Thế nhưng, tại quê hương ông, người dân vẫn thường truyền miệng nhau câu nói lúc sinh thời của vị tướng quân này rằng: “Ta chết chỉ có rừng núi biết”.
Người dân nơi đây cũng đưa ra nhiều “bằng chứng” cho rằng, không có chuyện Hoàng Hoa Thám bị giặc bắt giết như trong sử sách đã ghi.
“Hùm thiêng Yên Thế”
Các sử sách ghi lại rằng, Hoàng Hoa Thám (1858 - 1913) quê gốc ở làng Dị Chế, (Tiên Lữ, Hưng Yên), sau di cư lên Sơn Tây (tỉnh Hà Tây), rồi lại lên Yên Thế.
Ông vốn là một người khẳng khái, yêu nước lại sinh ra vào thời loạn lạc, đất nước bị ngoại xâm nên vào đầu những năm 1880 ông đứng trong hàng ngũ của những đội quân chống pháp.
Trong tác phẩm Chân tướng quân, nhà chí sĩ Phan Bội Châu trên cơ sở những tìm hiểu thực tế gặp gỡ của mình với cụ Hoàng Hoa Thám, đã viết về thời thơ ấu của cụ như sau:
“Hồi còn nhỏ, tính nết hết sức đặc biệt, người khỏe mạnh béo tốt, sức mạnh như hổ, khi chơi đùa đánh nhau với trẻ chăn trâu thì có thể đánh nổi vài chục đứa… Nhưng Ngài lại rất ôn hòa, được anh em yêu mến, ai cần gì cũng giúp đỡ”.
Các truyền thuyết và ghi chép còn lưu truyền lại rằng, cả cha mẹ đẻ lẫn cha nuôi của Hoàng Hoa Thám mặc dù nghèo khổ, nhưng đều là những người trọng nghĩa khí và rất nồng nàn tinh thần yêu nước.
Bởi vậy, không có gì lạ khi mới 15 – 16 tuổi, Hoàng Hoa Thám đã “vứt bỏ roi trâu cởi áo tơi”, gia nhập phong trào chống Pháp làm người lính nghĩa quân chân đất.
Sau khi tham gia những cuộc khởi nghĩa nhỏ lẻ nhưng đều bị thất bại, Hoàng Hoa Thám gia nhập nghĩa quân của Hoàng Đình Kinh (tức Cai Kinh), lấy tên là Đề Dương.
Sau được Cai Kinh đổi tên thành Hoàng Hoa Thám (tức Đề Thám). Sau khi Cai Kinh chết, Đề Thám tách ra hoạt động riêng và trở thành thủ lĩnh của phong trào nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược.
Chân dung Hoàng Hoa Thám.
Năm 1890, nghĩa quân Đề Thám đã xây dựng một hệ thống công sự vững chắc ở thung lũng Hố Chuối. Tại đây, Đề Thám cùng nghĩa quân đã có nhiều trận đánh khiến giặc Pháp phải kinh sợ và tổn thất nặng nề khiến chúng phải 2 lần xin giảng hòa với ông. Lần thứ nhất năm 1894, kẻ địch buộc phải để ông làm chủ toàn bộ vùng thượng Yên Thế.
Lần thứ hai năm 1897, Pháp phải công nhận ông được phép khẩn hoang ở Phồn Xương, được giữ 25 tay súng bảo vệ đất đai của mình.
Ông đã xây dựng đồn điền Phồn Xương thành căn cứ đầu não chống thực dân Pháp của khởi nghĩa Yên Thế. Hoàng Hoa Thám vừa tiếp tục ngấm ngầm huấn luyện quân binh, vừa cày cấy khai phá đất đai để tích trữ lương thực.
Phồn Xương cũng là nơi thu hút các sĩ phu, thủ lĩnh các phong trào yêu nước. Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đến với Hoàng Hoa Thám để bàn bạc việc phối hợp tác chiến, viện trợ lẫn nhau giữa các phong trào. Hoàng Hoa Thám đã giúp đỡ vua Duy Tân xây dựng đồn điền “Tú Nghệ” (do Phạm Văn Ngôn và Hoàng Xuân Hành phụ trách) để luyện tập quân sự.
Hoàng Hoa Thám cũng mở rộng hoạt động về tận Hà Nội, liên hệ với đảng Nghĩa Hưng tiến hành vụ đầu độc lính Pháp ngày 27/6/1908…
Thực hư cái chết của Hoàng Hoa Thám
Trong gần 12 năm tạm hòa hoãn, thực dân Pháp tìm mọi cách để hạ uy tín của Hoàng Hoa Thám, thủ tiêu ông. Nhưng ông luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu mỗi khi thực dân Pháp bội ước phản công. Từ tháng 1/1909, thực dân Pháp tấn công trở lại, Hoàng Hoa Thám đã kịp thời đối phó.
Ông đã huy động những tay súng còn lại cùng với những tướng lính tâm phúc như Cả Dinh, Cả Huỳnh, Ba Biều… tiếp tục cuộc chiến đấu ngày một ác liệt quanh các vùng Phúc Yên, Thái Nguyên, Tam Đảo, Yên Thế…
Cuộc khởi nghĩa Yên Thế dưới sự chỉ huy của Đề Thám đã vươn lên thành một lực lượng kháng chiến uy lực, gây nên những tổn thất nặng nề cho thực dân Pháp và tay sai.
Để dập tắt cuộc khởi nghĩa đầu tháng 11/1909, thực dân Pháp dồn lực lượng rất lớn về Yên Thế bao vây Đề Thám. Trong lần tấn công quyết liệt của địch này bà Ba Cẩn (vợ ba Đề Thám) bị bắt, nhiều nghĩa quân khác lần lượt bị hy sinh.
Nghĩa quân Yên Thế dẫn dần tan rã. Đề Thám chỉ còn lại một mình với 2 nghĩa quân sống ẩn náu trong núi rừng Yên Thế.
Ngày 10/2/1913, ông bị bọn tay sai của Pháp sát hại. Theo một số nguồn tư liệu và sử sách ghi lại thì vào đầu năm 1913, khi Hoàng Hoa Thám di chuyển tới vùng Hồ Lẩy trong khu rừng Tổ Cú, kẻ thù đã sắp đặt cho ba kẻ tay sai đến trá hàng để tiếp cận rồi bất ngờ hạ sát ông cùng 2 chiến binh thân tín nhất vào sáng mồng 5 Tết năm Quý Sửu, tức ngày 10/2/1913.
Sau đó, chúng cắt thủ cấp của ông mang ra bêu tại chợ Nhã Nam để thị uy dân chúng. Sau đó, chúng cho đốt đầu Đề Thám thành tro và đổ cả xuống ao mất dấu tích. Thế nhưng, nhiều người đặt ra nghi vấn về độ chính xác của thông tin này.
Họ cho rằng, một người có nhiều kinh nghiệm đối phó với thực dân Pháp trong nhiều năm như cụ thì không thể dễ dàng trúng kế của kẻ thù như vậy.
Người ta cho rằng cụ đã “tương kế tựu kế” dựa vào kẻ trá hàng để giả tạo cái chết nhằm đánh lừa thực dân Pháp. Và họ cũng không tin rằng, thủ cấp được bêu ở chợ Nhã Nam năm đó thực sự là thủ cấp Hoàng Hoa Thám.
Theo Lý Đào - Cận vệ cũ của Đề Thám, người từng nhiều lần cắt tóc cho ông, trên đầu “Hùm thiêng Yên Thế” vốn có một đường gồ chạy từ trán lên tới đỉnh, trên khuôn mặt có bộ râu 3 chòm. Thế nhưng, cái thủ cấp mà thực dân Pháp đã cắm ở chợ Nhã Nam, lại không có đường gồ và cằm cũng không có râu.
Một số người dân làng Lèo cho rằng, thủ cấp bị bêu đó chính là của sư ông trụ trì ở chùa Lèo. Sư ông này bình sinh có dung mạo khá giống với Đề Thám, và từ hôm cái thủ cấp trên bị bêu ra thì cũng không thấy ông sư xuất hiện ở đâu nữa.
Khi PV báo Người đưa tin tìm về Yên Thế, thì người dân nơi đây vẫn truyền miệng câu nói: “Ta chết chỉ có rừng núi biết”. Đây là câu nói nổi tiếng lúc sinh thời của vị lãnh tụ nghĩa quân Yên Thế.
Nhiều người cho rằng, câu nói này đã bày tỏ khí phách anh hùng, cũng như sự suy tính của Hoàng Hoa Thám trong bối cảnh cuộc khởi nghĩa bị thoái trái.
Vì thế, nên không có chuyện Hoàng Hoa Thám dễ dàng bị thực dân Pháp sát hại, rồi bêu đầu thị chúng. Mà ông đã tìm cách thoát khỏi sự truy sát của kẻ thù rồi sống ẩn dật giữa đại ngàn Yên Thế.
Cho tới gần đây, một số nhà nghiên cứu vẫn cho rằng, có thể Hoàng Hoa Thám đã thoát được khỏi âm mưu ám sát ông cuối tháng 2/1913, và đã đổi tên họ để sống ẩn dật trong dân gian…
Cho tới nay, vẫn chưa có những kết luận thống nhất về những ngày cuối cùng của “Hùm thiêng Yên Thế”. Bởi vì còn tồn tại nhiều giả thuyết khác nhau về cái chết của người anh hùng này.
Tài năng hơn người của Hoàng Hoa Thám Theo như ghi chép của Phan Bội Châu thì, ngay từ khi gia nhập nghĩa quân chống Pháp, vị anh hùng nông dân Yên Thế đã nhanh chóng chứng minh được tài năng hơn người và sự dũng cảm của mình. Phan Bội Châu viết: “Khi gặp địch thì xông lên trước tiên chém được nhiều địch. Chưa đầy nửa năm tham gia nghĩa quân đã được thăng lên chức “Đầu mục”, một năm sau được thăng lên chức Bang tá. Có thể tự chỉ huy một cánh quân, gặp giặc giao chiến một mình có thể đảm đương một mặt phòng ngự…”. |