khai môn học đạt mục tiêu đề ra, đặc biệt với học sinh, nhà trường vùng nông thôn, điều kiện khó khăn vẫn là thách thức.

Trải nghiệm trong điều kiện cho phép

Có nhiều hình thức hoạt động trải nghiệm, nhưng với điều kiện chung còn “eo hẹp”, xã hội hóa giáo dục khó khăn thì hầu hết trường nông thôn, miền núi đang triển khai trên tinh thần “có tới đâu trải nghiệm tới đó”. Các hoạt động trải nghiệm chủ yếu vẫn là tham quan, khám phá thực địa, trình diễn giao lưu, sân khấu hóa theo trường, khối, lớp…

Cô Mã Thị Chuyền, Hiệu trưởng PTDTBT THCS Lâm Ca (Đình Lập, Lạng Sơn) cho biết: Nguồn ngân sách của trường được cấp hạn hẹp, không có khoản dành cho tổ chức hoạt động trải nghiệm. Trong khi đó, 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn, thu nhập thấp, đồng nghĩa việc huy động từ phụ huynh hạn chế.

Trong bối cảnh đó, trường triển khai trải nghiệm theo chủ đề (9 chủ đề/năm/khối) nhưng phần lớn kết hợp cùng sinh hoạt dưới cờ và mang tính lý thuyết, hướng dẫn nhiều hơn triển khai thực tế. Ví như, trải nghiệm tìm hiểu truyền thống nhà trường, địa phương, di tích lịch sử…, giáo viên đối thoại với học sinh; tổ chức một số trò chơi có câu hỏi tìm hiểu kiến thức để học sinh trả lời. Hoạt động trải nghiệm chủ yếu vẫn diễn ra trong lớp/trường học với chủ đề, hình thức đơn giản và lý thuyết là chính.

Cũng chung điều kiện trường vùng khó, cô Sền Thị Thơm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) chia sẻ, phần lớn nội dung trải nghiệm của trẻ được lồng ghép vào hoạt động hàng ngày. Trừ một số chủ đề tổ chức trải nghiệm tách riêng ở phạm vi ngoài nhà trường.

Cụ thể với hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp, trường tổ chức đưa trẻ thăm đồn Biên phòng (gần trường). Đồn hỗ trợ giới thiệu các hoạt động của các chú bộ đội; thăm phòng chức năng (ăn, ngủ, làm việc) để học kỹ năng sắp xếp ngăn nắp trật tự; hướng dẫn và thực hành cách gấp chăn màn vuông vức, gọn gàng. Trẻ còn được thăm vườn rau và chia sẻ cách chăm sóc hiệu quả, biết phân biệt các loại rau trong vườn… Ngoài ra, một số ít chủ đề được trường tổ chức trải nghiệm thực tế như: Thăm trường tiểu học (trẻ 5 tuổi); Trẻ trồng rau tại vườn trường; Thăm mùa lúa chín…

Trường PTDTBT Cốc Pàng (Bảo Lạc, Cao Bằng) nằm ở vùng cao, biên giới với 100% phụ huynh là đồng bào dân tộc. Việc đóng góp cho giáo dục không nằm trong thói quen, khả năng của người dân nên việc huy động còn khó khăn. Nhà trường chủ yếu khai thác nguồn lực tại địa phương cùng những nội dung đơn giản (tham quan di tích lịch sử; thăm đồi chè, học kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất từ nhà máy...).

“Hiện các hoạt động trải nghiệm vẫn tổ chức với quy mô, hình thức đơn giản, nhỏ hẹp, hạn chế đóng góp; hoạt động trải nghiệm giáo dục STEM cũng ít triển khai do “khó vẫn bó khôn”…”, thầy Thương trăn trở.

Thầy Quan Văn Thương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: Phụ huynh chủ yếu theo nghề trồng rừng, thu hoạch cây hồi. 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh không xuất khẩu được sản phẩm nên sự hỗ trợ nguồn lực cho giáo dục càng khó khăn. Mặt khác, hàng tháng phụ huynh vẫn phải đóng góp tiền điện, chất đốt... cho con ở bán trú nên việc huy động thêm cho hoạt động trải nghiệm không được nhà trường hướng tới.

Không để “khó bó khôn”

Thực tế cho thấy, các trường đều hiểu ý nghĩa của hoạt động trải nghiệm và mong muốn đẩy mạnh. Tuy nhiên, nguồn kinh phí ở đâu vẫn là câu hỏi không dễ trả lời trong bối cảnh khó khăn, đặc biệt với các trường nông thôn, miền núi. Do đó để duy trì hoạt động trải nghiệm đòi hỏi cách tháo gỡ riêng của từng trường.

Học sinh Trường PTDTBT THCS Lâm Ca (Đình Lập, Lạng Sơn) trải nghiệm với hoạt động trồng rau xanh tại vườn trường. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường PTDTBT THCS Lâm Ca (Đình Lập, Lạng Sơn) trải nghiệm với hoạt động trồng rau xanh tại vườn trường. Ảnh: NTCC

Chia sẻ cách làm của nhà trường, cô Mã Thị Chuyền cho biết: Ban giám hiệu khuyến khích giáo viên tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm ngay tại lớp học hoặc ngoài trường/lớp nhưng đảm bảo kinh phí nhỏ, phụ huynh ít phải đóng góp. Với hoạt động cần tới nguyên vật liệu, đạo cụ từ những nguyên vật liệu có sẵn, hoặc tái sử dụng tại địa phương (củi, cây que, ngày công lao động...) sẽ huy động từ phụ huynh. Cùng đó, khai thác hiệu quả các di tích, danh lam thắng cảnh, làng nghề… gần trường cho giáo dục trải nghiệm để việc tổ chức thêm thuận lợi…

Theo thầy Tạ Văn Kha, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ (Quản Bạ, Hà Giang), bước sang năm thứ 3 triển khai hoạt động giáo dục trải nghiệm những khó khăn của trường vùng khó vẫn tồn tại và chưa thể tháo gỡ hoàn toàn. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy cách tốt để duy trì, đẩy mạnh trải nghiệm là nhà trường, giáo viên cần xây dựng nội dung, hoạt động trải nghiệm phù hợp, thiết thực với học sinh từng khối lớp, vùng miền.

Chẳng hạn, với học sinh vùng cao, học sinh cần trải nghiệm nhiều hơn với kỹ năng sinh tồn (phòng chống đuối nước, bắt cóc, an toàn thương tích..) hoặc các kỹ năng liên quan đến sản xuất trồng trọt, tăng năng suất cây trồng; trải nghiệm các mô hình dạy và luyện tiếng Việt... Những hoạt động này có thể tận dụng nguồn lực, thế mạnh địa phương; Khai thác hình ảnh, video clip đưa vào bài giảng điện tử…

Các hoạt động trải nghiệm đòi hỏi kinh phí đầu tư học liệu lớn, nhưng chưa có nguồn lực (như STEM) có thể đầu tư trọng điểm một vài hoạt động/năm học, không dàn trải. Như vậy vẫn đảm bảo học sinh phát triển hài hòa các năng lực từ hoạt động trải nghiệm mà nhà trường không gặp khó khâu tổ chức.

Tại Trường Mầm non Nậm Chảy (Lào Cai), trẻ 4-5 tuổi có thể khai thác học liệu đơn giản, dễ mua, kinh phí nhỏ để học sinh trải nghiệm với các trò chơi, từ đó hình thành nhận thức (màu sắc, con vật, tác dụng, đồ vật...). Ví như lấy lá cây để học sinh tự tay gấp nghé, kèn, vòng tay. Trẻ 3 tuổi được lồng ghép trải nghiệm với hoạt động trên lớp.

“Mặc dù việc huy động kinh phí khó nhưng huy động đóng góp các vật liệu tái chế, tre, vầu… từ đó giáo viên cắt ghép, thiết kế thành đồ chơi, đồ dùng cho hoạt động trải nghiệm của học sinh lại không khó. Do đó, nhà trường tăng cường tổ chức trải nghiệm tại lớp/trường với sự tham gia của phụ huynh. Việc này vừa giúp trẻ được trải nghiệm, cha mẹ hiểu hơn về công việc hàng ngày của giáo viên. Còn các cô có thêm đồ dùng, đồ chơi từ những vỏ ốc, tranh ảnh, vỏ hộp, chai lọ đẹp... để dạy học”, cô Sền Thị Thơm cho hay.

Với hoạt động trải nghiệm giáo dục STEM, cần kinh phí lớn, ban giám hiệu tham mưu, đề xuất với phòng GD&ĐT hỗ trợ, bổ sung nguồn thiết bị, đồ dùng hàng năm để dần nâng cấp nguồn học liệu cho hoạt động trải nghiệm, khám phá khoa học ngay trên lớp…

“Hoạt động trải nghiệm đòi hỏi đầu tư nguồn lực. Do đó, các nhà trường, giáo viên cần có ý thức khắc phục, tổ chức hiệu quả trong điều kiện cho phép. Tránh buông lỏng hay lãng phí hoạt động trải nghiệm đạt hiệu quả cao nhất…”. - Cô Sền Thị Thơm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Chảy (Lào Cai)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.