“Mẹo” làm bài thi môn Hóa học

“Mỗi bài, mỗi chương không cần học thuộc, chỉ cần liệt kê, hiểu bản chất của các khái niệm và áp dụng vào bài tập”. Bí quyết này được Lê Minh Thông - Thủ khoa ĐH Ngoại thương áp dụng triệt để khi làm bài thi môn hóa học.

Lê Minh Thông -(trái) - Thủ khoa Đại học Ngoại thương
Lê Minh Thông -(trái) - Thủ khoa Đại học Ngoại thương

Trao đổi về cách làm để đạt điểm cao môn Hóa học, Lê Minh Thông - Thủ khoa ĐH Ngoại thương nói:

“Đối với môn Hóa, thí sinh cần vận dụng linh hoạt các kiến thức và kỹ năng vào câu hỏi cụ thể. Các kiến thức đó có thể là tính chất hóa học, cấu trúc, phương trình hóa học, thứ tự các chất tham gia phản ứng trong một thí nghiệm... để phán đoán nhanh kết quả".

Theo Thông, khi ôn tập, thí sinh cần xây dựng một sơ đồ tư duy, cố gắng đọc đi đọc lại, làm các bài tập tính toán cho nhuần nhuyễn. Về phần hóa hữu cơ, quan trọng nhất là các tính chất nên cần học các chuỗi phản ứng để nhớ được tính chất.

Cần nắm vững cách gọi tên của từng loại chất nói chung và tên riêng của chất thường được sử dụng. Áp dụng công thức tổng quát từng nhóm loại hợp chất phù hợp với yêu cầu của đề thi. Khi hiểu và thuộc được các tính chất, việc giải các bài tập sẽ dễ dàng hơn.

Về phần vô cơ, thí sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa như phương pháp cân bằng electron, các phản ứng oxy hóa - khử, phản ứng được viết dưới dạng ion. “Kiến thức này rất quan trọng khi làm các bài tập lý thuyết.

Với những câu hỏi dài, nhiều đáp án, thí sinh cần bình tĩnh đọc một lần và xâu chuỗi các dữ kiện ra nháp rồi mới giải”, Thông chia sẻ.

Đối với những câu về thể tích, thí sinh nên lưu tâm việc có sự thay đổi thể tích khi trộn các dung dịch vào nhau. Có rất nhiều trường hợp, thí sinh không cộng thể tích nên dẫn tới sai kết quả dù câu hỏi rất dễ.

Trong các phản ứng, thí sinh cần nhớ các tính chất của kim loại chuyển tiếp, tính lưỡng tính của một số kim loại, và tính chất tạo phức với NH3 của một số chất để làm các bài tập đỡ bị nhầm hoặc thiếu sẽ dẫn đến kết quả sai.

Thông cũng cho biết, đối với các bài toán, người học cần cố gắng sử dụng các phương pháp tính nhanh: bảo toàn khối lượng, bảo toàn nguyên tố, bảo toàn electron, đại lượng trung bình, xác định đồng đẳng dựa trên đánh giá lượng CO2 và lượng H2O, phương trình ion… để tìm ra kết quả. Tránh sa vào những biểu thức toán học phức tạp, đồng thời tiết kiệm thời gian.

“Với những thí sinh nắm vững kiến thức, tôi chỉ khuyên các bạn một điều là hãy đọc kĩ đề bài trước khi làm. Rất nhiều năm, đề thi "đánh lừa" thí sinh, nhiều bạn không để ý và chọn thiếu các câu trả lời”, Thông nhấn mạnh. 

Với những thí sinh chưa thực sự vững kiến thức, trước khi đi thi phải đặt ra mục tiêu hoàn thành các phần mình đã vững và “nhặt” được điểm các phần đó. Tự tin cũng giúp bạn nghĩ ra cách hay chọn đáp án chuẩn hơn.

Các đề thi trắc nghiệm môn Hóa thường có đặc điểm: Khoảng 5 -10 câu đầu sẽ là câu dễ nhất hoặc khó nhất. Vì vậy, thí sinh hãy đọc qua đề trước khi làm để biết được câu dễ làm trước. Khi đó sẽ tránh được tình trạng thí sinh gặp những câu khó sẽ lan man, mất nhiều thời gian để giải các câu còn lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.