Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội Việt Nam được thực hiện hồi năm ngoái tại một số quận, huyện của Hà Nội cho thấy, trong số 303 gia đình, hầu hết đều xảy ra xung đột trong thời gian đại dịch.
Có 88% phụ nữ bị bạo lực về mặt tinh thần, bị cằn nhằn, chửi mắng, xúc phạm; 89,1% phụ nữ là nạn nhân của ít nhất một dạng bạo lực gia đình. Có ít nhất 80,7% phụ nữ bị thương ít nhất một lần, hơn 72% tổn thương tâm lý; 43,3% bị thương tích cơ thể, trong đó 31,7% cần chăm sóc y tế...
Còn theo số liệu của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và Trường Đại học Y tế Công cộng thực hiện trên 303 phụ nữ bị bạo hành ở Hà Nội hồi tháng 9/2020, có 84% phụ nữ cho biết các hành vi kiểm soát xảy ra nhiều hơn trong thời gian này; 72% phụ nữ báo cáo bị bạo lực kinh tế nhiều hơn; 91% báo cáo bị bạo lực tinh thần nhiều hơn; 93% báo cáo tần suất xảy ra bạo lực thể xác nhiều hơn, trong số đó 56% từng trải qua các hành vi bạo hành thể xác nhiều hơn 5 lần; 79% báo cáo bị bạo hành tình dục nhiều hơn trong dịch.
Lý do làm tăng bạo lực một phần là bởi đột ngột mất việc hoặc ít việc. Cuộc sống thay đổi khiến nhiều gia đình không có sự chuẩn bị, không biết phải ứng phó và đối diện như thế nào. Khi thu nhập giảm, hầu hết các xung đột, tình trạng kiểm soát, bạo lực tinh thần, thể xác… thường tăng lên.
Lý do nữa là việc hai vợ chồng ở nhà trong thời gian cách ly dài cũng khiến mâu thuẫn gia đình có xu hướng gia tăng, đặc biệt với những người vốn có hành vi bạo lực và cuối cùng là tình trạng lạm dụng rượu bia.
Từ những lý do này cho thấy, dịch Covid-19 gây nhiều “bất lợi”, nhiều áp lực cho phụ nữ. Cụ thể, khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã làm gia tăng các nhiệm vụ và trách nhiệm chăm sóc gia đình của phụ nữ bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Thực tế, khi phụ nữ bị bạo lực gia đình, nguy cơ mất an toàn cao có thể rời khỏi nhà, đến nhà tạm lánh nhằm bảo đảm an toàn trước khi giải quyết vấn đề theo quy trình của pháp luật. Tuy nhiên, “rào cản” lớn nhất hiện nay là họ không dám lên tiếng, không dám đứng lên tìm kiếm sự hỗ trợ.
Nhiều phụ nữ vẫn còn nặng tư tưởng “đóng cửa bảo nhau” nên cam chịu, không tố cáo hành vi bạo lực gia đình làm cho vấn nạn này càng gia tăng. Vấn đề gốc rễ, sâu xa nữa đó là định kiến giới và để thay đổi được điều này cần có các giải pháp tổng thể, trong đó vai trò của nam giới đóng vai trò then chốt.
Bạo lực gia đình không chỉ làm “lung lay” hạnh phúc gia đình mà còn tạo ra nhiều hệ lụy xã hội. Việc im lặng, chịu đựng khi bị bạo hành với bất kỳ lý do nào cũng không chỉ dẫn đến hậu quả về mặt thể xác mà còn để lại hệ quả nặng nề về tinh thần cho cả người bị bạo hành và người thân.
Cho nên mọi người cần phải thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình chứ không thể mãi im lặng. Phải lên tiếng và lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa để xóa bỏ bất bình đẳng giới trong lương tâm, trong suy nghĩ của mỗi người.