Hành trình truy bắt sát nhân có biệt danh “Người rắn”. Kỳ 1: Kẻ thủ ác trong vai người buôn đá quý

GD&TĐ - “Người rắn” Charles Sobhraj, sát nhân gốc Việt, gây ra nhiều vụ án mạng nhưng thành công qua mặt giới chức. Nhà ngoại giao người Hà Lan, Herman Knippenberg, đã âm thầm điều tra, đưa kẻ thủ ác ra ngoài ánh sáng.

Sobhraj bị bắt tại Ấn Độ.
Sobhraj bị bắt tại Ấn Độ.

Khát vọng tìm ra thủ phạm

Mùi bên trong nhà xác quá mạnh vì chất khử trùng át đi mùi xác chết đang phân hủy. “Họ ở đây”, một nha sĩ vừa kiểm tra miệng của một thi thể cứng ngắc vừa nói.

Ánh sáng từ cửa sổ phía sau phòng chiếu vào người vị nha sĩ, để lộ hai thi thể một nam, một nữ bị cháy xém. Qua khám nghiệm, đầu của người phụ nữ bị đập bởi một vật nặng trong khi người đàn ông bị bóp cổ.

Cảnh tượng tại nhà xác của cảnh sát tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, vào ngày 3/3/1976 vẫn hiện rõ trong tâm trí của cựu ngoại giao người Hà Lan, Herman Knippenberg. Ông cho biết trong 30 năm làm việc tại nước ngoài, đây là cảnh tưởng gây sốc nhất, khơi dậy nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của cá nhân ông để đưa tên sát nhân ra trước công lý.

Cặp vợ chồng nằm trong nhà xác Bangkok là hai trong ít nhất một chục nạn nhân mà Charles Sobhraj thừa nhận đã sát hại, dù sau đó hắn ta rút lại lời nói này.

Sobhraj đang thụ án tù chung thân tại Nepal vì đã giết hai du khách vào năm 1975. Nhưng nhiều vụ giết người được cho là do hắn ta gây ra vẫn chưa được giải quyết. Trong hàng chục năm trời, kẻ này đã thoát khỏi sự điều tra, truy bắt của cảnh sát trên khắp châu Á.

Tháng 4 vừa qua, BBC phối hợp với Netflix cho ra mắt bộ phim truyền hình dài tập mang tên “The Serpent” (Người rắn). Phim kể về hành trình nhiều năm Sobhraj trốn tránh pháp luật khắp châu Á vì cáo buộc đánh thuốc mê, cướp, sát hại khách du lịch dọc theo “đường mòn Hippie”. Bộ phim cũng tái hiện cách thức Knippenberg phối hợp với chính quyền để tóm gọn kẻ thủ ác.

Lá thư định mệnh

Cặp vợ chồng người Hà Lan bị sát hại tại Thái Lan.
Cặp vợ chồng người Hà Lan bị sát hại tại Thái Lan.

Vào năm 1976, Bangkok vẫn chưa trở thành đô thị của các tòa nhà chọc trời, cao chót vót như ngày nay. Tàu điện ngầm, tàu điện trên cao chưa được xây dựng nên giao thông luôn ở trong tình trạng kẹt cứng.

Thế giới lúc bấy giờ chậm hơn, ít kết nối hơn. Do không có điện thoại thông minh hay phương tiện truyền thông xã hội, một du khách mất tích có thể không bị phát hiện trong vài tuần, thậm chí vài tháng.

Ngày 6/2/1976, Knippenberg nhận được thư thông báo hai du khách người Hà Lan đã mất tích. Thông tin từ một người đàn ông tại Hà Lan cho biết anh ta đang tìm kiếm anh trai và chị dâu, Henricus Bintanja và Cornelia Hemker, bặt vô âm tín tại Thái Lan.

Với tính cách sôi nổi, hai người này thường xuyên viết thư về cho gia đình 2 lần một tuần khi đi du lịch châu Á. Nhưng sáu tuần trở lại đây, người thân không nhận được tin tức nào của cặp đôi.

Là nhà ngoại giao cấp thấp của Đại sứ quán Hà Lan tại Thái Lan, Knippenberg, khi đó 31 tuổi, đã nghi ngờ có điều kỳ lạ.

Trước đó vài tuần, hai thi thể cháy đen được tìm thấy bên vệ đường gần Ayutthaya, cách Bangkok khoảng 80km về phía Bắc. Ban đầu, cơ quan điều tra cho rằng, họ là cặp du khách người Australia mất tích nhưng hóa ra hai người này vẫn bình an vô sự. Lúc này, Knippenberg tự hỏi liệu hai thi thể có phải cặp vợ chồng người Hà Lan được nhắc đến trong bức thư hay không.

Vì vậy, ông đã nhờ một nha sĩ người Hà Lan, làm việc tại Bangkok, giám định hai thi thể tại nhà xác của cảnh sát, đối chiếu với hồ sơ nha khoa của đôi vợ chồng mất tích. Kết quả hoàn toàn trùng khớp.

Vụ án này làm Knippenberg nhớ đến câu chuyện kỳ lạ mà người bạn Paul Siemons, tuỳ viên hành chính tại Đại sứ quán Bỉ, kể cho ông vài tuần trước đó. Chuyện về một nhà buôn đá quý người Pháp, Alain Gautier, gom góp số lượng lớn hộ chiếu của những người mất tích được cho là đã bị sát hại. Hai trong số các hộ chiếu là của một cặp đôi người Hà Lan nhưng Siemons từ chối tiết lộ nguồn thông tin của mình.

Vào thời điểm đó, Knippenberg cho rằng câu chuyện quá kỳ quặc. Nhưng sau này, cả ông và Siemons đều nhận ra, Alain Gautier là bí danh do Sobhraj sử dụng. Trên đường chạy trốn, Sobhraj đã đóng giả làm nhà buôn đá quý người Pháp để kết bạn với những du khách tại Bangkok rồi chuốc thuốc mê và sát hại họ. Trong thời kỳ an ninh biên giới lỏng lẻo, hắn thường sử dụng hộ chiếu của các nạn nhân để chu du khắp châu Á.

Cuộc truy lùng “Người rắn”

Nhà ngoại giao Herman Knippenberg.
Nhà ngoại giao Herman Knippenberg.

Sau khi có kết quả giám định nha khoa của hai thi thể, Knippenberg đã liên lạc với Siemons và yêu cầu tiết lộ nguồn thông tin về người buôn đá quý. Sau một hồi thuyết phục, Siemons cho ông một cái tên, Nadine Gires, người phụ nữ Pháp sống cùng khu chung cư với Sobhraj và giới thiệu khách hàng cho hắn ta.

Khi gặp Knippenberg, Gires tiết lộ những người từng làm việc cho Sobhraj đã bỏ trốn sau khi phát hiện bộ sưu tập hộ chiếu của người mất tích vì sợ hắn ta sẽ giết họ. Cô cũng nhớ từng nhìn thấy cặp vợ chồng người Hà Lan đến nhà của hắn.

Knippenberg đã cảnh báo vụ việc cho các nhà chức trách Thái Lan nhưng vẫn âm thầm tự mình điều tra.

Sáng ngày 11/3/1976, Gires thông báo cho Knippenberg biết rằng Sobhraj và bạn gái, Marie-Andrée Leclerc, còn gọi là Monique, dự định đi châu Âu một thời gian.

Knippenberg đã báo cảnh sát và ngay tối hôm đó, cảnh sát ập vào căn hộ bắt Sobhraj.

Họ áp giải hắn về trụ sở để thẩm vấn nhưng kẻ giết người đã chuẩn bị sẵn. Sử dụng hộ chiếu đánh cắp từ một trong những nạn nhân, hắn đã thế ảnh mình vào. Sobhraj tuyên bố mình là công dân Mỹ và được thả tự do.

Đêm đó, Gires hoảng loạn gọi cho Knippenberg, báo rằng một bạn cùng nhà với Sobhraj, đồng thời là đồng phạm bị tình nghi, đã mời cô đến căn hộ để trò chuyện. Knippenberg phải đấu tranh tư tưởng rất lâu.

Nếu Gires đi, tính mạng người phụ nữ có thể gặp nguy hiểm. Nhưng nếu không, Sobhraj sẽ nghi ngờ cô đã báo cảnh sát. Cuối cùng, ông quyết định để Gires đi vào hang cọp.

Trong lúc nói chuyện, thừa dịp kẻ đồng phạm không để ý, Gires đã nhét một số ảnh hộ chiếu vào áo ngực của cô. Sau này, đây là tài liệu cung cấp cho họ thêm thông tin về những nạn nhân.

Sáng hôm sau, Sobhraj và Monique rời Thái Lan đến Malaysia. Đây không phải lần cuối cùng hắn ta lọt lưới nên được đặt biệt danh là “Người rắn”.

Giết người trên “đường mòn Hippie”

Bài báo được đăng tải trên Bangkok Post về tội ác của Sobhraj.
Bài báo được đăng tải trên Bangkok Post về tội ác của Sobhraj.

Sinh năm 1944 tại TPHCM, Sobhraj có mẹ là người Việt Nam và cha là người Ấn Độ. Vài năm sau khi sinh ra, cha mẹ Sobhraj chia tay và hắn bị cha từ chối. Sobhraj đã trải qua một thời thơ ấu khó khăn.

Mẹ hắn kết hôn với một người lính Pháp và gia đình chuyển đến Pháp, nơi cậu thiếu niên Sobhraj phải vật lộn để ổn định cuộc sống trước khi bước vào con đường phạm tội.

Những người từng gặp Sobhraj đều nhận xét hắn ta là người đẹp trai, quyến rũ, có rất nhiều bạn gái. Sobhraj yêu thích triết gia theo chủ nghĩa hư vô người Đức, Friedrich Nietzsche. Nhiều người tiết lộ hắn ta là một chuyên gia võ thuật.

Lần đầu tiên Sobhraj bị bắt vào tù tại thủ đô Paris, Pháp, vào năm 1963 vì tội ăn trộm. Hắn ta đã trốn khỏi nhà tù, gây tội ác từ Balkan đến Đông Nam Á. Trên hành trình của mình, hắn thu hút nhiều đồng bọn, thường là khách du lịch. Việc hắn nuôi dưỡng một “gia đình” tội phạm khiến báo chí gán cho biệt danh “Charles Manson (kẻ giết người hàng loạt người Mỹ) của châu Á”.

Sau này, Sobhraj cuối cùng cũng thừa nhận thực hiện ít nhất 12 vụ giết người từ năm 1972 đến năm 1976. Hắn cũng ám chỉ đã sát hại nhiều nạn nhân khác lúc được phỏng vấn nhưng đều rút lại lời thú tội trước các phiên tòa tiếp theo.

Một số nạn nhân được cho là bị đánh thuốc mê và chết do dùng quá liều, số khác bị chết đuối. Có những người bị đâm, bị đổ xăng và thi thể cháy xém đến mức không thể nhận dạng của họ bị vứt bên đường. Không ai rõ số nạn nhân thực sự của hắn và chỉ có hai trong số các vụ giết người khiến hắn bị bỏ tù, còn lại vẫn rơi vào bế tắc.

Nạn nhân đầu tiên do Sobhraj thú nhận là một tài xế taxi người Pakistan vào năm 1972 tại Thái Lan. Ít nhân 6 nạn nhân, một du khách Mỹ, một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ, hai người Pháp và cặp vợ chồng người Hà Lan, được cho là bị Sobhraj và đồng bọn sát hại năm 1975.

Bên trong hang ổ của Sobhraj

Charles Sobhraj từng sống tại Pháp.
Charles Sobhraj từng sống tại Pháp.

Nhưng vào thời điểm đó, Knippenberg chưa biết tất cả những điều này. Việc Sobhraj bỏ trốn khiến nhà ngoại giao cảm thấy chán nản. Phát hiện Knippenberg vẫn đeo đuổi vụ án, Đại sứ quán Hà Lan cho phép ông nghỉ 3 tuần.

Trước khi lên đường, Knippenberg cùng vợ, Angela, biên soạn các tài liệu liên quan đến vụ án và gửi chúng đến các đại sứ quán tại Bangkok.

Khi trở về, Knippenberg nhận được cuộc gọi từ Đại sứ quán Canada. Cảnh sát Canada đã đến thăm cha mẹ của Monique. Họ cho biết con gái đã đi du lịch với bạn trai và để lại một liên lạc khẩn cấp gần Marseilles, Pháp. Khi cảnh sát Pháp kiểm tra, họ phát hiện đây là liên lạc của mẹ Sobhraj.

Đến giờ, Knippenberg đã biết danh tính thực sự của kẻ buôn đá quý. Hắn ta là Charles Sobhraj.

Cùng tháng, Gires gọi điện, cảnh báo chủ nhà của Sobhraj định cho thuê căn hộ và sẽ vứt bỏ đồ đạc của hắn ta. Lo ngại những bằng chứng quan trọng bị mất, Knippenberg tập hợp một đội lục soát căn hộ.

Họ tìm thấy 5kg thuốc và ba hộp chất lỏng giống hóa chất. Họ cũng tìm thấy áo khoác và túi xách của người phụ nữ Hà Lan, Hemker.

Ngày 5/5/1976, đại sứ Hà Lan nói Knippenberg hãy chia sẻ câu chuyện với báo chí. Trong vài ngày, tờ báo Bangkok Post đã đăng tải câu chuyện trên trang nhất với tiêu đề “Web of Death”. Bài báo đã thu hút sự chú ý của nhà chức trách Thái Lan. Họ đã phát thông báo của Interpol giúp vây bắt Sobhraj tại Ấn Độ vào ngày 5/7/1976.

(còn tiếp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ