10 năm sau đó, chàng thạc sĩ khoa học máy tính quyết định từ bỏ công việc đáng mơ ước ở Thung lũng Silicon (Mỹ) trở về quê hương, gây dựng thương hiệu xe máy điện thuần Việt mang tên Weaver với nhiều giải pháp khắc phục những hạn chế của dòng xe này trên thị trường.
Đi thật xa để trở về
Năm 2008, chia sẻ sau khi đạt Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Tin học quốc tế lần thứ 20, cậu học trò Nguyễn Bá Cảnh Sơn cho biết: “Trong những ngày ra Hà Nội tập huấn cùng đội tuyển, em được thầy cô có tuổi đời rất trẻ hướng dẫn. Các thầy cô đều đi du học ở nước ngoài và trở về đất nước và là những chuyên gia giỏi, có uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).
Tin rồi đây, lĩnh vực CNTT tại Việt Nam nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng sẽ phát triển mạnh, nên sẽ có “đất” để em “dụng võ”. Vì thế, nếu được đi du học, em sẽ cố gắng học hỏi, tìm tòi để trở thành một kỹ sư giỏi ở lĩnh vực CNTT rồi trở về Đà Nẵng vì đây là quê hương của em”.
Hai năm sau đó, Nguyễn Bá Cảnh Sơn du học, chọn ngành CNTT tại Trường ĐH Illinois (Mỹ), học lên thạc sĩ rồi làm kỹ sư phần mềm tại Thung lũng Silicon. Cuối năm 2017, Sơn quyết định trở về Đà Nẵng, bắt đầu con đường khởi nghiệp với nhiều khó khăn và mạo hiểm: Sáng lập Công ty Dat Bike và cho ra đời mẫu xe máy điện thuần Việt mang tên Weaver.
Năm 2017, khi nảy ra ý tưởng nghiên cứu về dòng xe máy điện bảo vệ môi trường, Nguyễn Bá Cảnh Sơn gần như phải nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực mà mình không chuyên sâu. “Để có vốn kiến thức đủ để hiện thực hóa ý tưởng, em phải tìm hiểu lại môn Vật lý bậc THPT và đại học về cơ điện, khí động học, công nghệ pin, thậm chí học cả phần tiện, phay gia công cơ khí, làm bo mạch điện tử…” – Sơn kể.
Bản thử nghiệm xe máy điện đầu tiên ra đời có sự tư vấn, hỗ trợ từ bạn bè, chuyên gia thân quen tại Mỹ, chạy thử tại California vào đầu năm 2018 được đánh giá là có thiết kế gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí vận hành và không gây ô nhiễm môi trường.
Nguyễn Bá Cảnh Sơn nhớ lại: “Để thử nghiệm độ bền của xe, có nhiều ngày ở San Francisco rất lạnh, em một mình chạy xe dọc đường dài. Có khi nguồn điện cạn giữa chừng, phải dừng lại sạc tiếp, cũng có khi xe hỏng, phải nhờ bạn đến chở về”.
Nhưng khó khăn nhất, với “cha đẻ” của xe máy điện Weaver không phải là những cải tiến kỹ thuật làm sao để xe đi được lâu hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn mà là… việc gọi vốn đầu tư. Suốt thời gian dài, một mình Nguyễn Bá Cảnh Sơn với chiếc xe máy điện chạy thử nghiệm di chuyển khắp vùng Bay Area để giới thiệu ý tưởng, tìm kiếm các nhà đầu tư để kêu gọi vốn phát triển sản phẩm.
Đây cũng là khoảng thời gian Sơn hoàn thiện dần các công năng của xe. Khi có một thiết kế vừa ý, Nguyễn Bá Cảnh Sơn quyết định trở về Đà Nẵng, thuê một không gian trong khu Thương xá chợ Hàn làm xưởng nghiên cứu, sản xuất.
Kêu gọi thành công 60.000 USD tại Shark Tank
Mẫu xe máy điện đầu tiên của Nguyễn Bá Cảnh Sơn có tên gọi Weaver. Bản quyền thương hiệu đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Theo đó, chiếc xe này có tốc độ 70km/giờ, ngang với tốc độ trung bình của nhiều xe gắn máy chạy xăng hiện nay. Xe sử dụng nguồn năng lượng từ pin Lithium-ion có tuổi thọ 10 năm (gấp gần 5 lần so với pin của các dòng xe máy điện hiện có trên thị trường).
Theo Sơn, mỗi lần sạc đầy pin cho mỗi chiếc xe mất 3 giờ đồng hồ. Lượng pin này có thể chạy tối đa 100km. Nếu so sánh chi phí tiền điện, mỗi lần sạc mất khoảng 4.000 đồng rẻ hơn so với xe máy chạy xăng mỗi lần di chuyển 100km khoảng 10 lần.
Mới đây, trong chương trình Shark Tank Việt Nam, Dat Bike đã kêu gọi thành công 60.000 USD cho 2% cổ phần từ Shark Hưng.
Theo thông tin từ Nguyễn Bá Cảnh Sơn giới thiệu tại chương trình, các bộ phận của xe máy điện Weaver đều do Dat Bike thiết kế và được sản xuất tại Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc.
Giá thành của một chiếc xe máy điện bán ra trên thị trường là 59,9 triệu đồng, đang khuyến mãi còn 39,9 triệu đồng. Dat Bike đã mở bán xe được hơn một tháng và có 60 người đăng ký mua, 20 chiếc xe đã bán. Doanh thu dự kiến là 100.000 USD. “Với quy mô sản xuất hiện tại, dự án Dat Bike chưa có lãi.
Tuy nhiên, nếu bán được 1.000 chiếc, tỷ suất lợi nhuận gộp là 30%, 10.000 chiếc sẽ lãi 30 - 40%, khi đó, chi phí sản xuất chỉ còn khoảng 25 triệu đồng” - CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn thông tin về dự án startup của mình.
Mục tiêu của Nguyễn Bá Cảnh Sơn và các cộng sự đến cuối năm 2019, sẽ sản xuất 300 chiếc xe máy điện made in Việt Nam. Sơn cũng đang nghiên cứu thị trường để đưa xe máy điện này vào phục vụ khách du lịch thuê với mức giá 100 ngàn đồng/ngày ở một vài thành phố lớn như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.