Để trẻ mầm non an toàn khi đến trường

GD&TĐ - Trẻ mầm non ở 53/63 tỉnh, thành phố trên cả nước từng bước đi học trực tiếp trở lại từ ngày 7/2, tùy từng địa phương.

Giờ học của trẻ Trường MN Hải Tân, Hải Hậu, Nam Định. Ảnh: NTCC
Giờ học của trẻ Trường MN Hải Tân, Hải Hậu, Nam Định. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên cũng không khỏi lo lắng vì lứa tuổi này các em chưa ý thức hết được việc giữ gìn an toàn vệ sinh cá nhân để phòng tránh dịch Covid-19.

An toàn phòng chống dịch

Nhiều phụ huynh cho rằng không thể ngồi nhà trông con lâu hơn nữa vì còn công việc, mưu sinh, cũng không thể gửi mãi ông bà nội ngoại vì sức khỏe của bố mẹ ngày một suy yếu. Thêm nữa, các con ở nhà việc nuôi dạy thiếu khoa học cũng không thể đảm bảo chất lượng như khi đến trường.

Nhiều địa phương đã đón trẻ đi học, một số nơi có kế hoạch để trẻ mầm non đi học trở lại thực sự là niềm vui đối với cả nhà trường và các bậc phụ huynh. Vẫn biết có những lo lắng về việc trẻ còn quá nhỏ để tự ý thức bảo vệ bản thân trước dịch bệnh, nhưng nhiều phụ huynh và nhà trường cho rằng đến trường mới là môi trường an toàn nhất cho trẻ vì được kiểm soát dịch chặt chẽ.

Do công việc nên chị Trần Thị Trang (quận Ba Đình, Hà Nội) không thể nghỉ được và cũng không biết gửi con ở đâu. Trước Tết, chị gửi 2 con (tuổi mẫu giáo và tiểu học) về quê với ông bà. “Dự định hết kỳ nghỉ Tết sẽ đón con quay lại Hà Nội nhưng chưa biết đón về thì lấy ai để trông con nên vẫn phải phiền ông bà trông giúp. Chúng tôi rất vui khi trường học sớm mở cửa trở lại để giảm gánh nặng cho các gia đình. Vẫn biết trẻ tiểu học, mầm non chưa tiêm phòng, nhưng trẻ ở nhà nguy cơ còn cao hơn khi tiếp xúc với bên ngoài. Còn ở trường được các cô chăm sóc và quản lý chặt sẽ an toàn hơn”, chị Trang nói.

Giải tỏa nỗi lo an toàn cho trẻ mầm non đến trường, PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT, cho biết: Phụ huynh hoàn toàn yên tâm vì ở các cơ sở giáo dục mầm non đều có yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 rất ngặt nghèo.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT và các sở GD&ĐT ở từng địa phương, việc đón trả trẻ thực hiện từ cổng trường, trẻ trước khi vào lớp được test nhanh nhiệt độ cơ thể, quá trình nuôi dạy phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về vệ sinh phòng dịch, quy định 5K, đây là điều chỉ có ở trường với sự giám sát chặt chẽ của các cô giáo trẻ mới thực hiện tốt được nên môi trường lớp học sẽ an toàn hơn so với khi trẻ ở nhà.

Cùng phụ huynh hướng dẫn trẻ sát khuẩn tay tại cổng Trường MN Hải Tân.
Cùng phụ huynh hướng dẫn trẻ sát khuẩn tay tại cổng Trường MN Hải Tân.

Nuôi dạy an toàn, chất lượng

Cô Chu Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Tân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, cho hay: “Đón học sinh đi học, chúng tôi trao đổi với cha mẹ về hình thức đón, trả trẻ đảm bảo an toàn nhất cho các con; lên phương án xử lý khi có ca F0 tại trường theo quy định của ngành y tế. Giáo viên, nhân viên nắm vững công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học, hướng dẫn trẻ thực hiện thao tác vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, biết giữ gìn khẩu trang cá nhân, sử dụng riêng biệt đồ dùng, ăn uống cá nhân”.

Chú trọng đến trẻ 5 tuổi có đủ kiến thức để vào lớp 1, cô Nguyễn Thị Băng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Ninh, TP Yên Bái (Yên Bái), chia sẻ: Nhà trường tập trung thực hiện tốt nuôi dạy lấy trẻ làm trung tâm, giúp trẻ phát triển toàn diện. Trong lớp học, giáo viên tạo nhiều cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, giúp nuôi dưỡng hứng thú, sự chủ động, sáng tạo, khả năng suy luận, quan sát, nhận xét, biểu đạt, phát huy tính chủ động và sáng tạo của trẻ.

Cách thức tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với nhu cầu, hứng thú, tạo cơ hội để trẻ được trải nghiệm, khám phá và sáng tạo đúng độ tuổi và mức độ phát triển của từng cá nhân; tạo cơ hội cho trẻ được học bằng nhiều cách, đặc biệt thông qua hoạt động chơi.

Phụ huynh Đỗ Minh Phú có con học lớp 5 tuổi B Trường Mầm non Yên Ninh, phấn khởi chia sẻ: “Tôi thấy nội dung học tập của nhà trường đầy đủ. Sau mỗi buổi học thấy con phấn khởi, biết được nhiều thứ hơn, đặc biệt là các cô đã dạy con có nhận thức bước đầu cái hay, cái đẹp trong cuộc sống. Con có được niềm vui khi đến trường, cha mẹ yên tâm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.