Hạnh phúc của người thầy là thực hiện lý tưởng “ươm trồng” thế hệ tương lai

GD&TĐ - Mỗi người có thể lựa chọn cho mình quan điểm về hạnh phúc, nhưng đối với người thầy, hạnh phúc chính là thực hiện lý tưởng cao cả “ươm trồng” thế hệ tương lai - nguồn nhân lực quan trọng cho đất nước phát triển.

Từ phải qua trái: Bà Trương Thị Mai, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các quý vị đại biểu tới dự Chương trình "Thay lời tri ân" - chủ đề: Hạnh phúc
Từ phải qua trái: Bà Trương Thị Mai, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các quý vị đại biểu tới dự Chương trình "Thay lời tri ân" - chủ đề: Hạnh phúc

Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương – nhấn mạnh điều này khi phát biểu tại Chương trình “Thay lời tri ân” – tối 15/11.

Những hy sinh, cống hiến thầm lặng

Dẫn lại từ chủ đề “Cống hiến” năm 2018, “Thầm lặng” năm 2019 đến “Hạnh phúc” năm 2020, bà Trương Thị Mai ghi nhận, Chương trình “Thay lời tri ân” là sự động viên, cổ vũ mang nhiều ý nghĩa dành cho các thầy cô giáo trong cả nước - những người đang góp phần cho sự nghiệp trồng người - nhân dịp 20/11.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng Ban Dân vận Trung ương gửi đến các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục, những người đang góp phần cho công tác GD-ĐT lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Bà Trương Thị Mai phát biểu tại chương trình
Bà Trương Thị Mai phát biểu tại chương trình

Theo Trưởng Ban Dân vận Trung ương, năm 2020, đất nước chịu tác động rất lớn bởi dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, bão lũ, để lại hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế - xã hội và cuộc sống của nhân dân. Ngành Giáo dục đi qua một năm học trong điều kiện đặc biệt, nhiều biến động, xáo trộn, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động dạy và học.

Trong tình hình đó, với phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”, bằng những phương pháp, hình thức phù hợp như: học trực tuyến, dạy học từ xa qua truyền hình, Internet, điều chỉnh linh hoạt nội dung dạy học..., toàn ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành chương trình năm học.

Cùng với đó là tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt,  kế hoạch tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp với điều kiện dịch bệnh, đã tạo sự yên tâm cho gia đình, xã hội, bảo đảm quyền và cơ hội tiếp cận công bằng cho học sinh.

Để có được kết quả đó, ngành GD-ĐT cùng với đội ngũ các thầy, cô giáo đã có nhiều nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn để có thể vừa đảm bảo việc dạy và học, vừa tham gia phòng, chống dịch bệnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi không có hoặc khó khăn để có thể tổ chức dạy - học trực tuyến.

Hạnh phúc của người thầy là thực hiện lý tưởng “ươm trồng” thế hệ tương lai ảnh 2

Những tháng qua, các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, việc học hành của các em lại một lần nữa phải gián đoạn, một số trường học thành nơi trú ẩn cho người dân, các thầy cô giáo thêm một lần vất vả gồng mình khẩn trương khắc phục hậu quả “bão chồng bão, lũ chồng lũ", đảm bảo điều kiện cần thiết cho các em sớm trở lại trường.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số trường học ở miền Trung chưa thể tổ chức lại việc dạy - học. Không thể nói hết những tấm lòng, sự hy sinh của các thầy cô, ‘‘thầm lặng”, “cống hiến”... tất cả vì học sinh thân yêu.

Bà Trương Thị Mai chia sẻ, tại những cuộc gặp trước và tại cuộc gặp này đã để lại bao nhiêu điều sâu sắc, xúc động, nhưng cũng chưa đủ với sự đóng góp cho sự nghiệp trồng người của nhiều thế hệ nhà giáo trong cả nước.

Hạnh phúc là những điều giản dị

Theo Trưởng Ban dân vận Trung ương, những năm gần đây, ngành Giáo dục có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng dạy - học và đã đạt được những kết quả tích cực, trong đó có sự đóng góp to lớn của các thầy cô giáo - những người đang hàng ngày trực tiếp giáo dục các em học sinh trở thành người hữu ích cho xã hội.

Rất vui mừng trong nhiều năm nay, đoàn học sinh Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đều đạt được thành tích xuất sắc. Năm nay, đội tuyển Hóa học có 4/4 em đạt Huv chương Vàng, xếp thứ hai thế giới, sau đội tuyển Hoa Kỳ; đội tuyển Toán có 6/6 em đều đạt giải, lần đầu tiên có một học sinh lớp 10 giành được Huy chương Vàng, đứng thứ tư thế giới.

Chương trình “Thay lời tri ân” là sự động viên, cổ vũ mang nhiều ý nghĩa dành cho các thầy cô giáo trong cả nước
Chương trình “Thay lời tri ân” là sự động viên, cổ vũ mang nhiều ý nghĩa dành cho các thầy cô giáo trong cả nước 

Có được kết quả này, không chỉ là nỗ lực của học sinh mà còn của ngành Giáo dục, của nhiều thầy cô giáo đã hết lòng cho các em có được thành tích tự hào đó. Đặc biệt, cách đây vài ngày, đã có một giáo viên nằm trong Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu, đây là giải thưởng đầu tiên đối với Việt Nam, cô giáo Hà Ánh Phượng, 29 tuổi, người dân tộc Mường, giáo viên tiếng Anh đến từ Trường THPT Hương Cần (Phú Thọ), ngôi trường có đến 85% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, đã giúp cho học sinh tham gia mô hình “Lớp học xuyên biên giới”. Kết quả này đã truyền cảm hứng cho học sinh và cả đội ngũ giáo viên về việc đổi mới phương pháp dạy học, tạo cơ hội cho các em dù ở bất kỳ đâu đều có cơ hội để tiếp cận với nền giáo dục tiến bộ, hiện đại.

“Có biết bao nhiêu tấm gương, tình cảm của các thầy cô đã đi theo các em suốt cuộc đời, trong nhiều câu chuyện xúc động, tôi không thể nào quên câu chuyện về Lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 của 34 học sinh và 2 cô giáo tại điểm trường xa nhất của tỉnh Quảng Nam, không có cờ hoa, không có bố mẹ đón đưa nhưng tại Tắk Pổ, Trà Tập, Nam Trà My vẫn trang nghiêm, ấm áp và đầy cảm xúc.

Những dòng trên Facebook của cô giáo Trà Thị Thu đã gây xúc động mạnh trong cả nước: “Hân hoan chào đón năm học mới, tuy không có cờ hoa rực rỡ, bố mẹ đưa đón nhưng tại điểm trường trên đỉnh núi đầy mây gió, cô và trò cũng cố tạo nên không khí khai giảng trong đơn sơ nhưng ấm áp. Hy vọng năm học mới nhiều cái mới, niềm vui mới, hạnh phúc mới, chúc mừng năm học mới”. Hạnh phúc đó thật giản dị nhưng cũng thật sâu sắc” – bà Trương Thị Mai bày tỏ.

Thầy Thái Thành Thuận - Trường THCS Tam Bình (Cai Lậy - Tiền Giang) giao lưu với khán giả
Thầy Thái Thành Thuận - Trường THCS Tam Bình (Cai Lậy - Tiền Giang) giao lưu với khán giả

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển

Nhấn mạnh, GD-ĐT luôn là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; phát triển GD-ĐT là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, Trưởng Ban dân vận Trung ương khẳng định: Nhiều năm, qua Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp GD-ĐT, trong đó chăm lo đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp trồng người và nghề giáo luôn được Đảng, Nhà nước, xã hội trân trọng xem đó là nghề cao quý.

Nhắc lại niềm hy vọng to lớn của Bác Hồ cho thế hệ trẻ của đất nước là: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các em...”, Trưởng Ban dân vận Trung ương cho hay: Bác luôn xem vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ các thầy cô giáo, đây là những người dẫn dắt cho thế hệ trẻ, mang niềm tin, lý tưởng, nhân cách, đạo đức, kiến thức đến cho các em để sau này là rường cột của nước nhà.

Đề cao sứ mệnh của người thầy giáo, Bác Hồ đã viết “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này... Người thầy tốt là anh hùng vô danh... Nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất vẻ vang”.

Chương trình đã để lại nhiều xúc cảm cho các thầy, cô giáo
Chương trình đã để lại nhiều xúc cảm cho các thầy, cô giáo

Theo bà Trương Thị Mai, những yêu cầu và những mục tiêu tiếp theo của đất nước đang đặt ra những trách nhiệm to lớn đối với sự nghiệp GD-ĐT, không có nguồn nhân lực chất lượng cao, chúng ta không thể thành công trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không thể đổi mới sáng tạo để phát triển nhanh và bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GD-ĐT cũng đứng trước những khó khăn, thách thức phải vượt qua để đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

“Tôi mong rằng, các thầy cô giáo sẽ luôn yêu nghề, vững vàng, nỗ lực không ngừng cho thế hệ trẻ Việt Nam và tương lai của đất nước” – bà Trương Thị Mai nhắn gửi, đồng thời chúc các thầy cô, các cán bộ quản lý giáo dục, những người đang phục vụ cho sự nghiệp giáo GD-ĐT luôn yêu nghề, nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

“Chủ để được chọn cho Chương trình “Thay lời tri ân” năm nay là “Hạnh phúc”, mỗi người trong cuộc sống có thể lựa chọn cho mình quan điểm về hạnh phúc khác nhau, nhưng tôi nghĩ rằng, đối với người thầy, hạnh phúc đó chính là thực hiện lý tưởng cao cả ươm trồng thế hệ tương lai - nguồn nhân lực quan trọng cho đất nước phát triển.

Dù ở thành phố hay  ở nông thôn, vùng cao, miền núi đều có hình ảnh của các thầy, cô tận tụy phục vụ cho lý tưởng cao cả đó, mang lại niềm tin cho các thế hệ nối tiếp nhau, vững bước cho sự nghiệp phát triển, Việt Nam sẽ bước qua ngưỡng thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển” bà Trương Thị Mai tin tưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.