Trước đó Thụy Điển từng gây tranh cãi khi không giãn cách xã hội để bệnh dịch tự lây lan đến mức đạt miễn dịch cộng đồng nhưng đã thất bại với chiến thuật tự nhiên này.
Hôm 24/5, tỷ lệ dân số trưởng thành được tiêm ít nhất một liều vắc-xin ngừa Covid-19 tại Malta chạm mốc 70%, giúp quốc gia Địa Trung Hải với hơn 442.000 dân này miễn dịch cộng đồng với virus theo tuyên bố của Bộ Y tế nước này. Hiện trung bình mỗi ngày quốc đảo Nam Âu này chỉ ghi nhận 2 đến 3 ca nhiễm mới.
Chiến dịch tiêm chủng ở Malta sớm thành công nhờ dân số ít lại đa dạng hóa nguồn cung vắc-xin từ các hãng như Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson. Hiện hầu như toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội tại Malta đã được khôi phục như trước khi đại dịch xảy ra.
Vắc-xin cũng chính là “phép màu” hồi sinh nước Mỹ từ một ổ dịch lớn nhất thế giới thành quốc gia tiến sát ngưỡng miễn dịch cộng đồng, thoát khỏi sự tấn công của virus một cách bền vững. Các hoạt động công cộng của người dân vốn bị đình trệ hồi năm ngoái đã được nối lại và dần trở lại bình thường.
Với tiềm lực nội tại về nghiên cứu và sản xuất vắc-xin, Mỹ đang chủ động được nhu cầu trong nước và nắm giữ thứ vũ khí cả thế giới thèm muốn. Đó là sản phẩm ngừa Covid-19 có hiệu quả hàng đầu hiện nay của 3 hãng nội địa Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson.
Trong khi đó, các hình mẫu phòng chống dịch của châu Á trước đây như Singapore hay đảo Đài Loan lại đang rơi vào tình trạng khủng hoảng do virus lây lan trở lại. Đây cũng là những nơi có tỷ lệ tiêm chủng còn cách xa mốc 70% dân số trưởng thành để có thể đạt miễn dịch cộng đồng.
Điều này càng chứng minh quan điểm của giới chuyên gia rằng cách duy nhất chặt đứt chuỗi lây lan Covid-19 là thông qua miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm chủng. Chiến thuật của Thụy Điển vừa qua cho thấy việc tìm kiếm miễn dịch cộng đồng một cách tự nhiên sẽ rất khó đạt hiệu quả trong bối cảnh virus liên tục biến chủng.
Tại khu vực Đông Nam Á, làn sóng dịch mới dữ dội chưa từng có cũng đang đẩy hệ thống y tế các nước đến mức thách thức, đe dọa đà phục hồi kinh tế trong khối.
Những biến chủng mới từ bên ngoài xâm nhập có tốc độ lây lan kinh hoàng đã nhấn chìm thêm các nước vốn bị đại dịch hoành hành như Indonesia, Philippines, Malaysia, đồng thời khiến các nước khác phải đối mặt với số ca mắc lớn chưa từng có như Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Bài học thực tế trên thế giới về giá trị của tiêm chủng đang khiến các chính phủ khu vực Đông Nam Á ráo riết tìm nguồn cung vắc-xin để phục vụ cho người dân, qua đó có thể chuyển từ thế phòng thủ sang tấn công đại dịch Covid-19 và hướng tới mục tiêu cao nhất là đạt miễn dịch cộng đồng.
Các hợp đồng mua vắc-xin số lượng lớn đang liên tục được các nước trong khu vực công bố trong những ngày qua.
Tuy nhiên, do không chủ động được nguồn cung vắc-xin như các nước Âu Mỹ và có phần chậm chạp trong việc đàm phán đặt mua sớm từ các công ty dược nước ngoài, nên khu vực Đông Nam Á cần phải mất một thời gian nữa mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng với Covid-19.
Theo một nghiên cứu mới công bố của tạp chí The Times, ít nhất phải đến cuối năm 2022 khu vực này mới đạt được cột mốc quan trọng nói trên.