Trào lưu đáng lo ngại
Trò tập thể “ảo tung chảo” này được mô phỏng hoạt động trong một game online hành động, ở đó nhân vật phải đi tìm một chiếc chảo để làm bia đỡ đạn. Sau đó, một sự kiện được tạo lập trên Facebook mang tên “Cầm chảo chạy quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ”, thu hút hơn 14.000 người quan tâm và hơn 2.400 người đăng ký tham gia.
Trào lưu này nhanh chóng được hưởng ứng trong giới trẻ với nhiều sự kiện như: “Chạy kiểu Naruto vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội”, “Hét như Goku tại phố đi bộ”, “Tìm người yêu tại công viên 23/9”… và nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý. Hiện trào lưu trên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt với việc xuất hiện ngày càng nhiều phiên bản hài hước.
Nhiều bình luận trái chiều liên quan đến sự kiện này đã nhanh chóng nổ ra. Có ý kiến cho rằng, thay vì chạy bộ với cái chảo, sao không phát động phong trào “chạy bộ nhặt rác”, bảo vệ môi trường. Có ý kiến cho rằng, việc cầm chảo khá kỳ cục và lao theo phong trào thôi, chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhìn hình ảnh chỉ thấy trò chơi vô bổ, không mang một thông điệp gì.
Trong khi đó nhiều bạn trẻ tỏ ra khá thoải mái khi cho rằng, hoạt động này chỉ là một hình thức giảm stress, căng thẳng trong cuộc sống, học tập và công việc.
“Sáng tạo” vô bổ
Chia sẻ về vấn đề này, Th.S Trần Thị Yến, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, dường như, các em đang quá thiếu sân chơi giải trí nên đã phát sinh quá nhiều trào lưu. Những trào lưu này rõ ràng là vô bổ và sẽ nhanh chóng lụi. Không những ở bậc phổ thông mà cả ĐH, những sân chơi thu hút học sinh, sinh viên rất hiếm do hình thức tổ chức nghèo nàn, không có thời gian, phương tiện. Trong khi đó, nhiều người trẻ hiện nay rất cô đơn vì không thể và không có thời gian chia sẻ được với người thân. Vì thế, những sự kiện ảo, những người bạn ảo trên mạng có sức thu hút dữ dội với họ.
Theo Th.S Trần Thị Yến, tuổi trẻ rất cần vui chơi giải trí, nên nếu không có sân chơi dễ lâm vào những trò chơi vô bổ, thậm chí bị rủ rê, lôi kéo vào các tệ nạn. Thế nhưng, hiện nay vì không được hướng dẫn sử dụng quỹ thời gian rảnh rỗi một cách có ích nên nhiều em mới “tự sáng tạo” ra những trò chơi lấy bối cảnh từ trên mạng, trò a dua, du nhập từ nước ngoài. Trò đội mũ bảo hiểm, cầm chảo chạy quanh Hồ Gươm là một ví dụ. Trào lưu này cho thấy là những sân chơi để thanh thiếu niên rèn luyện thể chất và kỹ năng sống đang rất thiếu và ngày càng bị biến tướng.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thịnh Liệt cho rằng, trong sự kiện “tung chảo”, thành phần tham gia có nhiều thiếu niên, nhận thức pháp luật còn hạn chế, thấy vui, lạ thì tham gia. Vì vậy, phụ huynh cần quan tâm, biết được con mình đi đâu, làm gì để ngăn chặn kịp thời các em có những hành vi vi phạm pháp luật mà không biết. Tuổi trẻ thường là lứa tuổi hiếu động, thích thể hiện. Vì thế, các em cần được học và thi về luật pháp nhiều hơn. Các ban, ngành tổ chức sân chơi cũng nên cẩn trọng vấn đề này để tạo cho các em có thêm nhiều sân chơi lành mạnh.