Bạo lực gia đình biến tổ ấm trở thành nơi nguy hiểm

“Chồng đánh vợ dã man” là cụm từ nóng trên báo chí trong những ngày qua. Vậy do đâu hay người phụ nữ phải làm gì để chống lại thói vũ phu này?

Hình ảnh người vợ ôm con nhỏ vẫn bị chồng đánh đấm dã man tại Long Biên, Hà Nội. Ảnh cắt từ clip.
Hình ảnh người vợ ôm con nhỏ vẫn bị chồng đánh đấm dã man tại Long Biên, Hà Nội. Ảnh cắt từ clip.

Bạo lực gia đình là vấn đề xảy ra trên toàn cầu, không phải chỉ diễn ra ở Việt Nam. Nhưng mức độ nghiêm trọng như thế nào thì còn tùy thuộc vào đất nước, nền văn hóa, phong tục tập quán và pháp luật… Tất cả đều đưa đến một câu hỏi: “Tại sao tại nước A bạo lực gia đình gia tăng, còn tại nước B lại không?”

Tại các nước tiên tiến, cũng có những ghi nhận về bạo lực gia đình, nhưng không quá phổ biến và nghiêm trọng. “Ở Việt Nam, chúng ta có Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới. Nhưng tại sao các vụ việc bạo lực gia đình nghiêm trọng vẫn xảy ra?” Đây là câu hỏi PV VOV.VN nêu ra trong cuộc trao đổi với GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển, Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam.

bao luc gia dinh bien to am tro thanh noi nguy hiem hinh 1
GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển, Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam.

GS.TS Lê Thị Quý cũng rất bức xúc khi chứng kiến những vụ bạo hành gia đình nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trong thời gian qua. Nhất là khi những người chồng không ngần ngại đánh đấm vợ dã man trước mặt những đứa con thơ.

PV: Thưa GS.TS Lê Thị Quý, là một nhà nghiên cứu về bạo lực gia đình tại Việt Nam, bà nghĩ gì khi chứng kiến những vụ chồng hành hung vợ dã man vừa qua?

GS.TS Lê Thị Quý: Vẫn có những người đàn ông cho mình quyền cao nhất trong gia đình, quyền dạy vợ, quyền đánh vợ… Tôi không thể quên và đau xót khi người chồng Hàn Quốc vũ phu đánh vợ người Việt đã phát biểu một câu rất tệ là: “Đàn ông nào cũng như tôi”.

Đó là minh chứng để thấy rằng, một bộ phận đàn ông vẫn đi theo thói gia trưởng, đi theo phong tục tập quán lỗi thời mà người ta đã chống lại từ lâu rồi. Trong xã hội hiện nay, tôi thấy có điều mới và đáng mừng đó là khi mạng xã hội phát triển và khi các đoạn clip bạo hành được đưa lên mạng đã nhận được rất nhiều ý kiến phẫn nộ phản đối khác với thời kỳ trước đây. Tôi là người đầu tiên nghiên cứu về bạo lực gia đình ở Việt Nam. Khi bắt đầu nghiên cứu từ năm 1989, đã có rất nhiều người phê bình tôi. Nhưng bây giờ đã khác khi xã hội hướng tới văn minh phát triển.

Trình độ phát triển của xã hội chúng ta rất tốt, song bên cạnh đó vẫn còn những người đàn ông lỳ lợm và cố gắng giữ lấy cái hủ tục của mình và họ cho rằng mình có quyền. Thứ 2, là lỗ hổng của pháp luật. Pháp luật của chúng ta trừng trị chưa nghiêm khắc. Trường hợp người chồng đánh vợ ở Long Biên, Hà Nội, đã vi phạm Điều 134, Điều 140 của Bộ Luật hình sự Việt Nam năm 2015 và sửa đổi năm 2017. Hành động của anh ta là chứng minh không thể bàn cãi về việc anh ta vi phạm luật pháp.

Anh ta đã đánh vợ khi mới sinh con được 2 tháng và đang ôm đứa con nhỏ. Tức là người vợ bị đánh khi đang thực hiện chức năng vô cùng cao quý của phụ nữ. Pháp luật phải nghiêm minh và phải đặt vấn đề phụ nữ không chỉ là thành viên trong gia đình mà còn là công dân, thành viên trong xã hội cần phải được pháp luật và xã hội bảo vệ. Phụ nữ phải được bình đẳng như nam giới và phải được bảo vệ.

PV: Xin Giáo sư nói cụ thể hơn về vấn đề pháp luật trong việc ngăn chặn thói vũ phu và bảo vệ cho người phụ nữ?

GS.TS Lê Thị Quý: Không thể nói rằng chuyện trong gia đình khác, chuyện ngoài xã hội khác. Bất cứ ai gây chuyện đấm đá ngoài đường sẽ lập tức bị công an bắt giữ ngay. Nhưng khi xảy ra trong gia đình, thì người ta vẫn cho là việc trong nhà.

Ở các nước tiên tiến, người ta có cảnh sát và pháp luật để trừng trị ngay kẻ bạo hành và lập tức có các nhân viên xã hội tới để xoa dịu nỗi đau, giải quyết vấn đề tâm lý của người bị bạo hành. Nhưng tại Việt Nam, chúng ta chưa làm được điều này. Tất cả mọi việc cứ xảy ra như vậy, dư luận bình luận, phẫn nộ một thời gian sự việc sẽ bị trôi đi. Điều này là không thể được.

Những vụ bạo hành gia đình liên tiếp xảy ra chứng tỏ các nhà làm luật, các nhà thi hành pháp luật không thể làm ngơ. Tôi cũng ở trong tổ tư vấn gia đình và giới của Quốc hội. Tôi đã họp nhiều lần về vấn đề này, trong đó, có Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Tôi cũng được tham gia soạn thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình, nên tôi không thể chấp nhận được các trường hợp vi phạm pháp luật này.

Tôi có đọc được thông tin, người chồng đánh vợ ở Long Biên có thể sẽ bị phạt từ 1,5 - 2 triệu đồng. Tôi thấy đấy là chuyện hài hước. Bởi vì, việc phạt tiền kẻ bạo lực đã bị phản đối từ lâu. Phạt tiền của chồng thì cũng là tiền của vợ. Cho nên nhiều người vợ ở nông thôn đã không dám tố cáo chồng vì sợ bị phạt tiền. Phạt tiền không giải quyết vấn đề gì. Pháp luật phải có hai chức năng rất quan trọng là giáo dục và răn đe và những chức năng này đều không thể tính bằng tiền. Người chồng vi phạm hãy trừng trị chính anh ta.

PV: Theo Giáo sư đâu là nguyên nhân khiến cho tình trạng bạo lực gia đình liên tiếp diễn ra như vây? Liệu có phải do những giá trị đạo đức, giá trị con người đang đi xuống?

GS.TS Lê Thị Quý: Có những ngôi nhà là tổ ấm, nhưng không ít lại là “tổ lạnh” hay mái ấm lại trở thành nơi nguy hiểm.

Khi kinh tế phát triển mạnh nhưng phát triển xã hội không theo kịp. Khi chúng ta mở cửa thị trường để thúc đẩy kinh tế, các nền văn hóa giao lưu với nhau mang theo những mặt tích cực và cả tiêu cực. Chúng ta không chuẩn bị kỹ và cứ thế tiếp thu hết, tiếp thu không chọn lọc, nên làm sói mòn truyền thống dân tộc.

Nếu chúng ta không cảnh giác, không tạo môi trường trong sáng cho xã hội phát triển, chúng ta sẽ không thành công. Con người cũng vậy, khi họ giàu lên nhưng lại không có nền tảng giá trị thì họ sẽ hành xử không đẹp.

PV: Dù đúng dù sai, người phụ nữ vẫn là nạn nhân chịu tổn thương nhất của bạo lực gia đình, vậy có cách nào để bảo vệ cho những người vợ trước các ông chồng vũ phu?

GS.TS Lê Thị Quý: Pháp luật phải trao “cây gậy” cho phụ nữ. Tôi không động viên người phụ nữ cầm gậy để đánh lại, nhưng chính phụ nữ phải biết bảo vệ mình.

“Một điều nhịn là chín điều lành” hay “Lạt mềm buộc chặt” là nét đẹp của văn hóa và đạo đức con người. Nhưng trong những trường hợp, người phụ nữ nhín nhịn liên tục sẽ lại gây hại cho chính mình, vì lúc đó họ sẽ bị coi thường. Chúng tôi khi đi điều tra về bạo lực gia đình đã nói với những người phụ nữ rằng, nếu bạn bị tát một cái rồi lại giơ má để người ta tát tiếp một cái, thì sau đấy người ta sẽ đấm đá và thậm chí đe dọa đến tính mạng. Nếu chúng ta phản kháng lại đúng mức thì người ta mới dừng tay. Chúng ta cứ cúi mặt mãi trước những hành vi tội ác thì không khác gì chúng ta tiếp tay cho những hành vi tội ác ấy phát triển hơn.  

Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy rằng càng khuyên nhịn thì bạo lực sẽ càng to hơn và đã có hàng triệu trường hợp như thế. Tất cả những phụ nữ chúng tôi đã phỏng vấn đều hối hận vì đã nhịn như thế.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Theo VOV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ