Cần một người truyền lửa xa hơn

Cần một người truyền lửa xa hơn
(GD&TĐ) - Sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam với những buổi thuyết trình đông nghẹt người xem đã để lại nhiều bình luận trái chiều. Có thể nói chưa bao giờ có một sự kiện nào lại lan tỏa trên mạng xã hội dữ dội như thế. Phóng viên báo GD&TĐ đã có cuộc gặp gỡ với Hoa hậu khuyết tật Nguyễn Thị Ánh Ngọc để chia sẻ về vấn đề này.
Được tham gia chương trình tôn vinh người khuyết tật tại TPHCM trong buổi giao lưu với người “không tay, không chân” Nick Vujicic, em chia sẻ cảm nhận của mình về buổi gặp gỡ?
- Tận mắt nhìn thấy Nick nên em càng tò mò và hiếu kì về con người của Nick. Em rất khâm phục cách anh ấy vượt qua những khó khăn về cơ thể để có được những trải nghiệm trong cuộc sống, làm cuộc sống của bản thân trở nên nhiều màu sắc hơn và làm những điều có ý nghĩa cho cộng đồng.
Nguyễn Thị Ánh Ngọc
Nguyễn Thị Ánh Ngọc
Sự kiện Nick đến Việt Nam đã mang lại nhiều bình luận trái chiều, có người nói rằng người Việt Nam sính ngoại, ý kiến của em về vấn đề này thế nào?
- Mỗi người đều có những quan điểm, đứng ở những góc độ khác nhau để nhìn một sự việc, điều đó tạo nên sự đa dạng trong xã hội, đồng thời cũng giúp mọi người có những cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn.
Có người nói rằng số tiền 34 tỉ đồng để mời Nick sang Việt Nam là quá lãng phí, sao không mang đầu tư cho người khuyết tật Việt Nam? Em có nghĩ thế không?
- Mỗi người có một thước đo riêng về sự lãng phí, em không bình luận về điều này, vì em chưa có một thước đo nào để căn cứ vào đó mà nói điều đó là lãng phí hay không. Em chỉ nghĩ, mỗi một sự việc đều có mặt tích cực và tiêu cực của nó, chúng ta không thể thay đổi điều đã diễn ra, vì vậy hãy nhìn vào mặt tích cực mà nó đã đem lại.
Con số hơn 30 tỷ đó không chỉ tập trung toàn bộ để đưa Nick tới Việt Nam, nó còn được phân bổ cho nhiều hoạt động bên lề khác, như trao tặng những món quà đến với những người khuyết tật, tạo những cơ hội để cộng đồng có thể xích lại gần nhau, hướng tới những mục đích ý nghĩa khi tham gia các sự kiện trong chuỗi hoạt động của Nick.
Cái mà Nick mang đến cho các bạn trẻ Việt Nam là gì, đặc biệt đối với cộng đồng người khuyết tật?
- Sự kiện Nick đến Việt Nam đã khiến cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến những người khuyết tật, đến những rào cản, khó khăn mà họ đang gặp phải, đồng thời cũng đánh thức lòng nhân ái, sự trắc ẩn đã vô tình ngủ quên trong lòng rất nhiều người, đánh thức những ý chí, niềm tin có thể đang nhạt nhòa đi với một số bạn khuyết tật, những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Ngọn lửa đã có, đã tồn tại, nhưng vẫn cần một người truyền nó đi xa hơn, rộng hơn, và Nick đang ngẫu nhiên giúp chúng ta làm điều đó. 
Nhiều người nói rằng sao không chọn và tôn vinh chính người khuyết tật Việt Nam, phải chăng bụt chùa nhà không thiêng?
- Người khuyết tật Việt Nam đã, đang và vẫn được tôn vinh, chỉ là chúng ta không thể tôn vinh được hết tất cả, mà chỉ có thể là một số cá nhân nhất định. Tuy nhiên để chọn một người tiêu biểu mang tính hạt nhân kích hoạt thì hơn ai hết, Nick xứng đáng vị trí đó. Bởi anh là người được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ, anh đã đi thuyết trình ở 47 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 1600 bài diễn thuyết. Một tấm gương sáng, một khuôn mặt vô cùng biểu cảm, một lối diễn thuyết hấp dẫn, nghệ thuật. Điều đó không phải ai cũng làm được.
Sự kiện Nick đến Việt Nam nên chăng hãy nhìn ở góc độ tích cực. Câu nói “bụt chùa nhà không thiêng”, đó là tâm lý chung của con người. Để thuyết phục gia đình cho mình lên Hà Nội học đại học, em cũng đã phải nhờ sự thuyết phục của người bên ngoài cùng với một sự chuẩn bị kĩ lưỡng, và em đã vận dụng chính câu nói đó. Nếu nó mang lại hiệu quả mà ta cần, vậy điều đó có gì là không tốt?
Theo em điều gì đã tạo nên thành công của Nick?
- Anh ấy có một gia đình, một cộng đồng sẵn sàng yêu thương, giúp đỡ anh ấy một cách tích cực để anh ấy có thể phát huy được tiềm năng của mình và điều đó giúp anh ấy có một sự dũng cảm đương đầu với tất cả, dũng cảm tiến bước và không ngần ngại để trải nghiệm bất kì điều gì. Dám mạo hiểm thách thức giới hạn của bản thân để vươn tới thành công.
Nhân sự kiện này em muốn chia sẻ điều gì với các bạn khuyết tật nói riêng và các bạn trẻ nói chung?
- Cuộc sống là đấu tranh, chấp nhận và vượt qua. Nick có một câu nói là: “Khiếm khuyết của con người là đầu hàng số phận”, nhưng em thì lại cho rằng: “Khiếm khuyết của con người là tự phủ nhận chính mình”. Dù khiếm khuyết hay hoàn hảo thì chúng ta đều đang cháy sáng hết mình trong cuộc sống của bản thân. Chúng ta chỉ có một cuộc đời để đi, để sống và để trải nghiệm, đừng bỏ lỡ cơ hội để bản thân được trải nghiệm, cho dù trải nghiệm đó đắng chát hay ngọt ngào thì cũng đều có giá trị riêng của nó, cái giá cho sự trưởng thành. Đừng tồn tại mà hãy sống theo cách riêng của bạn!
Đăng Huyền  (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.