Giải nhanh, "thắng” điểm bài trắc nghiệm Hóa học

GD&TĐ - Kinh nghiệm giải nhanh các bài tập Hóa học vô cùng hữu ích đối với học sinh, đặc biệt khi môn Hóa chuyển đổi hình thức thi sang trắc nghiệm.

Giải nhanh, "thắng” điểm bài trắc nghiệm Hóa học

Với cách thi trắc nghiệm, đòi hỏi trong một thời gian ngắn học sinh phải giải nhiều bài tập với nhiều dạng khác nhau huy động nhiều đơn vị kiến thức cả về chiều rộng và bề sâu cũng như các kĩ năng giải toán.

Chính vì vậy giáo viên cần phải trang bị cho học sinh về mặt kiến thức cũng như phương pháp và kĩ thuật giải nhanh các bài toán trắc nghiệm hoá học.

Từ thực tiễn giảng dạy, theo cô Chu Thị Minh - Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội), với môn Hóa học, đặc biệt đối với bài tập về sắt và các hợp chất của sắt, học sinh khi làm bài thường hay mắc nhiều lỗi sai về cả kiến thức và phương pháp. “Từ thực trạng trên và qua quá trình học chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên, qua học hỏi đồng nghiệp và qua quá trình tự học, tự bồi dưỡng tôi đã sử dụng một số phương pháp giải nhanh bài tập Hóa học trắc nghiệm.

Mặt khác các bài tập ở chương sắt có nhiều dạng bài, kiến thức phong phú vì vậy trong quá trình giảng dạy tôi thường phân loại các dạng bài tập và trên cơ sở đó lựa chọn các phương pháp phù hợp để giúp đỡ học sinh giải nhanh các bài tập trắc nghiệm” - cô Minh cho biết.

Việc đầu tiên, theo cô Minh, cần yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức lý thuyết về các phản ứng hoá học, về tính chất của các chất ứng với từng nội dung trong các bài học.

Đồng thời, nắm vững phương pháp tính theo công thức hoá học và phương trình hoá học - là phương pháp cơ bản nhất và quan trọng nhất trong việc hình thành kỹ năng giải toán hoá học của học sinh.

Tiếp đó, trang bị cho học sinh một hệ thống nội dung các phương pháp giải nhanh, các thí dụ minh hoạ và các thí dụ áp dụng.

Có thể kể đến các phương pháp như: Phương pháp bảo toàn nguyên tố, phương pháp bảo toàn khối lượng và phương pháp bảo toàn electron.

Với phương pháp bảo toàn nguyên tố, cô Minh lưu ý, có thể áp dụng khi giải toán Hoá học vô cơ và hữu cơ. Điểm mấu chốt của phương pháp là phải xác định đúng thành phần nguyên tố trước và sau phản ứng hoá học.

Phương pháp bảo toàn khối lượng cũng có thể áp dụng khi giải toán Hoá học vô cơ, toán Hoá học hữu cơ. Điểm lưu ý là cần tìm ra mối tương quan giữa các hệ số tỉ lượng trong phương trình Hoá học.

Với phương pháp bảo toàn electron, áp dụng khi giải các bài toán Hoá học vô cơ về phản ứng oxi hoá - khử.

Học sinh cần nắm vững tính chất của các chất, kiến thức về phản ứng oxi hoá - khử để từ đó xác định được chất oxi hoá và chất khử: Dựa vào số oxi hoá của nguyên tố ở trạng thái đầu và trạng thái cuối cùng mà không cần quan tâm tới các số oxi hoá trung gian theo nguyên tắc:

Chất khử: Số oxi hoá của nguyên tố tăng; chất oxi hoá: Số oxi hoá của nguyên tố giảm.

Viết được công thức của các sản phẩm oxi hoá, sản phẩm khử để viết được các quá trình oxi hoá, quá trình khử. Từ đó viết được các biểu thức tổng số mol electron nhường, tổng số mol electron nhận.

Cô Minh cho biết, sau khi học sinh đã nắm vững nội dung và cơ sở các phương pháp giải nhanh, biết vận dụng linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể, nên yêu cầu học sinh rèn luyện thêm qua một số bài tập luyện tập.

Các phương pháp giải nhanh áp dụng cho bài tập chương sắt trên được áp dụng trong các giờ luyện tập, giờ tự chọn, trong các câu hỏi nhanh, giải bài tập nhanh để học sinh coi trọng yếu tố thời gian và hướng tổng hợp hóa vấn đề có thể giải quyết được một số dạng bài tập tính trắc nghiệm theo hướng sơ đồ hóa vấn đề.

Để giải quyết được cách làm nhanh bài tập, theo cô Minh, học sinh cần nắm vững lý thuyết một cách hệ thống, vận dụng nhanh các số liệu liên quan bài tập.

“Các lớp tôi tham gia giảng dạy đều được làm áp dụng các cách giải này tùy theo đối tượng lớp, chương trình mà các em có thể được tiếp thu một số phương pháp phù hợp và học sinh tích cực hơn trong việc tiếp thu và làm nhanh bài tập.

Thực tế cho thấy, với cách làm như trên phần nào đã làm cho học sinh nắm vững kiến thức Hoá học, có kỹ năng nhanh nhạy khi giải toán Hoá học, rút ngắn được thời gian làm bài. Đó là điều rất quan trọng khi làm bài tập trắc nghiệm khách quan.

Tuy nhiên, khi vận dụng làm một bài bài tập Hóa học, học sinh cần phải vận dụng linh hoạt các phương pháp giải nhanh vì có những bài tập khó đòi hỏi phải vận dụng tất cả các phương pháp” - cô Chu Thị Minh cho hay.

Để thực hiện thành công phương pháp nói riêng cũng như giúp tăng chất lượng dạy học môn Hóa học nói chung, cô Minh cho rằng, nhà trường cần tổ chức nhiều chuyên đề có chất lượng, có giờ dạy minh hoạ hoặc bằng băng đĩa hình.

Đồng thời, tổ chức các buổi ngoại khoá để các em học sinh trao đổi về cách học tập của mình, phổ biến cách học của mình cho các bạn khác tham khảo.

Riêng sách tham khảo, nên lưu hành những sách giải các bài tập tương tự để học sinh mua và tham khảo, không nên lưu hành sách giải sẵn bài tập Hoá học ở các khối lớp vì học sinh sẽ ỉ lại, không chịu suy nghĩ và khám phá.

Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị thí nghiệm hoá chất, đồ dùng dạy học cho giáo viên và học sinh cũng vô cùng quan trọng. Trong đó, yêu cầu đồ dùng, thiết bị, hoá chất có chất lượng cao, tránh tình trạng dụng cụ không đồng bộ, hóa chất ngay từ khi mua về đã không đảm bảo chất lượng vì vậy các hiện tượng học sinh quan sát được không chuẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ