'Không nhận hoa' - cách làm cần nhân rộng

GD&TĐ - Các địa phương trong cả nước đang tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp sau khi sáp nhập.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Ở xã Tu Mơ Rông (thuộc tỉnh Kon Tum cũ) có cách làm hay cần được nhân rộng. Trước khi diễn ra đại hội (23 - 24/7), Ban tổ chức Đại hội Đảng bộ xã này đã phát đi thông điệp: Đại hội không nhận hoa chúc mừng của các tổ chức, cá nhân.

Thay vào đó, xã kêu gọi các đơn vị, cá nhân ủng hộ kinh phí, cây giống, phân bón, vật tư sản xuất cho chương trình “Ươm mầm tương lai - Phát triển cây trồng bền vững Tu Mơ Rông” nhằm hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng phát triển các mô hình kinh tế có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hưởng ứng lời kêu gọi này, ngay trong ngày khai mạc Đại hội, Ban tổ chức đã nhận được từ cán bộ, đảng viên và người dân 104.500 cây cà phê giống, 28.000 cây thông giống, 2 tấn phân bón và 212 triệu đồng tiền mặt.

Tổng giá trị quy đổi gần 800 triệu đồng. Có lẽ đây là cách thể hiện tinh thần tiết kiệm một cách cụ thể và thiết thực nhất để chào mừng Đại hội. Nó lan tỏa thông điệp vì cộng đồng, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao sinh kế cho người dân địa phương.

Tu Mơ Rông là xã mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai xã Đắk Hà và Tu Mơ Rông cũ. Xã có 1.300 hộ dân, trong đó, người Xơ Đăng chiếm 95%. Tỷ lệ hộ nghèo ở xã còn cao, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Việc Đại hội không nhận hoa mà chỉ nhận cây giống, phân bón là một chủ trương đúng, thiết thực với đời sống người dân. Vì vậy, ngay sau Đại hội, xã đã tiến hành phân phát số cây giống cà phê, thông, vật tư… cho các hộ còn khó khăn trong xã để bà con tiến hành trồng ngay trong mùa mưa này.

Đảng bộ Tu Mơ Rông xác định trong nhiệm kỳ 2025 - 2030 này, một trong những giải pháp then chốt là xây dựng các mô hình kinh tế có giá trị cao, phù hợp với điều kiện địa phương như cây dược liệu, cây cà phê, cây ăn quả, cây lâm nghiệp.

Chương trình “Ươm mầm tương lai - Phát triển cây trồng bền vững” nằm trong các giải pháp này. Nó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người đồng bào thiểu số Xơ Đăng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng cao này.

Cả nước hiện có 10.598 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn. Các địa phương này đang tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất. Nếu chúng ta giảm đi số hoa “chào mừng” mà thay vào đó bằng những hình thức khác, cụ thể và thiết thực hơn như Đại hội Đảng bộ Tu Mơ Rông đã làm thì sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn.

Bởi không ít địa phương, nhất là các xã vùng cao cũng đều có “hoàn cảnh” như xã Tu Mơ Rông nhưng nghĩ ra được hình thức trên đây thì không mấy địa phương làm. Cách làm này cũng cần được nhân rộng không chỉ đối với các xã vùng cao mà ngay ở các xã đồng bằng cũng nên làm, tùy theo hoàn cảnh của từng địa phương mà “kêu gọi” đóng góp.

Không có hoa thì Đại hội Đảng bộ các cấp vẫn diễn ra và thành công tốt đẹp nhưng nếu tiết kiệm được từ đại hội bằng việc “không nhận hoa”, lấy tiền đó để phục vụ đời sống người dân thì đại hội càng thêm ý nghĩa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trả giá đắt khi rút quân khỏi Pokrovsk

Trả giá đắt khi rút quân khỏi Pokrovsk

GD&TĐ - Theo chuyên gia, Kiev muốn rút quân khỏi thành phố Pokrovsk cũng không dễ, cuộc rút chạy có thể biến thành một thảm kịch đối với các đơn vị Ukraine.

Cây gai toàn tơ chứa nhiều hoạt chất quý ức chế tế bào ung thư.

Tiềm năng y học lớn của cây gai toàn tơ

GD&TĐ - Cây gai toàn tơ là loài thực vật được đồng bào dân tộc Mông và Thái tại vùng Tây Bắc sử dụng trong dân gian để chữa viêm, tiêu u… có tiềm năng trở thành thuốc điều trị ung thư.

Học sinh Hà Nội tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Toán

GD&TĐ - Trong Chương trình GDPT 2018, môn Toán đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lực, trí tuệ, sự tưởng tượng, rèn luyện tính cẩn thận, chính xác, tác phong làm việc khoa học...

ThS Dương Nhật Linh cùng sinh viên Trường ĐH Mở TPHCM. Ảnh: L.N

Ngành công nghệ sinh học có 'kén' việc làm?

GD&TĐ - Ngành Công nghệ sinh học hứa hẹn tạo ra những đột phá trong lĩnh vực dược, nông nghiệp và môi trường, nhưng ngành này thường gắn liền với nỗi lo khó xin việc hoặc phải làm trái ngành.