Tôi đã bị thuyết phục sâu sắc bởi câu nói này từ thực tế nhiều năm theo dõi giáo dục, và gần đây nhất là từ những câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ trong chương trình “Thay lời tri ân” năm 2020.
Là chương trình đặc biệt về nhà giáo, “Thay lời tri ân” năm nào cũng có câu chuyện đầy cảm xúc về nghề dạy học. Chọn chủ đề “Hạnh phúc”, chương trình năm nay cho thấy một điều rất rõ ràng, con đường đến với hạnh phúc của người thầy không phải là những điều quá lớn lao, “đao to búa lớn”. Hạnh phúc đến với họ từ việc làm vô cùng gần gũi, bình dị nhưng lại chạm đến trái tim bởi xuất phát từ sự quan tâm và tình yêu thương chân thành.
Nhiều hình ảnh đẹp và xúc động mà ai cũng phải lắng lại, cho cảm nhận thật rõ niềm hạnh phúc giản dị mà cao cả của người thầy: Cái ôm thật chặt của cậu học trò đặc biệt với thầy Hoàng Đức Mạnh, giáo viên Trường THCS Lê Thanh (huyện Mỹ Đức, Hà Nội); nụ cười của thầy Hoàng Đức Hòa, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT Bố Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) khi bám bè chuối vượt lũ để lấy thực phẩm về cho học trò, đồng nghiệp; cái khoát tay dứt khoát của thầy giáo người dân tộc với gương mặt sạm nắng gió cho biết sẵn sàng đóng góp thêm tiền để nấu bữa trưa miễn phí cho học trò; ánh mắt rạng ngời của người thầy ngồi xe lăn khi được quay trở lại trường sau một năm chiến đấu với bệnh tật…
Hạnh phúc của nhà giáo, đôi khi giản dị vô cùng.
Đó là không phải nhìn cảnh học trò vì đói mà ngất lịm giữa giờ; được nhìn thấy đủ những gương mặt học trò, không em nào nghỉ học; có bữa cơm đầy đủ hơn cho học sinh nội trú khi cả trường đang bị cô lập bởi nước lũ; là sự thay đổi từng ngày của học trò, mỗi ngày tốt hơn lên, rồi dần trưởng thành, trở thành người có ích; hay được tiếp tục đứng trên bục giảng, hết lòng với nghề dù cơ thể không còn lành lặn... Niềm hạnh phúc đó thực sự lan tỏa được nguồn năng lượng tích cực, giúp người thầy biến lực cản thành động lực, vượt qua mọi khó khăn khi thực hiện đổi mới.
Toàn ngành Giáo dục vừa trải qua một năm học vô cùng đặc biệt bởi những biến động, xáo trộn lớn do dịch bệnh Covid-19 và thiên tai gây ra. Trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh, trong mưa lũ khủng khiếp ở miền Trung, luôn in dấu chân không mỏi của các thầy cô giáo, bằng trách nhiệm, tâm huyết, nỗ lực tuyệt vời đã không chỉ góp phần bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên của mình, mà còn hoàn thành chủ trương của toàn ngành: “Tạm dừng đến trường, không dừng học”.
Xúc động vô cùng khi trong thời gian giãn cách xã hội, có cô giáo dù đang mang thai, rồi con nhỏ, nhưng vẫn đều đều dậy lúc 5 giờ sáng để đến từng nhà học sinh giao bài, hướng dẫn trò học rồi thu bài về chấm. Thương trò vùng khó chưa có điều kiện học trực tuyến, thầy cô không quản đường núi, đường đèo xa xôi, trắc trở đến tận nhà học sinh hướng dẫn, giao bài tập.
Nhiều thầy cô dù kinh tế gia đình không khá giả, nhưng vẫn lặng lẽ tự sắm thiết bị để dạy học trực tuyến, rồi kiên trì đến từng nhà cài đặt, hướng dẫn trò học trực tuyến… Biến thách thức thành cơ hội phát triển, thầy cô đã kiên trì, tự học, tự trau dồi mỗi ngày để có những giờ học qua Internet, trên truyền hình hiệu quả.
Không chỉ làm nhiệm vụ dạy học, đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học cũng lao vào tìm tòi, nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm tuyệt vời, góp công cùng cả nước chống dịch mà không cần phải được kêu gọi, hô hào...
Dù rất vất vả, khó khăn, nhưng những việc làm đó đều được thầy cô thực hiện bằng tất cả tấm lòng và với niềm hạnh phúc: Hạnh phúc vì được làm việc có ích, hạnh phúc vì được góp sức cùng toàn ngành vượt qua khó khăn, hạnh phúc bởi mình đã thay đổi tốt hơn, và đặc biệt hạnh phúc vì mang lại niềm hạnh phúc cho học trò thân yêu…
Xin một lần nữa nhắc lại câu nói: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”. Khi hạnh phúc, thầy cô sẽ làm việc hiệu quả và cống hiến trọn vẹn nhất. Tin rằng, với tình yêu nghề, cháy hết mình với nghề, mỗi thầy cô sẽ hạnh phúc với con đường mình đã chọn. Để mỗi ngọn lửa hạnh phúc giản dị sẽ bền bỉ thắp sáng tâm hồn các thế hệ học trò mãi mãi về sau.