Hấp dẫn nghề kỹ thuật viên nha khoa

GD&TĐ - Xã hội phát triển khiến nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người ngày càng tăng cao, trong số đó có chăm sóc và làm đẹp, thẩm mỹ răng. Nhu cầu tăng nhanh khiến cho ngành nha khoa đang trở thành sự lựa chọn nghề nghiệp khá hấp dẫn giới trẻ hiện nay.

KTV nha khoa Nguyễn Thị Hồng khám, kiểm tra sức khỏe răng miệng cho khách hàng Ảnh: Anh Quang
KTV nha khoa Nguyễn Thị Hồng khám, kiểm tra sức khỏe răng miệng cho khách hàng Ảnh: Anh Quang

Kỹ năng… tổng hợp

Tại Phòng khám Nha khoa Giải Phóng (Hà Nội), công việc của kỹ thuật viên (KTV) nha khoa Nguyễn Thị Hồng khá bận rộn, đặc biệt vào thời điểm sau 5 giờ chiều, nhiều hôm có thể tới 9 giờ - 10 giờ tối mới xong việc. Khách hàng của chị Hồng vừa khám xong là một cậu bé 10 tuổi, được chẩn đoán bị móm với biểu hiện là khớp cắn ngược vào trong, do sự phát triển quá nhanh của xương hàm dưới.

Tuy mới chỉ là những thao tác kiểm tra ban đầu nhưng cậu bé tỏ ra khá lo sợ, khóc lóc ầm ĩ, nên việc dỗ dành, ổn định tâm lý cho cậu được ưu tiên hàng đầu… “Đối với khách hàng nhỏ tuổi, đây là một trong những kỹ năng mà các KTV nha khoa thường phải sử dụng nhất” - chị Hồng vui vẻ chia sẻ.

Tại các trang tuyển dụng trực tuyến như jobstreet, timviecnhanh, mywork… người lao động cũng có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin tuyển dụng KTV nha khoa với mức thu nhập tương đối tốt. Một số công ty, phòng khám tuyển dụng trên cơ sở thỏa thuận lương có phần trăm hoa hồng đối với KTV nha khoa. 

Chị Hồng cho biết, công việc của KTV nha khoa khá đa dạng, bao gồm những kỹ thuật khám, kiểm tra và theo dõi sức khỏe răng miệng hoặc chăm sóc những bệnh lý thông thường về răng miệng; Khôi phục các chức năng của răng và hệ thống nhai, hàn, chữa răng, trồng răng, điều chỉnh khớp… Những năm gần đây, nhu cầu về nha khoa thẩm mỹ tăng cao, khách hàng thường yêu cầu khôi phục lại thẩm mỹ hoặc làm cho đẹp hơn, điều chỉnh dáng, làm trắng hơn… Tại phòng khám, hiện có ba KTV thực hiện các công việc như: Phục hình tháo lắp hàm giả toàn phần, từng phần; phục hình răng cố định; vận hành, trang thiết bị phòng khám, quản lý, lưu trữ hồ sơ, sổ sách, cùng nhiều công việc khác.

Nhu cầu làm đẹp, thẩm mỹ răng ngày càng cao đòi hỏi ngành nha khoa nói chung cần phải được phát triển hơn nữa cả về cơ sở vật chất và chất lượng nguồn nhân lực mới có thể đáp ứng hết nhu cầu của xã hội. Chính vì vậy, KTV nha khoa cần phải được đào tạo đầy đủ về nghiệp vụ y tế, kỹ năng chữa bệnh; đào tạo thực hiện được các kỹ thuật phục hình răng thẩm mỹ chuyên nghiệp.

Đào tạo linh hoạt, dễ kiếm việc làm

Về chương trình đào tạo và tuyển sinh nha sĩ - KTV phục hình răng, tùy theo trình độ của học viên, Bộ GD&ĐT quy định thời gian đào tạo KTV kéo dài từ 1 - 3 năm: Học 3 năm áp dụng cho đối tượng tốt nghiệp lớp 9, thời gian chương trình đào tạo 93 là 36 tháng, học viên được học bổ sung văn hóa để hoàn thiện chương trình THPT.

Học 2 năm, áp dụng cho đối tượng tốt nghiệp THPT, văn bằng tương đương bổ túc văn hóa cấp 3. Học 10 tháng, áp dụng cho các đối tượng tốt nghiệp trung cấp, CĐ, ĐH nhóm ngành sức khỏe như: Điều dưỡng, y sỹ đa khoa, y sĩ y học cổ truyền, hộ sinh trung cấp, KTV xét nghiệm, KTV chẩn đoán hình ảnh… Học 12 tháng áp dụng cho các đối tượng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học nhóm ngành kinh tế, kỹ thuật, ngoại ngữ, sư phạm, luật,… Học 6 tháng, áp dụng cho các đối tượng tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng, y sĩ, bác sĩ.

Hiện nay, nhiều công ty, phòng khám nha khoa, liên tục tuyển dụng KTV có tay nghề, nhằm giải quyết nguồn nhân lực tại chỗ cũng như đào tạo nguồn KTV phục hình răng chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi của xã hội.

Khảo sát cho thấy, mức lương của các KTV tại phòng khám tùy theo kinh nghiệm và thời gian làm việc được trả từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, việc tìm kiếm công việc tại các phòng khám là khá dễ dàng, bởi sự gia tăng nhanh chóng số lượng các phòng khám cũng như nhu cầu chăm sóc răng miệng của người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…