Hiệu quả, tương xứng hơn...

GD&TĐ - Tính đến cuối tháng 11 năm nay, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước ta đạt hơn 29 tỷ USD, số vốn đã thực hiện đạt hơn 20 tỷ USD.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Con số trên tăng gần 3% so với cùng kỳ trước. Luỹ kế từ năm 1987, thời điểm có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đã có 143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại nước ta với hơn 38.800 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 462 tỷ USD.

Các dự án FDI đầu tư vào hầu hết các ngành kinh tế quốc dân, trong đó nổi bật là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ - trở thành một trong những động lực tăng trưởng, góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh theo nguyên tắc kinh tế thị trường, phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế; góp phần nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Vốn đầu tư nước ngoài cũng góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, từng bước đưa nước ta tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời tạo việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển.

Thế nhưng, bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn rằng, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, bất cập cần giải quyết, những thách thức cần vượt qua, cần giải quyết trong thu hút FDI. Về khách quan, yếu tố cốt lõi nhất hiện nay là những bất ổn địa chính trị toàn cầu. Về chủ quan là những tồn tại, những rào cản về chính sách.

Do đó, vấn đề đặt ra là phải sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục, điều kiện đầu tư. Cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, quy định rõ ràng trách nhiệm. Cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển.

Ngoài ra, cần chủ động thực hiện đối thoại chính sách để kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI. Triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Có chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng.

Loại bỏ các chi phí không chính thức vì đây là một trong những “nút thắt” cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI mà của cả doanh nghiệp tư nhân trong nước. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng đồng bộ kết nối các tỉnh, thành phố, các vùng kinh tế, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư...

Thực tế đã chứng minh đầu tư nước ngoài là khu vực kinh tế năng động, đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của nước ta. Đặc biệt, đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế nước ta từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường.

Từ khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực kinh tế tập thể là chủ yếu sang kinh tế nhiều thành phần. Từ một nền kinh tế đóng cửa, bị bao vây, cấm vận sang mở cửa, hội nhập sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế thế giới.

Bởi vậy, để thu hút vốn FDI chất lượng, hiệu quả hơn, tương xứng với những ưu đãi đã và đang được hưởng thì những rào cản liên quan đến thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phải sớm được tháo gỡ.

Đặc biệt, như khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “Đồng hành và phát triển” diễn ra hồi giữa tháng 10 vừa qua là luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để bảo đảm lợi ích, hoạt động ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ