Mỗi nhà trường và giáo viên đã tìm hiểu, xây dựng, thực hiện kế hoạch giảng dạy bám sát với tinh thần của hoạt động này.
Tự tin chia sẻ ưu, nhược điểm của bản thân
Trong giờ học hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với chủ đề “Khám phá bản thân” của học sinh lớp 10 Trường THPT Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), học sinh được chia thành 3 nhóm để thảo luận. Mở đầu hoạt động, giáo viên cho học trò trả lời câu hỏi: Thế nào là quan điểm sống? Quan điểm sống của cá nhân sẽ ảnh hưởng, chi phối lối sống, cách hành động, ứng xử của cá nhân đó như thế nào?
Sau đó, học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập, đọc sách giáo khoa, thảo luận và trả lời câu hỏi. Trong quá trình này, cô giáo hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ rồi mời các học sinh, nhóm học sinh trả lời câu hỏi, cùng tranh luận về những nội dung được thảo luận. Giờ học thực sự cuốn hút học sinh khi tất cả đều được trình bày quan điểm của mình.
Em Vương Minh Anh - học sinh lớp 10A1 Trường THPT Thượng Cát cho biết: Sau chủ đề này, em học được nhiều kiến thức bổ ích. Em đã chỉ ra được những đặc điểm tính cách, quan điểm sống của bản thân và biết cách phát huy điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, nhận diện được khả năng điều chỉnh tư duy theo hướng tích cực.
Còn học sinh Vũ Trần Phương Thảo chia sẻ: Sau khi tham gia hoạt động này, em có thêm những trải nghiệm bổ ích, biết cách xác định đặc điểm tính cách, điều chỉnh tư duy, có quan điểm sống tích cực. Cùng với đó, em đã học được cách rèn luyện kỹ năng lập và thực hiện kế hoạch phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của bản thân.
Với chủ đề “Xây dựng nhà trường”, học sinh khối 10, Trường THPT Vạn Xuân (quận Long Biên, Hà Nội) đã có hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sôi động, hấp dẫn từ những ngày đầu năm học mới. Các em được tìm hiểu về truyền thống của trường, cùng nhau xây dựng nội quy lớp học và tham gia nhiều phần thi bổ ích, vui vẻ.
Em Lê Ngọc Linh - học sinh lớp 10A2 Trường THPT Vạn Xuân chia sẻ: Qua hoạt động, em đã biết thêm về truyền thống của nhà trường, những nội quy, quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Từ đó, em sẽ điều chỉnh tư duy theo hướng tích cực, xác định quan điểm sống của bản thân, rèn luyện tính cách… qua từng hoạt động.
Thông qua các hoạt động của chủ đề, mỗi em có cơ hội được thể hiện tài năng, rèn luyện sự tự tin, thân thiện trong giao tiếp ứng xử, xây dựng tình đoàn kết trong tập thể lớp, hiểu hơn về những truyền thống tốt đẹp của nhà trường. Từ đó các em có thể xác định rõ mục tiêu học tập, rèn luyện của bản thân.
Cô Lê Thị Hồng Liên - Hiệu trưởng Trường THPT Vạn Xuân cho hay: Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, nhà trường đã quan tâm đến việc phân công giáo viên giảng dạy, tập huấn, phân bố thời khóa biểu đúng quy định. Ghi nhận những ngày đầu, các hoạt động được tổ chức rất bài bản, nền nếp, học sinh đều rất hào hứng tham gia.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được tổ chức lôi cuốn, hấp dẫn. |
Sớm tiếp cận, làm chủ hoạt động giáo dục
Cô Nguyễn Thu Hằng - giáo viên chủ nhiệm lớp 10A1, Trường THPT Thượng Cát chia sẻ: Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học để thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Đây là hoạt động rất cần thiết trong các nhà trường.
Là giáo viên dạy Văn, năm nay được nhà trường phân công dạy môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp nên cô Hằng có chút bỡ ngỡ. “Đây là môn học mới, giáo viên không được đào tạo chuyên sâu trong nhà trường. Thêm vào đó, tài liệu tham khảo không nhiều nên việc soạn giáo án cũng có chút khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp cùng với các buổi tập huấn, việc giảng dạy đã dần đi vào nền nếp”, cô Hằng bộc bạch.
Lần đầu tiên được phân công dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 10, cô Trần Thanh Thúy - giáo viên Trường THPT Nghĩa Dân (huyện Kim Động, Hưng Yên) đã có sự chuẩn bị kỹ từ việc tìm hiểu chương trình tổng thể, chương trình của hoạt động giáo dục cấp phổ thông và tham khảo các lớp 1, 2 và 6 đã triển khai từ năm trước.
“Dù là môn học mới nhưng các kiến thức lại rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Đây là hoạt động giáo dục mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực giúp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, cách sống, rèn luyện phẩm chất, tính cách cho thế hệ tương lai. Học sinh rất thích thú khi được học những bài học gần gũi, gắn liền với thực tiễn cuộc sống và giúp các em hiểu chính mình hơn” - cô Thúy chia sẻ.
Còn cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đại Cường (Hà Nội) cho biết, để chuẩn bị cho việc dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nhà trường đã phân công cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn từ trước đó. Các thầy cô đều hoàn thành kỳ kiểm tra, đánh giá trước khi giảng dạy.
Dù đây là hoạt động giáo dục mới nhưng trước đó, hàng năm nhà trường đều thực hiện tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh nên thầy cô cũng không quá bỡ ngỡ. Các thầy cô đã cùng trao đổi, xây dựng các tiết học phù hợp với học sinh của nhà trường với đặc thù là ở nông thôn, nhiều em còn nhút nhát, chưa tự tin, chưa có nhiều thông tin cũng như định hướng rõ về nghề nghiệp.
Ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, thầy cô bắt buộc phải có sự chuẩn bị chu đáo để làm chủ chương trình, phương pháp trên cơ sở đó mới giúp học trò năng động, sáng tạo. Thầy cô cần bắt nhịp với những thay đổi của cuộc sống, cần có nhiều trải nghiệm cho chính mình.