Vừa làm vừa ngóng
Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT TPHCM, việc tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp thực hiện theo giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 13 - 25/12 thí điểm dạy học trực tiếp 2 tuần đối với tất cả học sinh lớp 1, lớp 9, lớp 12. Từ tuần thứ 2 là trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Từ ngày 27/12, Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm 2 tuần dạy trực tiếp và tham mưu UBND TPHCM xem xét và quyết định mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức học trực tiếp toàn thành phố từ ngày 3/1/2022.
Chuẩn bị cho kế hoạch mở cửa trường học trở lại, trường mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ độc lập lên kế hoạch sửa chữa cơ sở vật chất, tuyển giáo viên. Bà Hồng Hạnh - chủ cơ sở Lớp mẫu giáo Sao Biển (Quận 12, TPHCM) - cho biết: Cơ sở thành lập tháng 8/2019 với quy mô 45 trẻ, 7 giáo viên và 2 nhân viên.
“Thời gian qua, cơ sở vẫn duy trì kết nối với giáo viên, phụ huynh, học sinh theo khả năng và tình hình thực tế. Hằng tháng, chúng tôi hỗ trợ một ít chi phí cho giáo viên để triển khai một số hoạt động phát sinh trong dịch. Mặt khác, giáo viên hằng tuần đều liên lạc với phụ huynh và học sinh qua hoạt động Zoom online để trò chuyện với trẻ, có các tiết học phù hợp…”, bà Hồng Hạnh chia sẻ đồng thời thông tin: Chuẩn bị mở cửa, trường sẽ tuyển người cho một số vị trí.
Chia sẻ vấn đề tuyển nhân sự, cô Trần Thị Hưng Bình – Hiệu trưởng Trường Mầm non quốc tế Thành phố Tuổi thơ (Quận 3, TPHCM) - cho rằng: Trường mầm non tư thục quy mô lớn không quá lo lắng vì hầu như giáo viên đều sẵn sàng quay lại khi trường học mở cửa. Còn đối với các trường mầm tư thục nhỏ việc tuyển giáo viên khó hơn vì sau 7 tháng nghỉ dịch có thể các cô đã tìm được công việc mới. Chế độ đãi ngộ trường quy mô nhỏ cũng không tốt bằng trường đông học sinh, đặc biệt sau thời gian nghỉ dịch kéo dài, tài chính gần như kiệt quệ.
“Điều này gây khó khăn cho việc mở cửa trở lại. Do đó, kế hoạch mở của từng khối lớp là điều kiện tốt cho các chủ trường tìm giáo viên mầm non theo nhu cầu”, cô Trần Thị Hưng Bình chia sẻ.
Theo số liệu thống kê, năm học 2021 - 2022, TPHCM có 920 trường mầm non ngoài công lập với 16.260 giáo viên cùng 183.458 trẻ. Trong đó, có khoảng 151 cơ sở giáo dục mầm non tư thục giải thể do tác động của dịch Covid-19. Một số giáo viên mầm non tư thục vì thế tìm việc khác để có thu nhập, trang trải cuộc sống. Chị Minh Hương - giáo viên trường mầm non tư thục hiện đang bán hàng online tâm sự: “Nghe thông tin TP có kế hoạch mở cửa trường học trở lại tôi rất vui. Hy vọng chúng tôi sẽ được trở lại công việc yêu thích của mình và gắn bó lâu dài với các cháu”.
Khó tuyển giáo viên
Bà Lê Phạm Hồng Điệp – Giám đốc điều hành Trường Mầm non Nốt nhạc xanh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) - cho biết: Hiện vẫn chưa biết thời điểm cụ thể trẻ mầm non được đến trường nên nhà trường chưa tiến hành công tác dọn dẹp vệ sinh trường lớp. Từ sau khai giảng đến nay, nhà trường không dưới 3 lần tập trung giáo viên dọn dẹp vệ sinh, làm đồ dùng dạy học, khử khuẩn khu vực nhà bếp, vệ sinh đường ống nước… Kinh phí của mỗi lần cũng không nhỏ nhưng rồi vẫn chưa thể mở trường lại được. Chưa kể là cứ mỗi lần tổng dọn vệ sinh, giáo viên sẽ có tâm lý trông ngóng ngày được đi dạy trở lại.
Một số giáo viên ngoại tỉnh của Trường Mầm non Nốt nhạc xanh đã thông báo với chủ trường không trở lại tiếp tục công việc. “Những giáo viên này khi về quê đã tìm được công việc đúng chuyên môn. Do có công việc mới ổn định hơn nên họ xác định không quay trở lại” – bà Điệp cho biết. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm mở trường hoạt động lại sau dịch của những lần trước, số trẻ đến trường trong thời gian đầu sẽ không đạt 100% nên nhà trường vẫn chưa tính đến phương án tuyển dụng thêm giáo viên.
Trong khi đó, Trường Mầm non Ngôi sao xanh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã lên kế hoạch, sẵn sàng cho việc đón trẻ trở lại trường. Theo cô Đỗ Thị An Khuê – Hiệu trưởng nhà trường, trường đã liên lạc với toàn bộ giáo viên để khởi động lại các hoạt động dọn vệ sinh trường lớp, chuẩn bị đồ dùng dạy học… giáo viên sẽ tập trung làm việc tại trường trước 1 tuần so với kế hoạch đón trẻ đến trường học trực tiếp. Với những giáo viên ngoại tỉnh, các cô có nguyện vọng nhờ nhà trường hỗ trợ chỗ ở trong giai đoạn đầu. Nếu việc dạy học trực tiếp ổn định, các cô mới tính đến phương án tìm chỗ trọ để ở lâu dài. Chính vì vậy, việc hỗ trợ giáo viên trong thời gian đầu quay trở lại công việc cũng được nhà trường tính đến.
Cô Nguyễn Thị Thảo, chủ nhóm lớp độc lập tư thục Hoa Sen (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chưa tính đến phương án mở cửa hoạt động trở lại. Cô Thảo cho hay: Mặc dù, phụ huynh có nhu cầu gửi trẻ trở lại, giáo viên đã tiêm đủ 2 mũi nhưng dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Thêm nữa, trong các kế hoạch đón học sinh trở lại trường học trực tiếp, vẫn chưa đề cập đến bậc học mầm non.