Hiện tượng thực tiễn “biến hóa” trong bài giảng Hóa học

GD&TĐ - Với việc vận dụng kiến thức Hóa học để giải thích những hiện tượng thực tiễn, cô Lê Thị Phượng - Giáo viên Trường THPT Đông Sơn 2 (Thanh Hóa) khiến giờ Hóa học vô cùng lý thú và bổ ích.

Hiện tượng thực tiễn “biến hóa” trong bài giảng Hóa học

Tại sao dầu mỡ ăn để lâu bị ôi thiu?

Nguyên nhân của quá trình ôi thiu dầu mỡ có nhiều như dầu mỡ có lẫn nước, hay những tạp chất khác... song chủ yếu là sự oxi hoá liên kết đôi bởi oxi không khí tạo thành peoxit, sau đó peoxit bị phân huỷ thành anđehit và xeton có mùi khó chịu.

Vì vậy, dầu thực vật (chứa chủ yếu là chất béo không no) nhanh bị ôi thiu hơn mỡ động vật (chứa chủ yếu là chất béo no).

Song thực tế, ta lại thấy mỡ động vật nhanh bị ôi thiu hơn dầu thực vật, vì trong quá trình sản xuất dầu ăn người ta thường cho thêm một lượng nhỏ chất chống oxi hoá là một số dẫn xuất của phenol.

Để hạn chế sự ôi thiu của dầu mỡ thì chúng ta nên đậy kín sau khi sử dụng và không nên tạo ra những khoảng trống trong các lọ đựng.

Với nội dung này, cô Phượng đã dùng để đặt vấn đề cho bài: Lipit (tiết 3- Hóa học 12 chương trình chuẩn và tiết 3- Hóa học 12 chương trình nâng cao).

Câu hỏi đặt ra là một hiện tượng thực tế gần gũi, là thắc mắc của nhiều học sinh mà chưa được giải quyết. Vì vậy, đặt học sinh vào tình huống có vấn đề.

Sau khi học xong bài Lipit học sinh vừa giải quyết được vấn đề đặt ra, vừa có thêm một kinh nghiệm thực tiễn. Từ đó mà tạo ra được hứng thú trong học tập của học sinh.

Tại sao mật ong để lâu bị đóng đường dưới đáy chai, lớp đường đó là gì?

Mật ong có chứa glucozơ, khi để lâu glucozơ kết tinh gây ra hiện tượng đóng đường dưới đáy chai. Loại mật ong như vậy là mật ong nguyên chất không pha thêm đường.

Với câu hỏi này, cô Phượng dùng để đặt câu hỏi cho học sinh trong phần ứng dụng của bài Glucozơ (tiết 6,7- Hóa học 12 chương trình chuẩn và tiết 7,8- Hóa học 12 chương trình nâng cao).

Học sinh có một số cách giải thích khác nhau như: Do tạp chất trong mật ong; đường ăn (đường mía) lẫn trong mật ong bị kết tinh; glucozơ kết tinh.

Giáo viên nhận xét các ý kiến và giải thích chính xác. Học sinh có câu trả lời đầy đủ, giải đáp được những băn khoăn khi dùng mật ong, hiểu được giá trị dinh dưỡng của mật ong.

Tại sao có thể dùng giấm (hoặc quả chua) để khử mùi tanh của cá?

Mùi tanh của cá gây ra do các hợp chất amin (có tính bazơ) có trong cá, đặc biệt là lớp màng đen bám bên trong bụng cá.

Để khử mùi tanh này, ta dùng giấm, mẻ hoặc các quả có vị chua như khế, chanh...có tính axit sẽ trung hoà amin tạo ra muối amoni.

Cô Phương áp dung kiến thức này cho bài học “Amin”. Khi kết thúc phần tính bazơ của amin, giáo viên yêu cầu học sinh trả lời câu hỏi 3 để giải quyết vấn đề đã đặt ra. Học sinh vừa nắm vững bài học, vừa có thêm kiến thức bổ ích trong cuộc sống.

Vì sao thêm muối quá sớm thì đậu không nhừ?

Trong đậu nành khô nước rất ít. Do đó có thể coi nó như một dung dịch đặc, lớp vỏ là một màng bán thấm. Khi nấu nước bên ngoài sẽ thấm vào trong đậu, làm đậu nở to ra, sau một thời gian các tế bào trong đậu bị phá vỡ làm cho đậu mềm.

Nếu khi nấu ta cho muối quá sớm thì nước ở bên ngoài sẽ không đi vào trong đậu, thậm chí nước trong đậu sẽ thẩm thấu ra ngoài do nồng độ muối trong nước lớn hơn nhiều so với nồng độ muối trong đậu nếu cho quá nhiều.

Vì vậy, khi nấu cháo đậu không nên cho đường, muối quá sớm hoặc nấu thịt bò, thịt lợn không nên cho muối quá sớm, gây khó khăn cho sự thẩm thấu nước vào đậu, thịt và bị đông tụ cứng lại không có lợi cho tiêu hoá thức ăn.

Khi làm đậu phụ người ta phải thêm nước chua vào nước đậu phụ để làm gì?

Hạt đậu có chứa hàm lượng protein thực vật đáng kể, lượng protein này tan trong nước thành nước đậu dưới dạng dung dịch keo. Người ta phải cho nước chua vào để làm đông tụ protein (protein ở dạng rắn), sau đó ép lại thành miếng đậu theo nhu cầu sử dụng.

Tại sao sữa tươi để lâu trong không khí bị vón lại?

Là do một số chất trong sữa lên men tạo môi trường axit gây nên sự đông tụ protein, trường hợp này thì sữa đã bị nhiễm khuần nên không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giáo viên dùng những kiến thức trên để vào bài: Peptit và protein (tiết 16, 17 - Hóa học 12 chương trình chuẩn và tiết 21, 22- Hóa học 12 chương trình nâng cao).

Sau khi học xong phần tính chất vật lý của bài, học sinh đã có thể trả lời câu hỏi giáo viên đưa ra. Đồng thời, còn giảI thích được những hiện tượng khác có liên quan đến sự đông tụ protein.

Hai trong ba câu hỏi còn lại dùng để đặt câu hỏi trong phần củng cố kiến thức hoặc bài tập về nhà.

Khi bị ngộ độc bởi chì trong thức ăn, người ta khuyên nên uống ngay nhiều sữa?

Để protein trong sữa kết hợp với muối chì gây nên sự đông tụ protein bất thuận nghịch, cơ thể khó hấp thu sẽ hạn chế tính độc của chì.

Áp dụng: Ngộ độc chì có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. Việc đưa ra một cách đơn giản để giải độc chì là một kinh nghiệm thực tế cần thiết cho mọi người.

Học sinh biết vận dụng bài học của mình để sơ cứu khi cần thiết là điều rất có ý nghĩa. Vì vậy, tôi đã đưa câu hỏi 7 vào nội dung bài học: peptit và protein.

Tại sao khi nấu thịt, cá cùng với rau, quả có vị chua thì nhanh nhừ hơn?

Trong môi trường axit là các rau, quả có vị chua sẽ xúc tác cho sự thuỷ phân protein tạo thành aminoaxit và những protein đơn giản hơn, nên thịt cá nhanh nhừ hơn.

Áp dụng: Việc đặt vấn đề bằng những câu hỏi thực tiễn gần gũi với học sinh sẽ đưa học sinh vào tình huống có vấn đề. Việc giải quyết vấn đề giúp học sinh hiểu sâu sắc bài học hơn.

Câu hỏi này được đặt ra khi bắt đầu phần tính chất hoá học của protein (tiết 16, 17- Hóa học 12 chương trình chuẩn và tiết 21, 22- Hóa học 12 chương trình nâng cao).

Từ khái niệm ptotein và tính chất hoá học của peptit (đã học), học sinh sẽ tìm cách trả lời câu hỏi trên. Từ đó, mà nâng cao kỹ năng phân tích và tư duy của học sinh.

Phân biệt các chất liệu vải như thế nào?

Căn cứ vào bản chất của có chất liệu làm nên vải ta có thể nhận biết cách đơn giản sau:

Nếu vải làm bằng sợi bông: Khi đốt sợi vải cháy nhanh, ngọn lửa màu vàng, có mùi như đốt giấy và tro có màu xám đậm.

Nếu vải làm bằng sợi tơ tằm: Khi đốt sợi vải cháy chậm hơn vải sợi bông, có mùi khét như đốt tóc, sợi tơ co cục, màu nâu đen, lấy tay bóp thì tan.

Nếu vải làm bằng lông cừu( len lông cừu): Khi đốt bắt cháy không nhanh, bốc khói, có mùi khét như đốt tóc và tạo thành những bọt phồng, rồi vón cục có màu đen hơi óng ánh, giòn, bóp tan ngay.

Nếu vải làm bằng sợi visco: Khi đốt sợi vải cháy nhanh, ngọn lửa màu vàng, có mùi như đốt giấy và tro có màu xám nhưng rất ít.

Nếu vải làm bằng sợi axetat: Khi đốt sợi vải bắt cháy chậm ,thành giọt dẻo màu nâu đậm, có hoa lửa, không bốc cháy thành ngọn lửa, sau đó kết thành cục màu đen, dễ bóp nát.

Nếu vải làm bằng sợi poliamit(nilon): Khi đốt sợi vải không cháy ngọn lửa mà co vón lại và cháy thành từng giọt dẻo màu trắng, khi nguội thì biến thành cục cứng có màu nâu nhạt, bóp khó nát.

Áp dụng nội dung này, cô Phượng đặt ra cho học sinh dưới dạng yêu cầu về nhà (tiết 21- Hóa học 12 chương trình chuẩn và tiết 28- Hóa học 12 chương trình nâng cao).

Từng nhóm học sinh tìm hiểu một số loại vải và thực hành ở nhà, giờ học sau sẽ trình bày kết quả. Thực tế là học sinh rất tích cực tìm hiểu để đưa ra kết quả thực hành.

Giáo viên hoàn chỉnh câu trả lời. Học sinh có thêm những kinh nghiệm bổ ích trong việc lựa chọn vải.

Một trong những chất liệu làm nên vẻ đẹp kì ảo của tranh sơn mài đó là những mảnh màu vàng lấp lánh cực mỏng. Những mảnh màu vàng lấp lánh cực mỏng đó được làm từ nguyên liệu gì vậy?

Tại sao những đồ dùng bằng bạc lâu ngày bị xỉn màu, mất đi ánh bạc lấp lánh? Muốn làm sạch bề mặt này người ta thường làm gì?

Bạc đã phản ứng với hiđrosunfua trong không khí tạo ra bạc sunfua màu đen. Để loại bỏ lớp bạc sunfua này, người ta cho vật đó vào một chảo nhôm chứa dung dịch muối và được đun đến gần sôi sẽ xảy ra phản ứng:

Áp dụng: Trong bài tính chất của kim loại, ngoài những yêu cầu chung cần nắm được, cô Phượng đặt ra yêu cầu cho học sinh cần giải thích được một số những ứng dụng của kim loại, hợp kim như câu hỏi 10, 11, 12.

Vì vậy, những câu hỏi này, cô Phượng đặt ra sau khi học xong tính chất có liên quan đến những nguyên tố kim loại này để củng cố kiến thức. Đồng thời, dùng để làm rõ ứng dụng của vàng (Au), bạc (Ag) ở bài: Sơ lược về kim loại (tiết 70- HH 12 chương trình nâng cao).

"Cần đưa các bài tập thực tiễn vào các sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo với số lượng nhiều hơn và có nội dung phong phú.

Cần đưa thêm hình ảnh minh họa các ứng dụng hoá học, mô hình phân tử, các quá trình sản xuất hoá học…vào bài giảng, bài tập nhằm tăng thêm hứng thú học tập cho học sinh.

Đồng thời, tăng cường số lượng và chất lượng các bài tập thực tiễn trong kiểm tra đánh giá" - Cô Lê Thị Phượng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ