Vốn FDI rót vào bất động sản giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2023

GD&TĐ - Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đầu tư vào bất động sản giảm đến 61,3% so với số vốn đầu tư gần 3 tỉ USD cùng kỳ năm trước.

Vốn FDI rót vào bất động sản giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2023

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023.

Tính đến ngày 20/5/2023 tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm nay, ngành bất động sản bị tụt xuống vị trí thứ 3 khi chỉ thu hút được 1,16 tỉ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Con số này giảm đến 61,3% so với số vốn đầu tư gần 3 tỉ USD vào lĩnh vực này của cùng kỳ năm trước.

Được biết, trong những năm gần đây, vốn FDI tham gia đầu tư vào ngành bất động sản Việt Nam luôn đứng thứ 2 trong các lĩnh vực có thu hút vốn ngoại.

Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm nay, dòng vốn FDI đổ vào thị trường bất động sản bị tụt xuống vị trí thứ 3 là do những vấn đề nội tại của thị trường bất động sản Việt Nam như khan hiếm nguồn cung, quỹ đất, vướng mắc pháp lý…

Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện quỹ đất hạn chế, các doanh nghiệp khối ngoại thường hướng đến M&A dự án bất động sản tại Việt Nam. Nhưng vấn đề pháp lý vẫn là gốc rễ những vướng mắc trong nhiều dự án bất động sản gây do dự cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trao đổi về lĩnh vực tư vấn đầu tư nước ngoài tại thị trường bất động sản Việt Nam, Giám đốc Cấp cao bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài mới tham gia thị trường chỉ được thực hiện dự án sau khi đóng tiền sử dụng đất và có giấy phép xây dựng.

Do đó, với những doanh nghiệp này, thủ tục pháp lý là điều quan trọng nhất để xem xét trước khi đầu tư.

“Việc thực hiện đầu tư quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và giá bán cao sẽ không phù hợp với đại bộ phận người dân. Tình trạng này làm giảm nguồn cung trên thị trường và đặc biệt là trong lĩnh vực nhà ở, khi nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp và nhà ở thương mại luôn được đặt ra hàng đầu đối với các thành phố lớn.

Trong khi đó, các đô thị lớn trong khu vực như Bangkok, Jakarta, Singapore… đều đang phải đối mặt với vấn đề này và chúng ta cũng không nằm ngoài trường hợp này”, ông Khương nhận định.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã có chính sách nới room tín dụng và giảm lãi suất, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, những vấn đề pháp lý chưa được giải quyết triệt để, thì vẫn có nguy cơ mất dần đi sự cạnh tranh về việc thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào thị trường.

Ngoài ra, để trở thành điểm thu hút đầu tư lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cần thu hút nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam. Điều này liên quan đến các phân khúc chủ đạo như nhà ở, bán lẻ, văn phòng, bất động sản công nghiệp... và cần phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để đầu tư vào các sản phẩm này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ