Hiểm họa cháy nổ tại các cơ sở mầm non tư thục ở Thanh Hoá

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại Thanh Hóa đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong công tác PCCC.

Những cơ sở giáo dục mầm non tư thục thường được thuê từ một nhà dân nên cải tạo gặp khó khăn.
Những cơ sở giáo dục mầm non tư thục thường được thuê từ một nhà dân nên cải tạo gặp khó khăn.

Những căn nhà ống trở thành nơi dạy trẻ

Nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục là một trong số cơ sở có đặc điểm nguy hiểm cháy nổ cao và ở mức độ nghiêm trọng.

Đây là khu vực tập trung đông người và là nơi có nhiều trang thiết bị dễ cháy như: bếp ăn, nhà để xe, thiết bị phục vụ học tập (tivi, máy chiếu, máy vi tính...).

Đặc biệt, loại hình cơ sở này chủ yếu là trẻ nhỏ, chưa có kỹ năng PCCC, thoát nạn, tâm lý dễ hoảng loạn khi xảy ra sự cố...

Thế nhưng, phần lớn tại các cơ sở này, rất nhiều các điều kiện về PCCC chưa đủ như: Cầu thang bộ trong nhà chưa được đóng vào buồng thang, bản thang bộ trong nhà chưa đủ 1,35m, chưa có lối thoát nạn thứ 2…

Đa phần các chủ cơ sở đều thuê các nhà ống cao tầng để làm nơi nuôi dạy trẻ, do đó thiết kế cũng như thiết bị phòng cháy chữa cháy đều không đảm bảo theo quy định.

Việc hoạt động giáo dục trong những tòa nhà khép kín như thế tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn cháy nổ. Đặc biệt khi xảy ra sự cố, công tác cứu chữa sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ghi nhận tại Cơ sở giáo dục mầm non IPD-1 (phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa), hiện mỗi ngày có gần 100 trẻ được phụ huynh đưa đến gửi tại đây.

Cơ sở này có quy mô 6 tầng, phía trước là cửa sắt kết hợp kính đóng kín. Các tầng 2, 3, 4 dùng để dạy trẻ còn tầng 5 nấu ăn và tầng 6 sử dụng cho các hoạt động khác. Đáng nói, gần 100 trẻ chỉ có một lối thoát nạn duy nhất.

Tại Cơ sở Mầm non tư thục IQ Plus (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), mỗi ngày có 70 trẻ được gửi đến đây, có thời gian cao điểm lên đến hơn 100 trẻ.

Cơ sở được thuê lại từ nhà dân với kết cấu 5 tầng, tầng cuối dùng để nấu ăn, lối thoát hiểm duy nhất cũng chính là cửa ra vào. Được biết, nhóm Mầm non tư thục IQ Plus có 3 cơ sở và cả 3 đều chưa đủ điều kiện PCCC.

Hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non tư thục chỉ có một lối thoát nạn.

Hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non tư thục chỉ có một lối thoát nạn.

Bà Trịnh Hồng Nhung, chủ cơ sở Mầm non tư thục IQ Plus (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), cho biết: “Cơ sở mầm non tư thục của chúng tôi được thuê lại từ một nhà dân. Liên quan đến kết cấu hạ tầng của ngôi nhà cho nên phải có sự đồng ý và hỗ trợ của bên cho thuê thì mới can thiệp và sửa chữa được, đó là khó khăn chung của các cơ sở tư thục đang phải đi thuê địa điểm. Do kết cấu nhà không phải xây dựng từ đầu theo quy chuẩn cho nên khi khắc phục cầu thang có những khó khăn”.

Như trên chỉ là 2 trong số nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn TP Thanh Hóa không đảm bảo điều kiện PCCC và từng bị cơ quan chức năng yêu cầu ngừng hoạt động.

Kiên quyết xử lý các cơ sở không đủ điều kiện

Cuối năm 2022, Công an TP Thanh Hóa đã rà soát gần 50 cơ sở mầm non tư thục, trong đó có 17 cơ sở không đủ điều kiện về PCCC.

Sau cuộc tổng kiểm tra, rà soát này, 17 cơ sở đã bị yêu cầu tạm ngừng hoạt động.

Từ đó đến nay, chỉ duy nhất có 1 cơ sở khắc phục được các lỗi vi phạm PCCC, còn lại 16 cơ sở vẫn chưa thể khắc phục. Nguyên nhân chủ yếu là cơ sở đi thuê và chủ nhà không đồng ý cho cải tạo, sửa chữa.

Đa số các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đều mắc lỗi bản thang bộ trong nhà chưa đủ 1,35m.

Đa số các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đều mắc lỗi bản thang bộ trong nhà chưa đủ 1,35m.

Tuy nhiên, để hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong công tác bảo đảm an toàn PCCC, tháng 4/2023, Bộ Công an ban hành Công điện 220/CĐ-TTg.

Theo văn bản này, đối với các cơ sở còn tồn tại, vi phạm không thuộc diện phải tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động như nhóm trẻ mầm non tư thục, Công an TP Thanh Hóa đã hướng dẫn phương án, giải pháp và thống nhất thời gian khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC, hoàn thành trước tháng 9/2023.

Song song với việc cho hoạt động trở lại, cơ quan chức năng yêu cầu cơ sở có văn bản cam kết thời hạn hoàn thành và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ khi hoạt động trong suốt thời gian khắc phục.

Theo Thượng tá Đỗ Mạnh Dũng, Phó Trưởng Công an TP Thanh Hóa, Công an thành phố sẽ xin ý kiến Giám đốc Công an tỉnh về vấn đề này. Quan điểm của Công an thành phố là sẽ quyết liệt cho dừng các cơ sở nào không đủ điều kiện về công tác PCCC.

“Trong thời gian tới, sau khi đã kiểm tra đôn đốc và hướng dẫn, Công an thành phố Thanh Hóa sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá một lần nữa. Từ khi cho khắc phục đến nay, các cơ sở đã khắc phục như thế nào, kiên quyết xử lý dứt điểm các cơ sở cố tình không đủ điều kiện PCCC”, Thượng tá Đỗ Mạnh Dũng cho biết thêm.

Trung tá Phạm Việt Giang, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an TP Thanh Hóa, cho biết, các cơ sở này có nguy cơ cháy cao bởi ở nhà ống, không đủ lối thoát nạn. Mặt khác, các cơ sở cũng tập trung nhiều chăn ga gối đệm, đồ chơi. Đây là những chất khi xảy ra cháy sẽ sản sinh ra khí CO rất độc hại. Mặt khác, trẻ nhỏ chưa hình thành đủ kỹ năng, cán bộ giáo viên còn thiếu kiến thức về PCCC nên nếu xảy ra sự cố thì khó khăn trong việc cứu nạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống Buk-M3 xuất hiện tại chiến trường Ukraine.

Vũ khí chuyên săn lùng ATACMS, Storm Shadows

GD&TĐ - Theo kênh Tvzvezda, phiên bản mô-đun của tổ hợp đánh chặn Buk-M3 ra đời chuyên để săn lùng vũ khí phương Tây, trong đó có tên lửa ATACMS, Storm Shadows.
Vì sao Nga đang chiếm ưu thế ở Ukraine?

Vì sao Nga đang chiếm ưu thế ở Ukraine?

GD&TĐ - Những thành công mà quân đội Nga giành được là nhờ ba yếu tố, xuất phát từ cả những điểm mạnh của Nga và những yếu tố liên quan đến hạn chế của Ukraine.
Minh họa/INT

Nghĩa cử đẹp

GD&TĐ - Từ một nghĩa cử tự phát, đến nay, việc vận chuyển nước sinh hoạt miễn phí cho người dân vùng hạn mặn đã thành phong trào ở các tỉnh phía Nam.