Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đặt mục tiêu phấn đấu cuối năm 2021 sẽ có miễn dịch cộng đồng.
Ngay sau đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm giải bài toán về kinh phí và nguồn vắc-xin. Cho dù có rất nhiều khó khăn, nhưng thời điểm đó, một tín hiệu tích cực được Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu ra với các thỏa thuận đã đạt được, mục tiêu nhập khẩu 150 triệu liều vắc-xin trong năm 2021 là rất khả thi.
Đến nay, mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022 đang dần trở thành hiện thực khi nước ta chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 cho 70 triệu dân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, điểm khác biệt của chiến dịch này là tiến hành sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng tiêm. Nếu không bảo đảm yêu cầu về sức khỏe sẽ được các điểm tiêm trì hoãn tiêm.
Ngoài ra, các cơ sở tiêm chủng phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm nhằm bảo đảm an toàn tối đa… Bộ y tế cũng đã lập Ban chỉ đạo an toàn tiêm chủng để sẵn sàng trợ giúp các địa phương bởi dù triển khai tiêm đồng loạt nhưng an toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Có thể thấy, nỗ lực rất lớn của không riêng Bộ Y tế mà của cả hệ thống chính trị. Bởi yêu cầu, mục tiêu có miễn dịch cộng đồng là phù hợp với bối cảnh hiện nay - khi chưa có bất kỳ cơ quan, tổ chức nào có thể đưa ra thời điểm dịch chấm dứt.
Hơn nữa, nước ta cũng đã xác định “chung sống an toàn với dịch bệnh”, cho nên việc chuẩn bị các điều kiện cả trước mắt cũng như lâu dài để ứng phó hiệu quả là hết sức cần thiết nhằm thực hiện “mục tiêu kép” cũng như “Chiến lược vắc-xin” đã được Chính phủ lựa chọn.
Nước ta luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao bởi các biện pháp ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, sự chủ động hợp tác, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, khuyến cáo của ngành y tế của người dân. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, ngay cả khi phần lớn dân số đã được tiêm vắc-xin thì cũng tuyệt đối không chủ quan.
Như ý kiến của Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai thì cách tiếp cận 5K + vắc-xin, coi vắc-xin là công cụ quan trọng giúp kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam là đúng đắn nhưng không thể dựa hoàn toàn vào vắc-xin mà cần kết hợp chặt chẽ với các biện pháp phòng chống dịch khác.
Thực tế, tình hình dịch bệnh được cải thiện do các yếu tố như chu kỳ lây nhiễm của virus, cách ứng xử của các nước, miễn dịch trong cộng đồng và tiêm vắc-xin, trong đó yếu tố ứng xử của các nước rất quan trọng, nhất là khi xuất hiện nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn.
Bởi vậy, sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt biện pháp 5K, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.