Hành trang cho việc làm thời hội nhập

GD&TĐ - Cùng với sự gia tăng nhu cầu nhân lực đến Nhật Bản, người lao động biết tiếng Nhật tại Việt Nam có nhiều cơ hội việc làm cho thu nhập cao và ổn định. Tuy nhiên, để có được vốn Nhật ngữ đáp ứng yêu cầu công việc, cần một quá trình học tập liên tục và bền bỉ.

Tiếng Nhật đang được các bạn trẻ theo học với nhu cầu thực tiễn
Tiếng Nhật đang được các bạn trẻ theo học với nhu cầu thực tiễn

Sôi động thị trường tuyển dụng

Tìm kiếm tại trang tuyển dụng trực tuyến Jobstreet.com với tiêu đề: Nhân viên tiếng Nhật, thì gần như ngay lập tức cho kết quả hơn 8.000 thông tin với hàng chục nghìn vị trí việc làm. Tìm hiểu kỹ hơn tại trang tuyển dụng này cho thấy, nhu cầu của các vị trí làm việc cần nhân lực biết tiếng Nhật khá đa dạng như: Phiên dịch, hỗ trợ đào tạo, bán hàng, nhân viên kế hoạch sản xuất, quản trị nhân sự, xuất nhập cảnh…

Mức lương theo đăng tuyển của các công ty sản xuất phổ biến từ 400 - 700 USD/tháng; Vị trí việc làm yêu cầu trình độ cao, mức lương từ 800 - 1.000 USD/tháng hoặc tùy thỏa thuận ở mức cao hơn. Bên cạnh mức lương, các công ty đồng thời cam kết điều khoản về phúc lợi như: Bảo hiểm, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến cho người lao động sau khi được tuyển dụng.

Cũng tại trang tuyển dụng này, bên cạnh thông tin đăng tuyển của các công ty đến từ Nhật Bản, còn có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm nhân sự biết tiếng Nhật. Về trình độ Nhật ngữ, các doanh nghiệp yêu cầu nhân sự phải đạt trình độ N3 trở lên. Một số ít yêu cầu trình độ N4 thậm chí N5, tất nhiên mức lương chi trả cho các nhân sự ở trình độ này sẽ thấp hơn…

Mặc dù chỉ là một thử nghiệm tìm kiếm ngẫu nhiên trong số rất nhiều trang tuyển dụng, cũng như các kênh thông tin tuyển dụng khác, nhưng qua đây, có thể thấy được nhu cầu nguồn nhân lực có năng lực Nhật ngữ đang ngày càng trở nên bức thiết hơn, ngay tại thị trường lao động Việt Nam.

Vượt qua “rào cản”

Sự gia tăng nhu cầu nhân lực dẫn đến việc số lượng người có nguyện vọng học tiếng Nhật đang tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, từ trước đến nay, tiếng Nhật luôn được đánh giá là một ngôn ngữ khó học. Đây là một “rào cản” không nhỏ đối với những người mong muốn tiếp cận ngôn ngữ này.

Trong tiếng Nhật, phổ biến nhất là các cấp độ Kyu (N) được thể hiện theo cấp độ tăng dần từ N5 đến N1. Các cấp độ từ N5 đến N3, người học coi như đã có kiến thức cơ bản. Để đạt được cấp độ N3, người học phải mất 12 tháng học tập trung với cường độ cao và đội ngũ giáo viên hầu hết là người Nhật có nhiều kinh nghiệm giảng dạy.

Tiêu chuẩn này tương đương với trình độ năm thứ 3 đại học ngoại ngữ. Ở cấp độ N3 người lao động được coi là thành thạo trong giao tiếp hàng ngày và công việc. Họ hoàn toàn có thể xin việc tại các công ty Nhật Bản. Ở cấp độ N2, N1 hiện không có nhiều người học, tuy nhiên đây được xem là điểm cộng khi người lao động có nguyện vọng du học và làm việc lâu dài ở Nhật Bản.

Theo các chuyên gia, để có thể học tốt tiếng Nhật, đầu tiên cần xác định mục tiêu học tập và thời gian cần thiết. Đối với những người bắt đầu học, cần tìm một lớp học để có những kiến thức cơ bản về tiếng Nhật. Đây là bước quan trọng đặt nền móng vững chắc cho cả quá trình học tập. Thay vì tự học qua Internet, người học tại lớp sẽ được các giáo viên giải đáp ngay những vướng mắc, đồng thời được tư vấn để lựa chọn những tài liệu học tập thích hợp.

Điểm chung khi học bất cứ ngoại ngữ nào là các kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết. Người học tiếng Nhật cần tự tạo môi trường giao tiếp để luyện nghe nói thường xuyên. Cách phổ biến trong việc này là chọn các kênh truyền hình để luyện nghe cách phát âm, đồng thời qua đó có thể hiểu hơn về văn hóa Nhật Bản. Đối với việc luyện kỹ năng nói, cố gắng trao đổi với giáo viên bằng tiếng Nhật, tự tìm kiếm bạn Nhật để tăng cường khả năng giao tiếp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.