Đồng thuận từ phụ huynh
Sáng 14/2, trẻ mầm non và tiểu học ở tỉnh Cà Mau trở lại trường sau gần 10 tháng tạm nghỉ vì dịch bệnh. Trước đó, sở GD&ĐT tổ chức khảo sát ý kiến của phụ huynh về việc cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học trở lại trường học trực tiếp từ ngày 14/2. Kết quả có 46% phụ huynh trẻ mầm non và 80,23% phụ huynh học sinh tiểu học đồng ý.
Theo đại diện Sở GD&ĐT Cà Mau, trong tuần qua, Cà Mau tổ chức dạy và học trực tiếp cho học sinh từ lớp 6 - 12 an toàn, được sự ủng hộ của cha mẹ học sinh và học sinh.
Ông Phạm Hoàng Gan, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết: Sở tập trung tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh, học sinh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh đến trường trong thời gian tới, giúp các em theo kịp chương trình môn học theo quy định, bảo đảm chất lượng.
Đặc biệt, thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý học sinh, giúp học sinh vượt qua khó khăn trong thời gian dài học trực tuyến để sớm ổn định khi trở lại học trực tiếp. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, y tế địa phương, cha mẹ trong việc quản lý các em. Kịp thời phát hiện những trường hợp nghi nhiễm để có biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả; tuyệt đối không để dịch bệnh xảy ra trong trường học.
Sau 1 tuần dạy học trực tiếp, ngành Giáo dục TP Cần Thơ chuẩn bị tổ chức học bán trú (2 buổi/ngày) dự kiến bắt đầu từ ngày 16/2. Theo ông Trương Thế Bảo, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều, đa số cha mẹ học sinh và học sinh rất đồng tình, phấn khởi khi đến trường học trực tiếp sau nhiều tháng phải học trực tuyến. Tỷ lệ học sinh đến trường học trực tiếp tăng hằng ngày: Cấp mầm non, tăng từ dưới 40% trong ngày đầu tiên lên gần 50%; cấp tiểu học đạt trên 91% và THCS tăng từ 80% lên trên 95% sau 1 tuần học tập…
Bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) cho biết thêm: Sau 1 tuần thực hiện dạy học trực tiếp, quận ghi nhận 3 trường hợp nghi nhiễm ngay khi phát hiện nguồn lây từ người thân. Nhà trường đã thực hiện nghiêm túc và kết hợp chặt chẽ với y tế địa phương xử lý các tình huống xảy ra.
Ngày 14/2, hơn 1 triệu trẻ mầm non, học sinh tiểu học và lớp 6 tại TPHCM đến trường. Ghi nhận tại nhiều điểm trường mầm non và tiểu học, các trường thực hiện khá bài bản và nền nếp về công tác phòng dịch. Phụ huynh chỉ được đưa con đến cổng trường, sau đó các em được giáo viên hướng dẫn vào lớp.
Ở Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TPHCM), từ 6 giờ 15 phút, các thầy, cô giáo đã có mặt để đo thân nhiệt cũng như hướng dẫn học sinh vào lớp. Hầu hết, học sinh đều bày tỏ cảm xúc vui mừng khi được nghe tiếng trống trường thân quen, gặp thầy cô và bạn bè của lớp mình. Trẻ lớp 1 còn bẽn lẽn nên được thầy cô giáo ân cần động viên và dắt tay vào tận lớp của mình.
Cô Phạm Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Việt chia sẻ: Công tác đón học sinh trở lại trường được thực hiện theo đúng kế hoạch. Tuần trước, nhà trường tổ chức cho mỗi khối 1 buổi đến trường để làm quen với cô giáo và trường lớp. Việc trở lại học trực tiếp là niềm mong mỏi rất lớn không chỉ riêng thầy và trò nhà trường mà còn được các bậc phụ huynh đồng tình ủng hộ. Tỷ lệ học sinh đến trường trong ngày đầu tiên đạt 97%.
Không bị động khi có F0
Tại Đồng Tháp, tỷ lệ khảo sát ý kiến cha mẹ học sinh đồng ý đến trường lớp 1 - 4 đạt 54,92%; lớp 5 - 9 tỷ lệ 52,62%; lớp 10 - 12 tỷ lệ 65,16%. Các cơ sở giáo dục mầm non, lớp 1 đến lớp 4 tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 14/2. Ông Bùi Quý Khiêm, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cho biết: "Ngành đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, nhân viên y tế các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch như vệ sinh, khử khuẩn, kiểm tra thân nhiệt, chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng cách ly y tế tạm thời, vật tư y tế, test nhanh… Tổ chức diễn tập khi có tình huống F0 trong trường. “
Đặc biệt là thực hiện nghiêm quy trình 6 bước đến trường và quy trình 6 bước xử trí khi có ca nhiễm, nghi nhiễm tại trường. Qua test nhanh đã phát hiện 1 học sinh F0, đã xử lý kịp thời theo quy định. Tại nhà riêng, phát hiện 14 học sinh và 10 giáo viên diện F0. Các trường hợp F0 đều không đến trường, thực hiện việc dạy và học trực tuyến; tình trạng sức khỏe học sinh, giáo viên diện F0 chỉ có biểu hiện cảm thông thường”, ông Khiêm cho biết.
Theo Sở GD&ĐT Tiền Giang, qua 1 tuần tổ chức học tập, tỷ lệ học sinh đến trường học trực tiếp tăng dần. Số học sinh vắng (khoảng 2%) với các lý do bỏ học sau Tết Nguyên đán, từ địa phương khác chưa về, bệnh thông thường, F1 từ bố mẹ... Hiện, sở vẫn chưa ghi nhận phản ánh nào liên quan trường hợp lây nhiễm Covid-19 trong nhà trường. Sang tuần học thứ 2, nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nên tỷ lệ học sinh đến trường khá cao, trên 98% thậm chí có trường đạt gần 100%. Số lượng học sinh đông, các trường đã siết chặt công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất...
Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang: Sống thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh, tỷ lệ học sinh đến trường cao được xem là tín hiệu khả quan trong những ngày đầu trở lại trường. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, mỗi trường học, đặc biệt là bản thân mỗi học sinh phải hết sức đề cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là vì dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát...
Em Huỳnh Thị Ngọc An, học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) chia sẻ: “Em rất vui khi đi học trực tiếp, được gặp gỡ bạn bè, thầy cô. Em mong chờ ngày này từ rất lâu. Mặc dù vào lớp học phải đeo khẩu trang nên giao tiếp có phần bất tiện, nhưng em và các bạn cùng dặn dò nhau tuân thủ 5K, không tập trung đùa giỡn để bảo đảm giãn cách phòng dịch”.