Hãy vì các em!

GD&TĐ - Trẻ mầm non và học sinh ở nhiều địa phương đã quay trở lại trường học sau gần 10 tháng tạm dừng đến trường.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bên cạnh niềm hân hoan được dạy học trực tiếp, hiện cả trường học và phụ huynh vẫn còn nhiều trăn trở, băn khoăn về công tác tổ chức bán trú.

Thực tế những ngày qua cho thấy, bên cạnh các trường có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, mạnh dạn tổ chức bán trú ngay từ đầu thì vẫn còn không ít nơi cho học sinh đi học một buổi trước “xem sao đã”. Việc nhà trường không tổ chức bán trú cùng lúc mở cửa trường, con nhỏ đi học một buổi trong khi cha mẹ đi làm cả ngày đã gây khá nhiều “rối loạn” cho các gia đình do phải đưa đón, trông trẻ buổi thứ hai.

Theo hiệu trưởng một số đơn vị, nhà trường rất chia sẻ với sự vất vả của cha mẹ học sinh khi phải đưa đón con vào buổi trưa. Thế nhưng để tổ chức cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học ăn, ngủ tại trường trong thời kỳ dịch bệnh không phải chuyện đơn giản, nhất là ở những nơi có nhu cầu học bán trú lên đến con số hàng nghìn.

Khó khăn của nhiều trường hiện nay khi tổ chức bán trú là thiếu đội ngũ cấp dưỡng, bảo mẫu. Gần 10 tháng trường không hoạt động, các nhân sự này lại thuộc diện hợp đồng, nên không ít người đã nghỉ việc. Nhiều nơi chưa có quy định về thu bán trú năm học 2021 - 2022 nên các trường chưa có cơ sở để thu, cũng không có tiền để chi tạm ứng. Đặc biệt, các quy định về phòng chống dịch đang “trói” tay  công tác tổ chức bán trú, nhất là quy định về giãn cách. Nếu thực hiện giãn cách giữa các học sinh là 1m khi ăn, ngủ thì diện tích các trường công lập sẽ khó đáp ứng.

Sự thận trọng của nhà trường khi tổ chức bán trú là có thể chia sẻ được, bởi trong bối cảnh dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho cả thầy và trò vẫn là điều tối quan trọng và công việc này là rất khó khăn. Tuy nhiên, cũng không nên “đẩy” khó cho phụ huynh và học sinh khi nhà trường có thể bằng sự năng động, linh hoạt, trách nhiệm của mình chủ động tổ chức được hoạt động bán trú.

Nhiều trường học tại TPHCM đã mạnh dạn tổ chức bán trú ngay từ những ngày đầu mở cửa trường. Các quy tắc phòng bệnh được các trường đặt lên hàng đầu với những biện pháp linh động như: Tổ chức cho học sinh ăn uống, đánh răng và vệ sinh cá nhân lệch giờ; chỉ cho phụ huynh dẫn trẻ tới cổng. Trong mỗi lớp, giáo viên tận dụng không gian, chia trẻ thành 4 - 5 nhóm nhỏ, tránh tình trạng tập trung một chỗ. Nhân viên nấu ăn cho trường được test, kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Thực phẩm ở bếp ăn được kiểm soát, bảo đảm nguồn gốc. Thậm chí chưa thu được tiền bán trú nhà trường còn mạnh dạn “nợ” các nhà cung cấp nhu yếu phẩm để lo bữa ăn, giấc ngủ cho trò. Việc xuất hiện ca F0 trong trường học không ảnh hưởng quá lớn đến tổ chức bán trú khi nhà trường bình tĩnh xử lý theo hướng dẫn của Sở Y tế.

Việc mở cửa trường đã và đang tiến triển theo hướng thuận lợi thì cũng cần nhanh chóng có phương án bán trú để xây dựng nền nếp sinh hoạt, học tập cho trẻ, hỗ trợ phụ huynh yên tâm đi làm, góp phần khôi phục kinh tế trong đại dịch.

Thực tế các chuyên gia y tế cho rằng, việc học sinh đến trường học một buổi hay bán trú cả ngày về mặt phòng dịch là không khác nhau nhiều. Ý kiến chia sẻ với truyền thông của PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội rất đáng được các cơ sở giáo dục cân nhắc: “Bán trú về cơ bản nếu các trường học tổ chức tốt thì không đáng quan ngại. Khi nhà trường có phương án phòng dịch tốt, đủ nhân lực để đảm bảo cho các cháu ăn, nghỉ bán trú, xử lý khử khuẩn, chăn màn, giường, phòng đảm bảo thông thoáng thì nên tổ chức để tạo thuận lợi cho việc tổ chức dạy học của nhà trường và đưa đón con của phụ huynh học sinh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

GD&TĐ -Ngày 18/11, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững”.