Bài học từ trao và nhận lì xì dịp Tết

GD&TĐ - Bài học từ trao và nhận lì xì dịp Tết được cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên Kĩ năng sống, Trường THCS-THPT Phenikaa (Hà Nội) chia sẻ.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Theo phong tục Tết truyền thống, mỗi dịp năm mới, trẻ sẽ được nhận tiền lì xì từ người lớn như một lời chúc tốt lành, may mắn. Người lớn sẽ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí màu sắc rực rỡ để mừng tuổi trẻ em.

Theo quan niệm dân gian, việc người lớn tặng tiền lì xì đầu năm cho trẻ nhỏ để xua đuổi tà ma và cầu chúc cho trẻ khỏe mạnh. Thông qua bao lì xì chứa đựng điều may mắn, tốt lành, các bậc phụ huynh có thể dạy cho con trẻ về những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị của đồng tiền và cách chi tiêu hợp lý.

Nhận tiền lì xì như thế nào để thể hiện lòng biết ơn?

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền cho rằng, không nên quá chú trọng đến số tiền lì xì mà quên đi ý nghĩa tốt đẹp, giá trị tinh thần mà nó mang lại. Do vậy, người lớn cần phải làm gương trong việc thực hành phong tục này và giúp trẻ hiểu được ý nghĩa thực sự của những phong bao lì xì ngày Tết.

Để trẻ biết thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng đối với người lớn, hãy dạy trẻ cách nói lời cảm ơn và những câu chúc tụng đầu năm, nhận lì xì bằng hai tay để thể hiện sự trân trọng người tặng. Việc trẻ bóc phong bì ngay sau khi nhận lì xì hoặc so sánh, hay chê bai, phàn nàn về số tiền nhận được là những điều thiếu văn minh.

Nếu người lớn muốn tập trung vào giá trị tinh thần của món quà lì xì đầu năm thì có thể chuyển những đồng tiền lì xì thành những món quà ấm áp và ý nghĩa như: Tặng cây, tặng hạt giống, tặng quà handmade, tặng sách...cho trẻ.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền trong ngày hội nhà trường tổ chức dịp Tết.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền trong ngày hội nhà trường tổ chức dịp Tết.

Dạy trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, hãy dạy trẻ hiểu giá trị tinh thần bên trong bao lì xì còn quan trọng hơn giá trị vật chất. Giúp trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền là do công sức lao động mà có được, tiền không “mọc trên cây”, vì vậy trẻ cần biết quý trọng sức lao động của người khác.

Người lớn cũng cần giúp trẻ hiểu, những người vất vả lao động để kiếm được đồng tiền họ sẽ biết trân quý và tiết kiệm những đồng tiền do mồ hôi, công sức của mình làm ra.

Chính vì vậy, sẽ là không tốt nếu trẻ có khoản tiền lớn một cách dễ dàng mà không phải đánh đổi bằng sức lao động của mình. Lúc đó trẻ sẽ tiêu tiền một cách thoải mái, chưa kể đến việc tiêu tiền sẽ thành một thói quen, khi không có tiền nữa trẻ sẽ cảm thấy không thoải mái.

Thực tế cũng đã chứng minh có rất nhiều người trúng số, họ có rất nhiều tiền một cách dễ dàng và tiêu pha phóng túng dẫn đến việc nhanh chóng phá sản, thậm chí còn khó khăn, nghèo nàn hơn cả khi họ chưa gặp may mắn. Vì vậy, học cách quản lý tài chính là một điều rất cần thiết đối với trẻ.

Dạy trẻ cách quản lý chi tiêu

Tiền lì xì không những là món quà tinh thần mà đó còn là món quà về vật chất. Trẻ nhận được tiền lì xì từ người lớn, nhưng đổi lại cha mẹ cũng có trách nhiệm lì xì cho những trẻ khác. Khi người lớn tặng lì xì cho trẻ thì số tiền đó thuộc quyền sở hữu của trẻ. Để giúp trẻ sử dụng tiền hợp lý, trẻ cần tham khảo và có sự định hướng của người lớn về việc chi tiêu để tránh lãng phí.

Nhấn mạnh điều này, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền lưu ý, trẻ cần phân biệt được những thứ cần thiết là những thứ chúng ta phải có để tồn tại. Đó là những thứ thiết yếu không thể thiếu như: Sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, tiền học phí... Mặt khác, những cái chúng ta muốn là những thứ không quá thiết yếu và có thể không cần đến nó.

Nếu tiêu tiền quá nhiều ở những thứ chúng ta muốn sẽ gây ra sự lãng phí. Ví dụ: Điện thoại đắt tiền, những dịch vụ giải trí, quần áo, giày dép hàng hiệu... Khi trẻ muốn có một đồ vật gì đó, cha mẹ nên giải thích cho con: Đồ vật đó có thực sự cần thiết hay không? Có phù hợp với mức chi tiêu của gia đình hay không?... Trên cơ sở đó con sẽ tự đưa ra quyết định.

Việc thiếu hụt kiến thức nền tảng về tài chính làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tổ chức cuộc sống sau khi trưởng thành của trẻ. Ngoài ra, điều này còn khiến cách ứng xử của các trẻ em với đồng tiền bị lệch lạc. Thay vì nhờ cha mẹ giữ hộ tiền tiết kiệm, nhiều đứa trẻ muốn được giữ một ít, cất riêng. Nhiều đứa trẻ hãnh diện khi làm chủ một món tiền nhỏ, có quyền quyết định với món tiền ấy và rất thích được tự chủ chọn mua, trả tiền… như người lớn. Chính vì vậy, chúng ta nên tôn trọng nhu cầu sở hữu tiền của trẻ.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền và học trò.
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền và học trò.

Một số gợi ý giúp trẻ sử dụng tiền lì xì đúng cách

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ một số gợi ý giúp trẻ sử dụng tiền vào những việc hữu ích. Theo đó, có thể nuôi một con lợn tiết kiệm hoặc mở tài khoản để trẻ có thể sở hữu một khoản tiền tiết kiệm cho mình.

Trẻ cũng có thể sử dụng tiền tiết kiệm vào những việc có ý nghĩa, như: Phục vụ cho học tập, làm từ thiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Sử dụng tiền lì xì để cả gia đình đi du lịch: Cha mẹ có thể khuyên trẻ hãy dùng số tiền đó để mùa hè sắp tới cả nhà mình cùng nhau đi du lịch, cha mẹ có thể chọn một địa điểm mà con muốn khám phá như một bãi biển, hay một vùng đất mới lạ.

Đối với những trẻ đam mê kinh doanh và đầu tư, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ sử dụng một phần số tiền lì xì hiện có để đầu tư sinh lời. Hãy cho trẻ cơ hội để trở thành những nhà đầu tư, bắt đầu bằng những việc nhỏ như làm móng cho người thân, bán trà chanh, kinh doanh đồ chơi…

Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ lên kế hoạch hàng tháng để trẻ có thể tính toán hợp lý cho các khoản chi tiêu của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giải pháp quà tặng doanh nghiệp hàng đầu