Hãy để lì xì là hiện thân của may mắn!

GD&TĐ - Theo truyền thống văn hóa phương Đông, bạn là món quà mà người lớn sẽ tặng cho trẻ con vào những ngày đầu năm mới.

Ảnh minh họa: ITN.
Ảnh minh họa: ITN.

Lì xì thân!

Chỉ cần nhắc đến bạn, tôi đã cảm thấy không khí Tết ngập tràn rồi. Bạn “nổi tiếng” đến mức trong những bức hình minh họa cho Tết, bên cạnh bánh chưng, bánh giầy thì bạn luôn là “người mẫu” quen thuộc.

Và, nếu hỏi những đứa trẻ rằng trong dịp Tết, chúng mong chờ điều gì nhất thì ngoài mâm cỗ với rất nhiều món ngon ra thì bạn sẽ luôn là câu trả lời đứng đầu bảng xếp hạng. Nay tôi được viết thư gửi cho người nổi tiếng như vậy nên cũng lấy làm hãnh diện lắm.

Theo như truyền thống văn hóa phương Đông, bạn là món quà mà người lớn sẽ tặng cho trẻ con vào những ngày đầu năm mới. Bạn thường có cho mình một tấm áo đỏ tươi, màu tượng trưng của sự may mắn, phát tài phát lộc cho một khởi đầu mới.

Theo thời gian, tấm áo của bạn được biến đổi đi nhiều, không chỉ là màu đỏ nữa mà có thể là xanh, vàng, tím và có nhiều họa tiết hơn. Đó có thể là các câu đối hay những chữ như Phúc, Lộc, Tài.

Dạo gần đây, thậm chí nhiều bạn lì xì còn có những “quả” áo độc lạ cực kì luôn. Ngoài ý nghĩa là để chúc nhau gặp được nhiều may mắn vào đầu năm mới, bây giờ áo của bạn còn kiêm luôn là chỗ để quảng cáo cho sản phẩm, công ty, mặt hàng. Đúng là thời “kinh tế thị trường” bạn nhỉ, cái gì cũng bị “thương mại” theo, đến cả cái áo của bạn người ta cũng không tha.

Thôi, tạm thời gạt bỏ chuyện đó sang một bên, chúng ta cùng đi sâu vào “chuyên môn” nào. Thật ra, thứ cuốn hút bọn trẻ con bây giờ không phải là áo của bạn hay bạn to hay bé, ngắn hay dài. Cái chúng quan tâm chính là phía bên trong của bạn cơ. (Thông cảm nhé bạn ơi, trẻ con thời “kinh tế thị trường” mà).

À quên, cùng suy nghĩ một chút nào, ai đã “khai sinh” ra bạn nhỉ? Tất nhiên rồi, là ông bà, cô dì, chú bác, cha mẹ, nói chung là người lớn từ rất xa xưa. Vậy nên, cứ mỗi mùa Xuân đến, tôi lại thấy mấy đứa bạn học thuộc đến trẹo quai hàm những câu chúc Tết hay và độc đáo nhất, những mong có thể kiếm được thật nhiều bạn lì xì. “Kinh tế thị trường” thật bạn nhỉ?

Tôi mới 16 tuổi. À không, Tết năm nay tôi 17 rồi. Đấy, tôi mới 17 tuổi chứ mấy, bạn có thấy 17 vẫn là một con số bé ơi là bé không. Tôi vẫn là trẻ con và mong rằng Tết năm nay mình cũng được lì xì. Tuy chỉ là một vài đồng lẻ mang ý nghĩa lấy may đầu năm nhưng nhiêu đó thôi đã đủ để chúng tôi sướng rơn vì đã là rất nhiều với một đứa trẻ.

Cũng bởi, khác với hội bạn, tôi đã thử viết báo, kiếm nhuận bút giúp mẹ nên tôi hiểu được độ khó để có thể kiếm được chút tiền. Tết năm nay, tôi sẽ gửi những lời chúc đến những người mà tôi yêu thương, từ tận đáy lòng, không phải vì những phong bao lì xì bởi lẽ, tôi đã nhận ra rằng bạn đem lại giá trị về tinh thần lớn hơn rất nhiều giá trị vật chất.

Bạn là một nét đẹp văn hóa của ngày Tết. Thế nhưng dưới tác động của thời gian, nét đẹp ấy dần bị thực hành méo mó, thậm chí với một số người còn lợi dụng mà thực hành biến tướng thành những tư lợi vật chất.

Ngày xưa, tấm áo của bạn làm từ giấy đỏ, được làm thủ công, tuy không đẹp, không quá vuông vắn nhưng vẫn thấm đẫm tình cảm của người mừng tuổi. Phía bên trong bạn cũng chỉ là một tờ tiền lẻ. Ít thôi nhưng thế là đủ để mang lại “lộc” và niềm vui cho cả hai phía.

Đối với người mừng tuổi thì thể hiện được tình cảm, tấm lòng của mình với người nhận. Với người nhận, bạn chính là hiện thân của sự may mắn trong cả một năm sắp tới.

Thế nhưng ngày nay, nhiều khi bạn giống như đại diện cho những cuộc trao đổi nặng tính vật chất trong các mối quan hệ vào ngày Tết. Chính vì thế mà làm cho phong tục đẹp này bị biến tướng, ai cũng dè dặt, ngó nghiêng về giá trị của mỗi phong bao lì xì, trong đó cũng có cả tính sĩ diện nữa.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Thế nên, không ít người điều kiện kinh tế còn khó khăn khi nhắc đến bạn là “tái mặt”. Hoặc đôi khi, với một số người, bạn chỉ là một loại vật chất mà “vật chất không tự sinh ra hay mất đi, chỉ là chuyển từ dạng này sang dạng khác” - kiểu lì xì trả nợ.

Thật buồn khi phong tục lì xì đầu năm không còn là nét đẹp từ tận đáy lòng, mà trở thành sự trao đổi, người ta lì xì mình bao nhiêu thì mình lì xì lại bấy nhiêu, coi như hòa vốn. Trẻ con thì cũng chọn lọc, cố gắng “khều” tiền lì xì của người lớn hoặc đưa cho bố mẹ trong tiếng cười thắng lợi hoặc đem đi chơi điện tử trong niềm phấn khích.

Hình ảnh của bạn trước vốn đẹp, vốn nhân văn là thế, nhưng giờ đôi khi lại trở nên xấu xí, “chướng tai gai mắt”. Nhưng mọi thứ đều có hai mặt của nó phải không bạn? Dù ở đâu đó có bị biến tướng, song phong tục mừng tuổi vẫn là một nét đẹp không thể thiếu trong ngày Tết của dân tộc. Nhưng, mỗi người cũng cần biết lựa chọn cách thực hành phong tục sao cho văn minh mà vẫn gìn giữ được truyền thống quý giá phải không bạn?

Thôi thư cũng dài rồi, tôi dừng bút đây. Hẹn gặp lại bạn vào Tết năm nay và mong rằng bạn sẽ cùng tôi có một năm mới thật may mắn và hạnh phúc bên cạnh những người mà mình yêu thương nhé!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Nguyễn Thị Chuyên luôn hết lòng tận tụy với các em học sinh.

Cô giáo 'ươm mầm' tri thức trên non cao

GD&TĐ - Bằng sự tận tâm và lòng nhiệt huyết, Cô giáo Nguyễn Thị Chuyên đã có nhiều đóng góp cho ngành GD&ĐT vùng biên huyện Mường Nhé (Điện Biên).

TP Vĩnh Yên tổ chức chương trình tri ân các nhà giáo.

Thành phố Vĩnh Yên tri ân các nhà giáo

GD&TĐ - Sáng 16/11, Phòng GD&ĐT TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) tổ chức chuỗi hoạt động thi đua chào mừng 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024)

Cập nhật sxmb mới nhấtthần số học online miễn phí