Tháng 3/2021, cùng với thời điểm các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh hoạt động tư vấn tuyển sinh, Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học không công bố, công khai đề án tuyển sinh, tuyển sinh sai đối tượng, vượt chỉ tiêu… đều có thể bị phạt tiền. Mức xử phạt cao nhất là 100 triệu đồng cho một vi phạm.
Nghị định quy định rõ, với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ đại học, nếu tuyển sai dưới 10 người học, mức phạt từ 10 – 30 triệu đồng; từ 10 đến dưới 30 người học, mức phạt tiền từ 30 – 70 triệu đồng. Hành vi tuyển sinh sai từ 30 người học trở lên sẽ phạt tiền từ 70 – 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học, mức phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe khi so với nguồn thu học phí từ số lượng thí sinh tuyển vượt chỉ tiêu. Trong điều kiện học phí gần như vẫn là nguồn thu chính của các cơ sở giáo dục đại học, nhất là các trường đại học ngoài công lập, mức xử phạt tối đa 100 triệu đồng chỉ bằng mức thu học phí của 2 – 3 sinh viên trong 2 năm đầu đại học.
Theo kinh nghiệm của nhiều cán bộ làm công tác đào tạo, tuyển sinh, gần như không có cơ sở giáo dục đại học nào có con số đẹp với mức tuyển đạt 100% chỉ tiêu được giao. Với những trường có nguồn tuyển ổn định, tỉ lệ sinh viên nhập học sẽ vượt quá 100%, nhưng vẫn ở ngưỡng vượt cho phép. Một cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng chia sẻ rằng, mặc dù vẫn gọi vượt so với số chỉ tiêu được giao, nhưng các trường vẫn xác định được trọng số để số lượng thí sinh nhập học thực tế vượt không quá 3% so với chỉ tiêu được giao.
Việc các trường trừ hao quá nhiều trong tuyển sinh sau đợt 1 khi gọi vượt gấp 5, gấp 10 số chỉ tiêu còn lại, trong một mùa tuyển sinh khá đặc biệt do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã dẫn đến hiện tượng số lượng thí sinh nhập học thực tế tăng đột biến, vượt quá xa so với tỉ lệ cho phép.
Trong những trường hợp này, cơ hội nhập học là rộng mở nhưng thí sinh chính là người thiệt đơn thiệt kép. Các nguồn lực phục vụ cho công tác đào tạo, thay vì chỉ đáp ứng đúng chỉ tiêu được giao, giờ phải gánh thêm một số lượng sinh viên phát sinh do nhà trường tuyển sinh “vượt rào”.
Số lượng đầu vào tăng đột biến, cũng sẽ kéo theo số lượng đầu ra sẽ vượt quá nhu cầu của thị trường lao động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lệch pha trong cung cầu nguồn nhân lực vì đào tạo không gắn với nhu cầu của xã hội.
Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH được xây dựng dựa trên tỉ lệ giảng viên/sinh viên, trong đó cơ bản là giảng viên cơ hữu, số lượng chương trình đào tạo đã được kiểm định, diện tích sàn/sinh viên. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã bắt buộc các trường ĐH phải công khai đề án tuyển sinh như là một kênh tham khảo chính thống để học sinh phổ thông cân nhắc lựa chọn.
Cùng với quá trình trao quyền tự chủ cho các trường đại học trong tuyển sinh và đào tạo, Bộ GD&ĐT cũng đòi hỏi các trường phải thể hiện trách nhiệm đối với xã hội, trong đó có yêu cầu công khai chất lượng đào tạo, minh bạch trong tuyển sinh. Sự mập mờ trong tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học sẽ chỉ chấm dứt nếu cơ quan quản lý Nhà nước đều tay trong công tác hậu kiểm, tránh tình trạng chỉ thanh tra ngẫu nhiên một vài đơn vị; chế tài xử phạt cũng phải đủ sức răn đe để không có tình trạng tái phạm.