Cuộc thi “Người Nhân văn khởi nghiệp” do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, diễn ra từ ngày 22/8 đến 26/10. Sau hai vòng thi, từ 50 ý tưởng ban đầu, Ban tổ chức đã chọn ra 8 ý tưởng xuất sắc vừa tranh tài sôi nổi tại Vòng Chung kết “Tôi tỏa sáng”.
Tại đây, cả 8 dự án đều gây ấn tượng cho cả ban giám khảo lẫn khán giả về sự mới mẻ nhưng rất nhân văn. Ở mỗi dự án, các SV đều thể hiện được sự bản lĩnh, tài năng và niềm đam mê khởi nghiệp.
SV Thành Gia đang trình bày dự án về những sản phẩm từ trái quách |
Trong đó, ấn tượng nhất ở vòng chung kết chính là dự án sản xuất những sản phẩm làm từ trái quách của Nguyễn Thành Gia, SV năm nhất ngành tâm lý học.
Dự án gây chú ý không chỉ bởi sự độc đáo về loại trái cây đặc biệt mà còn bởi sự đầu tư công phu, tính thực tế. Thành Gia đã đam mê nghiên cứu về trái cây này từ năm 17 tuổi và tự chế biến thành các sản phẩm không chỉ ngon mà còn đẹp mắt để đem đến cuộc thi cho mọi người thưởng thức như rượu quách, kẹo, mứt.
Thành Gia cho hay trái quách khá phổ biến ở Trà Vinh nhưng được người dân trồng chủ yếu làm bóng mát hoặc ăn trong phạm vi gia đình vì rất rẻ, nếu bán chỉ 3.000-4.000 đồng/trái .
Các thành viên nhóm dự án Mental coffee - cà phê chia sẻ thuyết trình về dự án của mình trước hội đồng giám khảo |
“Cứ đến mùa, người dân mới hái ăn hoặc ngâm rượu uống nên đến nay vẫn ít người biết. Có lần, người chị của em nói đùa rằng “giá như trái này cũng được chế biến thành đặc sản như kẹo dừa để ăn quanh năm thì tốt biết mấy”. Nghe vậy, tự nhiên em ấp ủ làm sao để sản xuất và đưa các sản phẩm từ trái quách đến với người tiêu dùng nhằm tạo ra một chuỗi sản phẩm nên bắt đầu làm dự án này” - Gia kể.
Qua nghiên cứu, Thành Gia phát hiện trái cây này không chỉ ăn được mà trong đó còn có nhiều chất tốt cho sức khỏe, giúp trị bệnh về táo bón, tiêu hóa, xương cốt... Em muốn chế biến trái này thành năm sản phẩm gồm kẹo dẻo, mứt đông, bột quách, trà túi lọc, rượu.
“Không chỉ là khởi nghiệp, em muốn đưa trái quách đến gần hơn với người tiêu dùng. Ngoài ra còn góp phần tạo thêm thu nhập cho bà con đồng bào dân tộc Khmer. Từ đó cũng sẽ tạo thêm giá trị tinh thần, trải nghiệm văn hóa giúp phát triển du lịch địa phương” - Gia nói.
Thành viên nhóm dự án Shub classroom - kết nối học sinh với giáo viên trả lời câu hỏi từ Ban giám khảo |
Thành Gia cho biết đang có kế hoạch tìm nguồn nguyên liệu để tăng sản lượng sản phẩm, cũng như kêu gọi nhà đầu tư để nâng tầm giá trị cũng như phát triển sản phẩm đặc sản của quê hương mình.
Chung cuộc Ban tổ chức đã trao giải Nhất cuộc thi cho dự án của Nguyễn Thành Gia với giá trị giải thưởng 30 triệu đồng. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao giải Nhì thuộc về dự án Mental coffee - cà phê chia sẻ và giải Ba là dự án Shub classroom - kết nối học sinh với giáo viên.