Giáo dục trẻ kỹ năng từ lì xì ngày Tết

GD&TĐ - Lì xì là phong tục không thể thiếu trong ngày Tết, đồng thời cũng là cơ hội để thầy cô, cha mẹ giáo dục trẻ.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Chia sẻ của thầy Trương Văn Minh, giáo viên Kinh tế pháp luật, Trường THCS - THPT Ban Mai, Hà Đông (Hà Nội): Người Việt quan niệm, lì xì tượng trưng cho những điều may mắn mà có thể trao cho nhau, cầu mong mọi sự bình yên, hạnh phúc thuận lợi trong năm mới.

Theo truyền thống, sáng mùng một Tết, cả gia đình sẽ sum họp, thắp hương tổ tiên và cùng vui vầy ăn Tết. Trẻ nhỏ trao cho người lớn những lời chúc tốt đẹp. Ông bà, cha mẹ thì gửi đến trẻ trong nhà những phong bao lì xì đỏ để lấy lộc đầu năm. Đây được xem như là phong tục chẳng thể thiếu vào ngày Tết cổ truyền Việt.

Có nhiều câu chuyện lý giải về nguồn gốc tục lì xì. Trong số đó, có câu chuyện kể rằng, từ thời xa xưa, ở Đông Hải có nhiều yêu quái thường xuyên hoành hành. Song ngày thường chúng luôn bị các thần tiên ở hạ giới canh giữ.

Tuy nhiên, hàng năm các vị thần này đều phải về trời vào thời điểm giao thừa. Lúc này, bọn yêu quái lộng hành quấy rối trẻ em đang ngủ, khiến những đứa trẻ hay giật mình khóc thét giữa đêm.

Một lần có 8 vị tiên đi ngang qua, thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên đứa trẻ. Cha mẹ chúng đem gói những đồng tiền này vào những tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái.

Phép lạ này nhanh chóng lan truyền ra khắp nơi. Nên mỗi khi Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào những túi màu đỏ tặng cho trẻ em, để chúng chóng lớn và khỏe mạnh. Từ đó, phong tục này trở thành không thể thiếu vào mỗi dịp Tết của người Việt Nam.

Thầy Trương Văn Minh, giáo viên Kinh tế pháp luật, Trường THCS - THPT Ban Mai, Hà Đông (Hà Nội).

Thầy Trương Văn Minh, giáo viên Kinh tế pháp luật, Trường THCS - THPT Ban Mai, Hà Đông (Hà Nội).

Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện chí, ý nghĩa tốt đẹp của hành động.

Nhấn mạnh điều này, thầy Trương Văn Minh đồng thời cho rằng, với trẻ nhỏ, khoản tiền mừng tuổi có thể là cơ hội tuyệt vời để thầy cô hay cha mẹ dạy con những bài học về tiền bạc, chi tiêu, tiết kiệm, hay cách chia sẻ với người khác. Cách quản lý tiền mừng tuổi của con cũng sẽ theo từng độ tuổi.

Với trẻ từ 6 đến 15 tuổi, số tiền chỉ vài trăm nghìn đồng, cha mẹ hãy để cho con được vui với số tiền đó. Thay vì cấm đoán cầm tiền hãy hướng dẫn con chi tiêu hợp lý. Với số tiền lớn, cha mẹ có thể thống nhất, thỏa thuận với con để "giữ hộ" và cam kết khi con cần chi tiêu cha mẹ sẽ giúp con sử dụng.

Cha mẹ có thể tạo cho con một sổ tiết kiệm bằng cách ghi rõ khoản tiền có được trên một tờ giấy cùng những hình ảnh sinh động. Các con sẽ có cảm giác như mình đang được sở hữu.

Trẻ lớn hơn thì cha mẹ định hướng để con có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, cách dùng tiền theo lứa tuổi, con sẽ biết dùng tiền lì xì như thế nào cho hợp lý. Từ đó giúp con hiểu được giá trị đồng tiền cũng như có ý thức tiết kiệm, tránh chi tiêu hoang phí về sau.

Thay vì giữ tiền của con, theo thầy Trương Văn Minh, cha mẹ nên lập trình thói quen quản lý tài chính cho trẻ bằng cách khéo léo dạy con chia số tiền ra dù ít hay nhiều. Nên chia theo quy tắc 6 chiếc lọ tài chính cá nhân gồm: Nhu cầu thiết yếu, tiết kiệm, hưởng thụ, giáo dục, từ thiện, đầu tư sinh lời. Đây là cách kiểm soát thu chi hiệu quả mà nhiều người đã áp dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.