TP.HCM sắp thí điểm vận chuyển hành khách bằng xe máy điện

GD&TĐ -Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Công ty Grab (Việt Nam)  triển khai thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe máy điện trong quý 4/2019.

Mô hình thí điểm xe máy điện tại một trường học. (Ảnh: MQ)
Mô hình thí điểm xe máy điện tại một trường học. (Ảnh: MQ)

Theo đó, đáng chú ý tại bản ghi nhớ thỏa thuận này, hai bên thống nhất sẽ triển khai thí điểm hình thức vận chuyển hành khách bằng xe máy điện tại một số khu vực trung tâm TP.HCM trong quý 4/2019; Đồng thời xem xét triển khai mở rộng vào cuối năm 2020.

Mô hình xe điện cho thuê tự lái cũng sẽ được hai bên thống nhất tiếp tục nghiên cứu khả năng triển khai trong tương lai gần, phù hợp với định hướng phát triển GTVT của TP.HCM.

Cũng theo thỏa thuận, Grab sẽ chia sẻ dữ liệu cho Sở GTVT TP.HCM, phân tích, đưa ra giải pháp phối hợp xử lý trật tự ATGT trên các phương tiện tham gia hợp tác cùng Grab lưu thông. Đồng thời, Grab Việt Nam sẽ chia sẻ thông tin (các phương tiện ứng dụng phần mềm Grab, hành trình di chuyển của các phương tiện) để Sở GTVT TP.HCM tạo cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc phân tích, mô phỏng và dự báo tình hình giao thôngtrên từng tuyến đường.

Sở GTVT TP.HCM và Công ty Grab cũng đặt kế hoạch nghiên cứu phương án kết nối các dịch vụ vận chuyển hiện tại trên ứng dụng Grab (GrabBike/GrabCar) với hệ thống giao thông công cộng hiện có của thành phố (xe buýt công cộng, buýt đường sông) tạo thêm tiện ích cho hành khách trên lộ trình hàng ngày.

Cùng đó, hai đơn vị sẽ hợp tác, đề xuất khai thác vận tải hành khách công cộng bằng phương tiện sử dụng năng lượng điện, tham gia nghiên cứu đề án phát triển loại hình mini buýt để tăng cường năng lực vận tải hành khách công cộng tại TP.HCM.

Ông Jerry Lim, Tổng giám đốc Grab Việt Nam cho biết, tháng 8/2019, Grab đã công bố khoản đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số trong 5 năm tiếp theo. “Hợp tác của Grab với Sở GTVT TP.HCM là bước tiến lớn ban đầu để triển khai lộ trình “Grab vì cộng đồng” (#GrabforGood) tại Việt Nam.

Chúng tôi sẽ đóng góp vào đề án giao thông thông minh của Sở GTVT  TP.HCM bằng cách sử dụng dữ liệu để hỗ trợ lãnh đạo thành phố đưa ra các quyết định về quy hoạch nhằm cải thiện các vấn đề như: ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Grab cũng sẽ tìm cách phát triển các phương tiện vận chuyển “sạch” như xe điện để đóng góp vào các giải pháp di chuyển bền vững, thân thiện với môi trường của TP.HCM”, ông Jerry Lim nói.

Trước đó, Grab đã đưa vào thử nghiệm dịch vụ đặt vé xe buýt trực tiếp trên ứng dụng dành cho một số khách hàng tại TP.HCM và Vũng Tàu.

Ứng dụng này giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn chuyến xe buýt phù hợp nhất với lịch trình của mình, đặt vé trước và theo dõi cả chuyến đi.

Trong thời gian đầu thử nghiệm dịch vụ Bus, từ ngày 14/10, khách hàng tại TP.HCM và Vũng Tàu có thể đặt vé xe buýt cho tuyến liên tỉnh Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Vũng Tàu do đối tác Avigo vận hành gồm 24 chuyến/ngày. Dự kiến, cuối năm 2019, dịch vụ Bus sẽ bổ sung thêm tuyến nội thành Quận 7 - Quận 1 do đối tác City View vận hành gồm 44 chuyến/ngày.

Ngay trên ứng dụng Grab, khách hàng có thể thoải mái và dễ dàng lựa chọn các chuyến xe, xem trước thông tin chi tiết lộ trình chuyến đi, cập nhật vị trí xe mọi lúc và thanh toán thông qua ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab/thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ quốc tế, sau đó lên xe buýt dễ dàng thông qua việc quét mã QR vé.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.