Covid - 19: Khi nào Việt Nam miễn dịch cộng đồng?

GD&TĐ - Theo bác sĩ Phan Xuân Trung - Trung tâm Y khoa MEDiC (TPHCM), hầu hết người đã bị nhiễm không cần can thiệp y tế vẫn chuyển âm tính sau một thời gian cách ly. Những người này xem như đã được chủng ngừa.

Hơn 24.000 người đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.
Hơn 24.000 người đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Biện pháp phòng dịch bên cạnh vắc-xin

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, vắc-xin ngừa Covid-19 có vai trò đào tạo hệ thống miễn dịch cơ thể. Qua đó, phát hiện các kháng nguyên trên bề mặt của virus SARS-CoV-2. Đặc biệt, vắc-xin nhằm vào mục tiêu là protein bề mặt, làm tăng đột biến. Kết quả là, vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ ngăn chặn được sự tiến hóa của virus. 

Hiệu quả của các loại vắc-xin ngừa Covid-19 trên thế giới hiện có tỷ lệ phòng bệnh thấp nhất đạt khoảng 60%, như vắc-xin của hãng Johnson&Johnson. Trong khi đó, vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca có hiệu quả phòng bệnh là 81%.

"Khi có một tỷ lệ cao người được tiêm phòng trong quần thể dân cư thì sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng và góp phần ngăn chặn được đại dịch”, chuyên gia lý giải.

PGS Nga cho biết, miễn dịch cộng đồng được hình thành khi hầu hết dân số miễn dịch với một bệnh truyền nhiễm. Đối với nhiều bệnh truyền nhiễm, miễn dịch cộng đồng xuất hiện khi có trên 80 - 90% dân số được bảo vệ do đã bị nhiễm bệnh hoặc tiêm vắc-xin.

“Các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 đang khiến đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu. Cách tốt nhất hiện nay để ngăn chặn các biến thể mới nguy hiểm phát triển là sớm có nhiều người được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định.

Trước đó, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế từng dẫn chứng, những nước đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên diện rộng như Israel vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp khử khuẩn và giữ khoảng cách...

Đồng thời, PGS Phu nhấn mạnh, virus SARS-CoV-2 lây qua giọt bắn. Do đó, đây vẫn là các biện pháp phòng dịch hữu hiệu. Bởi, người dân cần hiểu rõ, vắc-xin khi tiêm vào sẽ không tạo miễn dịch ngay. Đặc biệt, cần phòng ngừa biến chủng virus để hướng tới miễn dịch cộng đồng với 70% dân số.

Trong khi đó, bác sĩ Phan Xuân Trung - Trung tâm Y khoa MEDIC (TPHCM) dẫn chứng, tỷ lệ người tử vong do Covid-19 ở Mỹ là 3,7%. Tỷ lệ chung trên toàn thế giới là 2%. Tử suất Covid-19 ở Việt Nam là 0,7%. Mặt khác, tử suất thô cho tất cả các bệnh, tai nạn... trên thế giới là 8%.

“Cách chống dịch hiệu quả nhất là làm cho toàn dân được miễn dịch, bởi vì ta không thể làm cho virus tuyệt chủng. Ta phải đối diện với nó một cách hòa bình”, bác sĩ Trung nhận định. 

Cũng theo chuyên gia này, không thể quá căng thẳng mỗi khi phát hiện trường hợp F0 mới, cùng hàng loạt “giải pháp” cách ly, nghỉ học, đóng cửa...

“Hầu hết người đã bị nhiễm không cần can thiệp y tế vẫn chuyển âm tính sau một thời gian cách ly. Những người này xem như đã được chủng ngừa”, bác sĩ Trung cho hay.

Nơi virus lây nhiễm yếu?

Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng, virus SARS-CoV-2 có thể lây lan mạnh và gây thảm họa ở một số vùng ôn đới cũng như hàn đới. Tuy nhiên, virus này có thể lây nhiễm yếu ở vùng nhiệt đới.

“Sau vài vụ dịch ở Việt Nam, dễ thấy Covid-19 không tạo thành chuỗi lây dài, mà bị đứt khúc sau một hai chặng. Các trường hợp lây xảy ra ở nơi tiếp xúc rất gần như nhân viên bếp ăn Bệnh viện Bạch Mai (nhiều người sống chung nhà trọ), quán bar Buddha (đông người, lạnh và kín), Bệnh viện Đà Nẵng (không gian kín), phu bốc xếp sân bay Tân Sơn Nhất (khu vực làm việc hẹp)”, bác sĩ Trung dẫn chứng.

Đặc biệt, công nhân ở Hải Dương bị trộn lẫn ngay từ đầu với mật độ cao trong không gian hẹp, khiến nơi này trở thành môi trường siêu lây. Theo chuyên gia này, không ít trường hợp chùm lây nhiễm xuất hiện. Tuy nhiên, các ca bệnh hầu như không triệu chứng và không gây tử vong.  

“Qua đó, Việt Nam không phải là môi trường hoạt động cho Covid-19”, bác sĩ Phan Xuân Trung phán đoán.

Ngày 18/3, theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, có thêm 3.359 người được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 vào ngày 17/3. Như vậy, có tổng cộng 24.054 người đã được tiêm phòng vắc-xin Covid-19. 
Cụ thể, từ ngày 8 - 17/ 3, có 12.068 người tại tỉnh Hải Dương được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Con số này ở thành phố Hà Nội là 3.768 người, tỉnh Hưng Yên là 2.492 người. Trong khi đó, ở tỉnh Bắc Ninh là 1.332 người, tỉnh Bắc Giang là 2.281 người, thành phố Hải Phòng là 205 người.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có 884 người được tiêm vắc-xin. Ngoài ra, số người được tiêm chủng ở những khu vực khác là: Tỉnh Gia Lai: 200 người; tỉnh Long An: 204 người; thành phố Đà Nẵng: 117 người; tỉnh Hòa Bình: 152 người; tỉnh Khánh Hòa: 105 người.
Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2 (Hải Phòng), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Dã chiến Gia Lai, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới
TP Hồ Chí Minh đã kết thúc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trong đợt này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Bắc Cường (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) tích cực ứng dụng công nghệ và phần mềm học tập trực tuyến để đổi mới các tiết dạy. Ảnh minh họa: INT

Giáo dục trong Kỷ nguyên mới

GD&TĐ - Đường lối chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của Đảng đối với ngành Giáo dục là luôn đề cao, ưu tiên các chính sách để phát triển giáo dục...